TN - Đất & Người

Ký ức về những trận đánh ác liệt của Anh hùng Nguyễn Văn Nhương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 30 năm trong quân ngũ, có 6 năm trực tiếp chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đó là thành tích của ông Nguyễn Văn Nhương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, quê ở xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, hiện trú tổ 8, phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Ông sinh ra từ một vùng quê giàu truyền thống cách mạng tại xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chứng kiến cảnh tàn khốc của cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ đánh phá, lòng căm thù giặc Mỹ đã thôi thúc ông tình nguyện lên đường khi tuổi đời còn rất trẻ, mới 17 tuổi. Khám sức khỏe không đạt, nhưng với lòng tha thiết của ông, ông đã được toại nguyện cầm súng lên đường.

 

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền Chủ tịch nước gắn Huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Nguyễn Văn Nhương. Ảnh: X.H
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền Chủ tịch nước gắn Huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Nguyễn Văn Nhương. Ảnh: X.H

Sau 3 tháng huấn luyện, được biên chế về Đại đội súng máy 12,7 ly, Trung đoàn 95C hoạt động từ Ninh Bình vào tới miền Tây Nam bộ và trên đất bạn Campuchia. Suốt chặng đường dài chiến đấu, ông đã cùng đoàn quân vừa hành quân, vừa chiến đấu trên nhiều mặt trận ác liệt từ Khu 4 đến miền Đông Nam bộ và trên đất bạn Campuchia, ông từng được đồng đội đặt cho cái tên “Người chiến sĩ kiên trung”. Cũng từ thành tích chiến đấu anh dũng của ông, đơn vị đã nhiều lần nêu gương cho toàn đơn vị học tập nên tất cả các trận đánh khi đơn vị được giao nhiệm vụ đều thắng lợi.

Tâm sự với tôi, Đại tá Vũ Quang Chiêm-nguyên Chánh Văn phòng Quân đoàn 4, là Thủ trưởng trực tiếp của ông từ những ngày đầu trong quân ngũ và suốt cả quá trình chiến đấu cho biết: “Đồng chí Nhương trong cuộc sống thường nhật là một con người chất phát, hiền lành nhưng trong chiến đấu lại là một con người quả cảm, mưu trí, quyết đoán, gan dạ, kiên trung, không sợ hy sinh gian khổ, thành tích trong chiến đấu của đồng chí Nhương tôi thật khâm phục. Đồng chí Nhương hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trong câu chuyện của những trận đánh ác liệt, bao nhiêu ký ức lại dội về. Với 175 trận đánh mà ông đã góp sức vào những chiến công chung cùng đồng đội. Nhưng có lẽ đậm sâu nhất, thể hiện sự dũng cảm, mưu trí nhất đã phác họa chân dung của vị anh hùng hôm nay là gần 40 ngày đêm nơi túi bom lửa đạn của chiến trường Quảng Trị, Sân bay Tà Cơn từ ngày 22-1-1968 – 30-3-1968, nhiệm vụ của Đại đội 12,7 ly của ông cùng phân đội DKZ và bộ binh được giao áp sát căn cứ sở chỉ huy và khu hậu cần của Lữ đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ, bao vây chặt, triệt phá sân bay, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch. Nhận nhiệm vụ, ông đã cùng đồng đội chiến đấu dồn bọn địch tới đường nguy khốn, bọn địch dùng B52, B57, xe tăng, xe bọc thép liên tục phản kích vào các trận địa của ta. Để bắn có hiệu quả cao nhất và tiết kiệm đạn, ông đã mạnh dạn đề nghị đơn vị đưa khẩu đội 12,7 ly áp sát hàng rào địch vừa bắn máy bay lên xuống, vừa đánh bộ binh địch đã làm cho địch khốn đốn, mất tinh thần chiến đấu. Phát hiện ra trận địa của ta, bọn địch đã huy động tối đa lực lượng, máy bay thả bom. Một quả bom rơi sát trận địa làm cho khẩu đội của ông bị thương một số đồng chí. Bản thân ông cũng bị thương rất nặng nhưng ông vẫn cố bám trận địa. Lúc này cơ số đạn còn rất ít, trong lúc đó máy bay địch lại liên tục quần thảo, rải bom, bắn phá.

 

Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Nhương. Ảnh: X.H
Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Nhương. Ảnh: X.H

Ông đã nảy ra sáng kiến tháo cách rời băng đạn để không bắn liên thanh, mà bắn tỉa phát một để tiết kiệm đạn. Hiệu quả đã thể hiện khi một mình với số đạn ít ỏi ông đã bắn rơi 3 chiếc máy bay của địch rồi tự xé áo băng vết thương cho mình và đồng đội để tiếp tục chiến đấu. Trong chiến dịch này ông cùng với đồng đội đã bắn rơi 17 máy bay, diệt nhiều tên địch, trong đó bản thân ông đã bắn rơi 7 chiếc máy bay, trong đó có 1 ngày ông bắn rơi 3 chiếc. Sau trận chiến đấu này, toàn đơn vị đã phát động học tập, noi gương mưu trí, dũng cảm của ông.
 

