Kinh tế

Tài chính

Kỳ vọng làn sóng giảm lãi vay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các doanh nghiệp kỳ vọng làn sóng giảm lãi suất sẽ lan tỏa ra nhiều ngân hàng giúp họ bớt áp lực tài chính...

Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đây là NH đầu tiên công bố giảm lãi vay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán.

Giảm nhưng vẫn còn cao

Theo Vietcombank, đây là lần thứ 6 liên tiếp NH này thực hiện giảm lãi suất cho vay nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng cá nhân và DN giảm bớt khó khăn trong đại dịch Covid-19. Mức giảm áp dụng cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ ngày 22-2 đến 22-5.


 

Giảm lãi suất cho vay là một trong những mong mỏi lớn của các doanh nghiệp trong năm mới .Ảnh: TẤN THẠNH
Giảm lãi suất cho vay là một trong những mong mỏi lớn của các doanh nghiệp trong năm mới .Ảnh: TẤN THẠNH


Cụ thể, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả cho DN bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19, giảm tới 5% số tiền lãi phải trả cho khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch.

Khách hàng cá nhân cũng được giảm lãi suất 0,2 điểm % khi vay vốn sản xuất - kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch. Dự kiến, tổng số khách hàng được giảm lãi suất lần này khoảng 105.000 khách với quy mô tín dụng 350.000 tỉ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Vietcombank.

Trong xu hướng lãi suất đầu vào liên tục được điều chỉnh giảm ở hầu hết các NH thương mại, thị trường kỳ vọng việc hạ lãi vay của Vietcombank lần này sẽ lan tỏa tới nhiều NH khác, giúp DN bớt áp lực chi phí tài chính.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN cho biết vẫn đang phải vay vốn NH với mức lãi suất khá cao trong bối cảnh dịch bệnh, doanh thu, dòng tiền đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, cho biết DN ông đang phải vay NH với lãi suất ngắn hạn trên 8%/năm và trung dài hạn khoảng 10%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao trong bối cảnh đại dịch tiếp tục tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

"Tôi có liên hệ NH xin điều chỉnh giảm lãi suất vay để bớt áp lực tài chính nhưng không thấy phản hồi do chúng tôi là khách hàng quen, luôn trả lãi đầy đủ và chưa từng quá hạn. Nhiều DN trong Hội Cao su - Nhựa TP cũng đang vay NH với lãi suất khá cao; các DN nhỏ, siêu nhỏ lại càng khó được giảm" - ông Nguyễn Quốc Anh băn khoăn.

Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam (chủ đầu tư dự án tour du lịch xe buýt 2 tầng), cho hay du lịch đang tiếp tục gánh chịu thiệt hại từ đợt bùng phát dịch trước Tết đến nay nhưng DN ông vẫn đang phải vay vốn NH để đầu tư đội xe buýt 2 tầng và duy trì hoạt động với mức lãi suất xấp xỉ 10%/năm. "Thị trường đang vắng cả khách quốc tế lẫn nội địa. Duy trì hoạt động của DN để có doanh thu trong bối cảnh này là bài toán cực khó nhưng chúng tôi vẫn đang phải trả lãi vay NH khoảng 10%/năm" - ông Nguyễn Khoa Luân chia sẻ.

Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP cho biết trước đây, DN bán hàng xong thu tiền về trong vòng 30 ngày thì nay phải tới 45-60 ngày mới nhận được, vòng quay vốn bị chậm nên rất cần NH miễn giảm bớt lãi vay để giảm gánh nặng tài chính.

"Tài chính là nguồn sống của DN, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều dòng tiền của DN bị đứt gãy, thu thì giảm mạnh nhưng chi không giảm, muốn hoạt động được phải ổn định dòng tiền. Nếu lãi suất thấp, DN sẽ sẵn sàng vay để ổn định dòng tiền, từ đó có cơ hội duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh" - ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), nêu ý kiến.

