Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Kỳ vọng bùng nổ bất động sản công nghiệp trong năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước bối cảnh nhu cầu, giá tăng, nguồn cung hạn chế, các chuyên gia bất động sản nhận định, dòng sản phẩm bất động sản công nghiệp đang được đặt nhiều kỳ vọng và là phân khúc "vàng" trong năm 2022.
Bất động sản công nghiệp, phân khúc được đặt nhiều kỳ vọng phát triển năm 2022. Ảnh minh họa: Cao Nguyên
Giá thuê 89.000/m2/tháng
Ghi nhận đầu năm Nhâm Dần 2022 cho thấy, nhiều khu công nghiệp được chào giá cho thuê ở mức gần 100.000 đồng/m2. Đơn cử như tại Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội nhà xưởng đa dạng diện tích từ 850-1.200m2 liên tục được chào thuê.
Trong vai khách hàng tìm thuê, PV Báo Lao Động được anh Đỗ Mạnh Lực (34 tuổi) tư vấn, nhà xưởng tiêu chuẩn công nghiệp trong khuôn viên 1ha, có chống nóng, nền được đổ bêtông kiên cố, lắp đặt được vai cẩu trục 5 tấn; Trạm biến áp riêng với công suất lớn; Hệ thống PCCC tiêu chuẩn công nghiệp... Vị này cho hay, tất cả đều có giấy tờ pháp lý đầy đủ, có văn phòng trong xưởng và cam kết thời gian thuê dài hạn, ổn định, bảo vệ vòng ngoài 24/7. Giá cho thuê dao động từ 75 - 89.000 đồng/m2 tuỳ từng vị trí.
Như vậy, một nhà xưởng nhỏ nhất 850m2 với giá thuê thấp nhất 75.000 đồng, thì mỗi tháng nhà xưởng thu về 63 triệu đồng.
Tương tự tại Phú Xuyên, Hà Nội, kho xưởng được chào giá thuê theo gói từ 50 triệu đến 120 triệu đồng/tháng tuỳ từng diện tích từ 1.800 đến 3.000m2. Đáng nói, số lượng có hạn, chỉ có một đến hai nhà xưởng trống sau Tết. Khách hàng không có nhiều sự lựa chọn.
Theo đánh giá của Collier (Khu công nghiệp Collier Việt Nam), các khu công nghiệp tại Hà Nội cũng đang hút khách thuê.
Hiện các khu công nghiệp Thăng Long, Nam Thăng Long, Đông Anh, Sài Đông B, Quang Minh, Nội Bài, Thạch Thất đều ghi nhận tỉ lệ lấp đầy 100%. Thị trường phía Bắc đã mở rộng bất động sản khu công nghiệp ra các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng...
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) mới đây cũng cho hay, thị trường bất động sản công nghiệp ngày càng nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư và sẽ tiếp tục có mức độ cạnh tranh cao trong năm 2022.
Đơn vị này thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, khu vực miền Bắc đang có khoảng 63,5 nghìn ha đất công nghiệp được đưa vào quy hoạch với 238 khu, cụm công nghiệp đã hoạt động và đang được xây dựng.
Năm 2021 là năm đánh dấu sự bùng nổ của thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc với tỉ lệ lấp đầy đạt mức cao và thu hút được nhiều doanh nghiệp hơn. Điều này được coi là sự tăng trưởng tất yếu, bởi đây là khu vực đang tập trung những tỉnh thành thu hút lượng vốn FDI hàng đầu cả nước như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh...
Nhiều đơn vị tư vấn cũng đánh giá tích cực về cơ hội bùng nổ của bất động sản công nghiệp năm 2022. CBRE Việt Nam dự báo triển vọng của bất động sản công nghiệp sẽ diễn biến tích cực hơn trong năm 2022, thậm chí kéo dài đà tăng trưởng sang năm 2023. Mức giá thuê đất công nghiệp sẽ có mức tăng ổn định là khoảng 4% mỗi năm.
Còn lo ngại và rào cản nào?
Mặc dù vậy, cũng không ít ý kiến lo ngại đối với phân khúc này, đặc biệt là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí logistics chưa cạnh tranh, một số vấn đề về cơ chế và quy định pháp luật để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Ông Ngô Văn Khanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang chia sẻ, bất động sản công nghiệp vẫn đang thu hút các nhà đầu tư với giá công nhân rẻ, hạ tầng kỹ thuật phát triển khá tốt, thuận lợi giao thương và tình hình chính trị trong nước ổn định...
Ngoài ra, việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 vừa qua cũng là một điểm cộng trước các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, ông Khanh cũng cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc phát triển phân khúc này. Cụ thể, ông Khanh phân tích, các khu công nghiệp hiện nay chủ yếu tập trung ở các thành phố, trung tâm các địa phương, hạ tầng thuận lợi giao thương... nhưng lại thiếu nguồn lao động. Doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động từ xa, chi phí trả lương phải tính toán đến cả các chi phí ăn ở, tiêu dùng nên giá lao công tăng cao.
Cũng theo ông Khanh, vấn đề về giải phóng mặt bằng xây dựng khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Người dân lo lắng khi nhà nước thu hồi đất để phát triển công nghiệp, họ sẽ mất đất canh tác, nên chưa hoàn toàn đồng thuận... Trong khi đó, vai trò của phát triển công nghiệp đối với đời sống người dân như: Gia tăng việc làm, thu nhập, nguồn tiêu thụ thực phẩm... lại chưa được tuyên truyền hiệu quả.
Do đó, theo ông Khanh, để phát triển bất động sản công nghiệp bền vững cần quy hoạch đồng bộ về hạ tầng giao thông. Quy hoạch, phân bổ các khu công nghiệp có tính đặc thù.
Bên cạnh đó tập trung phát triển nhà ở cho công nhân, nhà nước đứng ra làm hoặc có chính sách ưu tiên cho những doanh nghiệp phát triển phân khúc này nhằm ổn định sản xuất.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, bất động sản công nghiệp nằm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được nhà nước cấp phép thành lập. Hiện nay thị trường bất động sản công nghiệp nói riêng và thị trường bất động sản nói chung là một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo - thiếu tính hiệu quả. Vì vậy sự can thiệp của Nhà nước là cần thiết, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Sự can thiệp của Nhà nước được thể hiện một cách tập trung ở chỗ, Nhà nước đảm bảo tính pháp lý cho các bất động sản. Đó là những điều kiện quan trọng để bất động sản có thể được giao dịch, mua bán một cách công khai minh bạch như những hàng hóa thông thường khác; tiến hành kiểm soát các giao dịch trên thị trường bất động sản, đảm bảo cho thị trường hoạt động một cách lành mạnh, thúc đẩy các thị trường khác cùng phát triển, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư.
Theo Cao Nguyên (LĐO)
https://laodong.vn/bat-dong-san/ky-vong-bung-no-bat-dong-san-cong-nghiep-trong-nam-2022-1015568.ldo

Có thể bạn quan tâm