Nguyễn Văn Nhương đã được tặng thưởng 11 Huân chương Chiến công Giải phóng, 2 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, 5 Huy hiệu Chiến sĩ diệt máy bay; Huy hiệu Chiến sĩ diệt xe tăng; Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy; Huy hiệu Chiến sĩ thi đua quyết thắng; 5 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp Trung đoàn và Sư đoàn; 2 lần được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua anh hùng toàn miền Nam. Ngày 28-5-2010, ông vinh dự được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Từ câu chuyện chiến trường đến chiến trường ông như bị những ký ức hồi sinh. Ông kể một cách say mê về trận đánh Sở chỉ huy Chi khu Đak Lập-Đak Min ngày 23-8-1968, khẩu đội do ông chỉ huy đi cùng bộ binh, đơn vị ông được giao nhiệm vụ chi viện trực tiếp yểm trợ cho bộ binh đánh trận mở cửa. Để tiến công và đánh địch phản kích, đồng thời bắn chặn máy bay của địch cắt đường tăng viện cho căn cứ chi khu. Trong lúc đang chỉ huy chiến đấu bị bom đánh sập hầm, ông bị vùi dưới hầm, khi được đồng đội cứu lên đưa về tuyến sau cấp cứu nhưng trên cương vị người chỉ huy (C viên bậc phó, kiêm Trung đội trưởng 12,7 ly) ông kiên quyết ở lại để chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu và động viên đồng đội tiếp tục chiến đấu đã làm tăng thêm ý chí đánh giặc của đồng đội và giành thắng lợi hoàn toàn.

Trận chiến đấu này, đơn vị ông đã khống chế được đường không, buộc Tổng thống Thiệu phải đáp máy bay từ Sài Gòn ra trấn an đồng bọn. Tuy nhiên, trước lưới lửa phòng không của ta, làm cho máy bay của Tổng thống Thiệu không thể xuống đã phải quay lại Sài Gòn. Tổng kết chiến công chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên đơn vị ông bắn rơi 5 máy bay, trong đó riêng ông bắn rơi 3 chiếc và diệt nhiều tên địch.

Cuối năm 1968 đơn vị do ông chỉ huy lại được giao nhiệm vụ chi viện trực tiếp cho bộ binh tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn Không vận Mỹ ở Sóc Con Trăng (14-11-1968) đã diệt 70 xe cơ giới của Mỹ và tấn công tiêu diệt các tiểu đoàn quân Mỹ ở Đồng Pan, Lộc Ninh (22-5-1969). Thắng lợi của chiến dịch Xuân, Hè, Thu năm 1969, đơn vị ông đã bắn rơi 13 máy bay, ông đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay. Sau chiến dịch ở Sóc Con Trăng  đơn vị ông được điều sang chiến trường Đông Bắc Campuchia,  ngày 23-2-1971 ở Đầm Be, quân địch dùng sức mạnh phối hợp xe tăng, máy bay, bộ binh và các loại hỏa lực hòng san bằng trận địa của ta, ông đã mưu trí tác chiến bằng cách sử dụng súng 12,7 ly, súng bộ binh, B40, lựu đạn để chiến đấu chống trả các đợt phản công của địch, xe tăng địch tiến gần ông đã dũng cảm ôm mìn chống tăng bò ra khỏi hầm lăn vào xích xe tăng, nổ tung xe tăng chạy trước, khi quay lại hầm, lúc này trong hầm chỉ còn lại duy nhất một quả đạn B40 ông đã sử dụng bắn cháy tiếp chiếc xe tăng thứ 2 rồi sử dụng súng bộ binh, lựu đạn chiến đấu tiêu diệt bộ binh địch.

Thêm một lần nữa, hầm bị bom đạn Mỹ làm sập và vùi lấp ông, được đồng đội cứu lên phải mất hàng giờ mới tỉnh lại nhưng vẫn đòi ở lại chiến đấu. Trong chiến dịch phản công này, toàn đơn vị bắn rơi 19 máy bay các loại và diệt 2 xe tăng địch, trong đó ông bắn rơi 2 máy bay, diệt 2 xe tăng và nhiều tên địch…

Cuối năm 1972 ông rời chiến trường lên đường ra Bắc học tập. Tốt nghiệp ra trường ông được điều về làm chính trị viên Tiểu đoàn 22, Pháo cao xạ Quân khu 4. Rồi điều vào tăng cường Tây Nguyên, ông giữ nhiều chức vụ ở nhiều vị trí quan trọng. Trên cương vị chức trách nào được giao ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Gần 30 năm binh nghiệp, năm 1993 ông được cấp trên cho nghỉ hưu và nay ông là một cựu chiến binh với truyền thống và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ mặc dù tuổi đã cao song trong ông luôn tâm niệm: “Tuổi cao tâm sáng gương trong” nên trong cuộc sống đời thường ông luôn được bà con nơi ông cư trú hết sức nể phục.

Xuân Hoàng

Có thể bạn quan tâm