Cần có độ trễ

Tại báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý IV/2020 của nhóm phân tích dữ liệu Khối Dịch vụ thông tin tài chính FiinGroup, cho thấy các DN thuộc khối tài chính (gồm bảo hiểm, NH thương mại, dịch vụ tài chính) có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá tốt trong quý IV và cả năm 2020.

Cụ thể, với ngành NH, tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ biên độ lãi ròng (NIM) mở rộng do lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; trích lập dự phòng rủi ro thấp hơn thực tế nhờ Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay cho các DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19...

Không ít DN đã bức xúc khi nhìn vào lãi suất huy động ngày càng giảm, các NH lãi khủng trong khi lãi suất cho vay vẫn duy trì khá cao.

Tuy nhiên, lãnh đạo một số NH cho rằng xu hướng giảm lãi suất huy động từ cuối năm 2020 đến nay cần độ trễ để tác động giảm lãi suất cho vay và lập luận mặt bằng lãi vay trong năm 2020 cũng đã giảm đáng kể so với trước đó.

Chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực cũng đồng tình khi cho rằng thị trường cần thêm độ trễ để lãi vay tiếp tục đi xuống nhưng về cơ bản, lãi suất cho vay trong năm ngoái cũng đã giảm từ khoảng 0,5 đến 2,5 điểm %, tương ứng với mức giảm của lãi suất huy động. Biên độ lãi ròng NIM của các NH thương mại hiện vào khoảng 2,6% là mức tương đồng như năm 2019, không phải quá cao.

"Các DN luôn kỳ vọng lãi suất vay càng thấp càng tốt để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, lãi vay còn chịu tác động điều chỉnh của các yếu tố khác nữa, như kỳ vọng lạm phát, lãi suất đầu vào, mức độ rủi ro của nền kinh tế và của từng DN có nhu cầu vay vốn, chi phí giao dịch. Cả 4 yếu tố này đều đang ở mức cao hơn so với khu vực và thế giới nên mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn nhỉnh hơn so với khu vực" - TS Cấn Văn Lực nói.

Dù vậy, lãi suất hiện không phải điểm nghẽn đối với hoạt động của DN khi tăng trưởng tín dụng năm 2020 vẫn khoảng tăng 12%-13% cho thấy nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn khá tốt. Ông Lực cho rằng nếu lãi suất quá thấp, dòng tiền sẽ chảy qua các kênh đầu tư khác trong khi áp lực lạm phát có thể cao hơn so với năm ngoái. Hiện thanh khoản của các NH đang dồi dào và nếu DN tốt, có tài chính lành mạnh, các NH thương mại còn "tranh nhau" cho vay với lãi suất tốt.

Ngân hàng cũng cần hỗ trợ

TS Nguyễn Quốc Anh, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cũng nhận định chủ trương giảm lãi suất để hỗ trợ DN và nền kinh tế thời gian qua của NH Nhà nước, Chính phủ được các NH thương mại triển khai khá tốt. Trong đó, không chỉ câu chuyện lãi suất mà còn những chính sách liên quan đến cơ cấu lại khoản nợ... "So sánh với một số nước trong khu vực năm qua sẽ thấy mức độ giảm lãi suất đầu vào, đầu ra của hệ thống NH ở Việt Nam được điều chỉnh mạnh hơn. Có điều, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, việc đạt được mức lợi nhuận 8%-10%/năm với các DN không đơn giản, nên bài toán phấn đấu để giảm thêm lãi vay là cần thiết và cũng là mong muốn của cộng đồng DN" - TS Nguyễn Quốc Anh nói.

Để làm được điều này, cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ cụ thể để các NH có thêm nguồn vốn đầu vào rẻ hơn nhằm hỗ trợ nhiều hơn DN và nền kinh tế. Đồng thời, hỗ trợ DN không chỉ lãi suất mà cần nhiều chính sách đồng bộ khác.


Theo THÁI PHƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm