Chính trị

Tin tức

Ký ức về đội phẫu tiền phương trong những ngày giải phóng Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Đầu tháng 3-1975, tại K6, đội phẫu tiền phương của Tỉnh đội Gia Lai được thành lập gồm một số bác sĩ, cán bộ y tế của Bệnh xá Tỉnh đội và Bệnh xá dân y khu 6. Bà Đặng Thị Lượng (nay đã nghỉ hưu, sống tại tỉnh Kon Tum) thời điểm đó là y tá của Bệnh xá dân y khu 6 cũng được tăng cường cho đội phẫu tiền phương. Đoạn trích dưới đây rút từ tập ký ức về đội phẫu tiền phương của bà Lượng kể về những ngày đầu quân ta tiếp quản thị xã Pleiku.

…Xế chiều, chú Lâm Huế cho xe đón chúng tôi vào Pleiku.

Xe đưa đội phẫu đến Trường Nam tiểu học, dốc Trà Bá. Vào bên trong lớp học, khoảng 10 người bị thương nằm trên giường, máu me đầy người đang rên la; người thân vẻ mặt thất thần, lo lắng ngồi bên cạnh. Có một anh lớn tuổi và hai chị còn trẻ, giới thiệu là y tá chế độ cũ đang chăm sóc cho 2 bệnh nhân nặng: Một phụ nữ bị thương vào bụng, thủng ruột, viêm toàn bộ phúc mạc đang nằm vật vã, rên la, sắc mặt nhợt nhạt. Một lính Việt Nam Cộng hòa bị thương gãy chân, hoại tử toàn bộ chi dưới. Các anh chị y tá chế độ cũ thấy đội phẫu đến mừng quá bàn giao cho chúng tôi và đi về nhà, vẻ mặt vẫn còn thoáng chút lo lắng và sợ sệt. Chúng tôi nhờ các anh chị ngày mai quay trở lại cùng chăm sóc bệnh nhân.

Y tá Đặng Thị Lượng (bìa phải) cùng các y-bác sĩ đội phẫu tiền phương (ảnh nhân vật cung cấp).
Y tá Đặng Thị Lượng (bìa phải) cùng các y-bác sĩ đội phẫu tiền phương (ảnh nhân vật cung cấp).


Người chồng phụ nữ bị thương vào bụng kể: Cả gia đình 6 người và hành lý dồn lên chiếc xe lam chạy di tản. Trên đường có mấy tên lính chặn lại, đòi đi cùng. Người chồng sợ trên xe có lính sẽ bị các ông giải phóng bắn, chuẩn bị lách qua bên chạy tiếp, tên lính giương súng bắn vào ngay đầu xe. Vợ ông ngồi bên tay lái bị trúng đạn vào bụng, thủng ruột, mấy đứa nhỏ và ông may không sao. Thấy vợ bị thương nặng, ông quay đầu xe đưa gia đình vào tạm trú tại trường này vì các bệnh viện, bệnh xá ở Pleiku trống trơn, không có người, mạnh ai nấy chạy đi hết, chỉ thấy đám đông vào hôi của. May phúc có mấy anh chị y tá nhà gần bên không đi di tản vào chăm sóc hộ.

Người phụ nữ bị thương quá nặng, viêm toàn bộ phúc mạc, bụng chướng căng tròn. Bác sĩ Hùng bảo còn nước còn tát, động viên anh em cố gắng cứu chữa. Cả chiều và đêm hôm đó, mấy anh em gần như thức trắng cố gắng rạch da bộc lộ tĩnh mạch để truyền dịch và plasma, nâng cao huyết áp để phẫu thuật, nhưng ven bị xẹp, huyết áp kẹp không đo được. Chúng tôi nhìn nhau bất lực. Đến gần sáng, chị thiếp dần và mất. Chúng tôi phụ người chồng khiêng chị ra đặt nằm dưới sàn xe. Nhìn người chồng thất thểu thu dọn hành lý, các con mếu máo, nước mắt giàn giụa gọi mẹ, leo lên xe lam trở về nhà dưới ánh đèn dầu heo hắt, chúng tôi không cầm được nước mắt.

Sáng, các anh chị y tá hôm qua vào trường phụ với chúng tôi thay băng, rửa vết thương, chích thuốc kháng sinh cho bệnh nhân.

Anh lính Việt Nam Cộng hòa bị thương gãy chân, đôi mắt sợ sệt lấm lét nhìn chúng tôi thăm khám hỏi chuyện, vừa trả lời vừa run. Các anh trong đội phẫu gọi nhỏ tôi ra ngoài và bảo: Em nói tiếng miền Nam vào động viên ông ấy là yên tâm chúng ta sẽ cố gắng cứu chữa, đừng sợ. Hiện nay, toàn bộ chi dưới đã bị hoại tử nên phải cắt cụt để bảo toàn tính mạng, chứ không thể nào điều trị bảo toàn cẳng chân được.

