Thời sự - Bình luận

Kỳ vọng sớm có ngành công nghiệp golf

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nằm trong khuôn khổ của Lễ hội Golf Việt Nam - Nha Trang 2024 “Trăm năm Golf Việt” được Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tại Khánh Hòa từ ngày 27-11, Hội thảo chuyên đề Phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt dự kiến sẽ diễn ra.

Sự kiện được kỳ vọng sẽ có những gợi ý mới cho bộ môn golf, trong đó có đề cập đến triển vọng hình thành ngành công nghiệp golf.

Khái niệm “công nghiệp thể thao” với thể thao Việt Nam tương đối xa lạ, nhưng nó gần gũi với các quốc gia có tiềm lực kinh tế thể thao. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 - Tầm nhìn 2045, chính vì thế, cách đặt vấn đề cho golf không quá sớm. Nếu từ bây giờ không đề cập đến một ngành công nghiệp golf thì sự phát triển của golf với tư cách là một môn thể thao sẽ vẫn đi song song, không thể “gặp” nhau với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Qua đó cùng nhau khai thác các giá trị kinh tế, thương mại đến từ các ưu đãi điều kiện tự nhiên mà đất nước đang sở hữu.

Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế thể thao nói chung của Việt Nam vẫn chưa có diện mạo rõ ràng, thì việc có những môn thể thao tiên phong hình thành “ngành công nghiệp” để dẫn dắt thị trường cũng là điều rất cần thiết. Đơn cử như phong trào marathon hiện nay đang dần tiếp cận với các chuẩn mực nhà nghề của thế giới cả về số lượng giải chạy, tiêu chuẩn chuyên môn, các sản phẩm thương mại đi kèm và đặc biệt là sự liên kết về lợi ích đối với các địa phương phát triển du lịch quốc tế cũng như hoạt động xã hội - nhân văn.

Tuy nhiên, để có ngành công nghiệp thể thao là một cuộc hành trình rất dài và đòi hỏi nhiều yếu tố ngoài thể thao cùng tham gia. Trong định hướng về kinh tế thể thao trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 - Tầm nhìn 2045 có nêu rất cụ thể: Thể thao Việt Nam phải làm sao khai thác hoạt động kinh doanh tài sản, thị trường và tiêu dùng thể thao; hoạt động kinh doanh thể thao ở trong nước và ở nước ngoài; quản trị sản xuất, dịch vụ và marketing thể thao; kinh doanh thể thao chuyên nghiệp, thể thao giải trí; thị trường lao động và chuyển nhượng VĐV; bản quyền hình ảnh và doanh thu bán vé... Vấn đề là nhiều thành phần trong số đó có liên quan đến các bộ, ngành hoặc các thể chế, chính sách về đất đai, thuế. Chưa kể một nguồn thu quan trọng là Xổ số thể thao vẫn còn phải cân nhắc đến các tác động an ninh, trật tự xã hội.

Tổng ngân sách chi cho toàn bộ ngành thể thao mỗi năm cũng chưa đến 1.000 tỷ đồng và đây cũng chỉ mới dừng lại ở chế độ lương, thưởng cho VĐV ở tất cả các môn, cho nhiều sự kiện quốc tế, chưa nói đến những hoạt động mang tính đầu tư hay riêng “chiến lược tốp 50 Olympic”. Không thể nói chuyện vươn tầm thế giới trong thể thao nếu chỉ nhìn vào “bầu sữa ngân sách”, mà bắt buộc từng môn thể thao thế mạnh của Việt Nam phải có kế hoạch chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, nhà nghề để tạo ra thị trường và nguồn doanh thu riêng tái đầu tư cho phần đỉnh cao của môn thể thao mình.

Vậy khi nào mới có một ngành công nghiệp thể thao? Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, điểm quan trọng là cần thay đổi tư duy, coi thể thao là một ngành kinh tế quan trọng chứ không đơn thuần là lĩnh vực giải trí. Khi đó nhận thức của toàn xã hội sẽ thay đổi, từ đó có những điều chỉnh về chính sách cho doanh nghiệp, người dân về thể thao. Với những người làm thể thao, trước hết phải tạo ra được thị trường tiêu dùng thể thao, nhà sản xuất, điều kiện thi đấu - tập luyện và đặc biệt là có sự liên kết bền vững với những loại hình dịch vụ khác ví dụ như du lịch, thương mại, sự kiện để tiếp cận được đa số người chơi. Số lượng người chơi có đông, thì mới hình thành được thị trường kinh doanh các sản phẩm, và quan trọng hơn đó là điều kiện để hình thành những giải đấu chuyên nghiệp thường xuyên. Điều này marathon đang làm tốt, và thêm kỳ vọng khác đến từ golf.

Theo ĐĂNG LINH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm