Kinh tế

Tài chính

Kỳ vọng nguồn vốn FDI chạm mốc 38 tỉ USD  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với lợi thế là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh, cơ cấu dân số trẻ, nhiều quỹ đầu tư ngoại, đặc biệt là doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới đang đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

 Kỳ vọng nguồn vốn FDI chạm mốc 38 tỉ USD. Ảnh: Hải Nguyễn
Kỳ vọng nguồn vốn FDI chạm mốc 38 tỉ USD. Ảnh: Hải Nguyễn


Điểm đến giàu tiềm năng

Hãng dịch vụ tài chính lâu đời trên thế giới JPMorgan Chase mới đây cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện, dịch vụ sản xuất điện tử, dự báo sẽ đóng góp 65% tổng sản lượng airpods, 20% ipad và apple watch, 5% macbook vào năm 2025.

Liên tục đổ bộ và đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam, thời gian qua các nhà đầu tư FDI, tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Intel, LG, Foxconn, Intel, Honda, Panasonic, Luxshare, Pegatron, Winston... liên tục rót nguồn vốn lớn.

Đặc biệt năm 2022 Tập đoàn Samsung đã cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam 3,3 tỉ USD nhưng hiện tại, mới có hơn 2 tỉ USD được hiện thực hóa. Nhiều chuyên gia dự báo có thể năm 2023, phần cam kết còn lại cũng sẽ được đầu tư, nâng tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, Việt Nam đang mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp Châu Âu cũng như triển vọng phát triển trong trung và ngắn hạn. 42% người tham gia khảo sát cũng dự đoán công ty của họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm 2022 tại nhiều lĩnh vực hơn, đặc biệt là startup.

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ - chia sẻ, ngân sách của Ủy ban Châu Âu dành cho đầu tư công nghệ mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khá lớn, lên đến vài tỉ Euro. Khi các doanh nghiệp Châu Âu nhận được ngân sách và sau khi họ hoàn thành nghiên cứu, tạo ra công nghệ, chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ có xu hướng áp dụng ở các quốc gia khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tháo gỡ điểm nghẽn, tăng thu hút vốn FDI chất lượng cao

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Tính đến ngày 20.12.2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỉ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết,  việc gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách Zero-COVID ở Trung Quốc và căng thẳng chính trị thời gian qua đã khiến nhiều tập đoàn, nhà sản xuất toàn cầu phải dịch chuyển hoạt động và đặt cược niềm tin vào khu vực Đông Nam Á.

Cho rằng tình hình đầu tư có thể khả quan hơn trong năm 2023, ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) - dự báo, thu hút FDI năm 2023 của Việt Nam có thể đạt 36 - 38 tỉ USD, còn vốn giải ngân đạt khoảng 22 - 23 tỉ USD.

Theo phân tích của ông Sử, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, mở cửa biên giới đường bộ có thể tác động đến việc thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam.

Cụ thể ở trong khu vực, Trung Quốc vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu, dòng vốn vẫn sẽ chảy vào thị trường này và hạn chế vào Việt Nam, các nền kinh tế khác trong khu vực.

Nhưng ngược lại, sự dịch chuyển vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… khỏi Trung Quốc cũng sẽ được đẩy nhanh đến năm 2025 và Việt Nam dự báo sẽ là một điểm đến được ưu tiên lựa chọn.


https://laodong.vn/kinh-doanh/ky-vong-nguon-von-fdi-cham-moc-38-ti-usd-1137536.ldo

Theo THU GIANG  (LĐO)

Có thể bạn quan tâm