Tôi vào động viên: Chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ những gì có thể để cứu chữa. Người lính tâm sự bảo quê của anh ở tận miền Nam, bị bắt quân dịch đưa lên Pleiku. Hôm trước tháo chạy, anh bị thương do đạn lạc, đồng đội bỏ lại ven đường, cố gắng lết trở lại phố, may có người dân thấy khiêng vào đây. Tôi hiểu ý và bảo anh yên tâm, chúng tôi sẽ cố gắng cứu anh sống để trở về với gia đình, nhưng tiếc là không giữ được nguyên vẹn đôi chân cho anh, phần chi dưới bị hoại tử, để chậm sợ bị nhiễm trùng huyết nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi trấn an, anh lính nhìn tôi bằng đôi mắt tin tưởng, đầy biết ơn.

Chúng tôi đưa anh lính lên hai chiếc bàn giáo viên ghép lại, trải tấm ni lông xuống, phụ cho bác sĩ Hùng và y sĩ Tấn gây mê, phẫu thuật cắt bỏ đoạn chi hoại tử. Chăm sóc, phẫu thuật cho bệnh nhân xong, chúng tôi mệt lử người. Đói và mệt, anh em thay phiên nhau xuống căn nhà ván phía sau trường ăn cơm trưa. Đây cũng là nơi ăn, nghỉ của đội phẫu, có chỗ cột võng cho anh em nằm ngủ. Từ hôm ra Pleiku, khẩu phần ăn được cải thiện, có thịt heo sấy khô, thịt hộp kho... không còn dè sẻn như trước nữa.

Cơm vừa xong, chưa kịp uống nước, nghỉ ngơi, nghe có tiếng lao xao phía hành lang trường học, chúng tôi bước ra. Một thanh niên mới 18 tuổi đặt nằm trên võng, người xanh mét, rên la. Người nhà bệnh nhân kể: Chúng em là dân Kon Tum, trên đường di tản, người và xe cộ tranh nhau đi, em bị té ngã xuống đường, chiếc xe bò chở đầy người không kịp tránh, bánh xe cáng ngang qua người, bị thương. Nghe tin ở đây bộ đội giải phóng đang cứu chữa cho dân nên đưa đến.

Bác sĩ Hùng tiến hành thăm khám, bệnh nhân bị dập bàng quang, chảy máu trong, huyết áp không đo được. Đội phẫu hội ý ngay trên giường bệnh, y sĩ Tấn chọc dò ổ bụng hút ra chừng 10 cc máu bầm đen. Nét mặt căng thẳng, bác sĩ Hùng bảo:

- Phải mổ cấp cứu, khâu cầm máu gấp may ra thì cứu sống bệnh nhân.

Lúc này, đội phẫu không có máu cấp cứu, cũng không có máy móc thiết bị nào khác ngoài bộ dụng cụ trung phẫu, mấy chai dịch truyền, vài bình plasma, một cơ số thuốc như kháng sinh, trợ sức, trợ lực… và vật tư y tế thiết yếu. Bác sĩ cho gọi người nhà vào giải thích bệnh nhân chắc là không qua khỏi, nhưng nếu mổ cấp cứu, khâu cầm máu kịp thời may ra cứu sống. Người nhà đồng ý, viết giấy cam kết.

Trong khi chờ đợi, tôi liền lấy ven, truyền ngay chai dịch dextro 5%, tay kia chai plasma. Lúc ấy, người nhà cũng viết xong giấy cam kết.

Cả đội phẫu tập trung lại, người nào việc nấy để mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Tôi có trách nhiệm theo dõi mạch, nhiệt, huyết áp. Thật may mắn, từ lúc vết dao rạch đầu tiên vào ổ bụng, huyết áp không đo được, nhưng càng lúc huyết áp từ từ tăng… Sau khi khâu các vết dập ở bàng quang, ruột non xong, lau sạch máu ổ bụng, đặt ống dẫn lưu, cầm được chảy máu, huyết áp ổn định 100/60 mmHg.

Mũi chỉ khâu cuối cùng đóng thành bụng bệnh nhân, vạt áo của bác sĩ Hùng và anh em chúng tôi thấm đẫm mồ hôi. Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm.

Mọi người trong phòng nhìn chúng tôi bằng ánh mắt đầy trìu mến và khâm phục…

 

ĐẶNG THỊ LƯỢNG

Có thể bạn quan tâm