Sống trẻ - Sống đẹp

Kỳ vọng hợp tác xã do thanh niên làm chủ ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với nền tảng kiến thức và sự sáng tạo, những hợp tác xã (HTX) do thanh niên làm chủ ở Gia Lai đã mang lại hiệu quả bước đầu, khẳng định ý chí, nghị lực và tinh thần khởi nghiệp của lớp người trẻ.

Năm 2018, anh Nguyễn Văn Yên (làng Ô Rê 2, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) cùng một số thanh niên trong làng dành thời gian nghiên cứu, học hỏi về lĩnh vực nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện rồi thành lập HTX Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Ia Grăng. Hợp tác xã có nguồn vốn khởi điểm là 200 triệu đồng với 8 thành viên do anh Yên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc. Sau 5 năm đi vào hoạt động, số thành viên HTX tăng lên hơn 20 người với nguồn vốn gần 1 tỷ đồng. Anh Yên cho biết: “Mực nước tại lòng hồ thủy điện Ia Grai 1 luôn duy trì ở mức ổn định, thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Phát huy thế mạnh, HTX đã tận dụng 500 m2 mặt nước để nuôi 16 lồng cá, mỗi lồng nuôi hơn 2 tấn cá diêu hồng và trắm cỏ. Mỗi năm, HTX thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt 8-10 tấn cá. Giá cá phụ thuộc vào thị trường nhưng nếu xuống thấp cũng có lãi 5 triệu đồng/tấn”.

Tham gia HTX ngay từ những ngày đầu thành lập, anh Trần Vũ Hùng cho hay: “Đây là mô hình phát triển kinh tế tập thể trong đoàn viên, thanh niên theo hướng tự sản xuất, tiêu thụ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước lòng hồ. Sau một thời gian ngắn nuôi cá lồng, HTX đã thu hồi số vốn đầu tư ban đầu. Những năm tiếp theo, doanh thu của HTX không ngừng tăng lên và đảm bảo thu nhập cho các thành viên”.

Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình nuôi cá lồng của HTX Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Ia Grăng (huyện Ia Grai). Ảnh: Mai Ka

Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình nuôi cá lồng của HTX Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Ia Grăng (huyện Ia Grai). Ảnh: Mai Ka

Lợi thế của người trẻ khi khởi nghiệp là có kiến thức, sự năng động, sáng tạo. Với tinh thần đó, năm 2018, anh Nguyễn Đình Trí (xã Al Bá, huyện Chư Sê) đã thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ môi trường Việt Trí với 9 thành viên. Đây là HTX đầu tiên ở huyện Chư Sê do thanh niên làm chủ. Hợp tác xã hoạt động theo mô hình cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm. “Hợp tác xã triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm cho 40 hộ gia đình với quy mô 35 ha. Do nguồn tằm giống đảm bảo chất lượng nên người dân rất tin tưởng. Ngoài ra, chúng tôi còn đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế cho hộ liên kết. Sau 15 ngày nuôi, 1 hộp tằm cho 60 kg kén. Hiện nay, kén bán ra có giá khoảng 120-150 ngàn đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Hợp tác xã cũng giải quyết việc làm cho 6-8 lao động thường xuyên tại địa phương”-anh Trí cho biết.

Theo anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh, toàn tỉnh hiện có 6 HTX do thanh niên làm chủ với tổng vốn điều lệ trên 4 tỷ đồng, thu hút 93 thành viên tham gia. Những năm qua, Tỉnh Đoàn đã vào cuộc quyết liệt trong việc định hướng, tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực xây dựng HTX. Đồng thời, Tỉnh Đoàn làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để có chính sách hỗ trợ các gói vay ưu đãi cho HTX; phối hợp với Ban Thư ký Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh chỉ đạo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tăng cường hỗ trợ các chương trình khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tích cực tìm kiếm nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp để thanh niên hiện thực hóa các ý tưởng sản xuất kinh doanh.

HTX Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Ia Grăng (huyện Ia Grai) đạt hiệu quả cao sau 5 năm hoạt động. Ảnh: Mai Ka

HTX Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Ia Grăng (huyện Ia Grai) đạt hiệu quả cao sau 5 năm hoạt động. Ảnh: Mai Ka

“Việc nâng cao nhận thức trong xây dựng HTX được các cấp bộ Đoàn quan tâm triển khai, đưa vào nội dung tập huấn cán bộ Đoàn theo phân cấp quản lý hàng năm. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức một đợt học tập kinh nghiệm triển khai mô hình HTX tại tỉnh Long An và Đồng Tháp cho nguồn nhân lực HTX. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các HTX về nguồn vốn, kết nối đầu ra sản phẩm, khoa học công nghệ; đẩy mạnh công tác rà soát mô hình phát triển kinh tế của thanh niên để định hướng, hỗ trợ xây dựng các HTX kiểu mới gắn với việc thực hiện Chương trình OCOP”-anh Thanh thông tin.

Có thể bạn quan tâm