Thời tiết

Cảnh báo thiên tai

La Nina khiến mưa, bão gia tăng vào cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khí hậu sắp chuyển sang trạng thái La Nina, điều này sẽ khiến mưa, bão gia tăng trong những tháng cuối năm.

Đầu mùa mưa bão ít, nhiệt độ vẫn cao

Dù đã bước vào mùa mưa nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, cảm nhận chung của nhiều người dân Nam bộ là tiết trời vẫn thường xuyên nắng nóng gay gắt. Cảm nhận này hoàn toàn tương hợp với số liệu chính thức do cơ quan khí tượng công bố. Cụ thể, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Trong 15 ngày đầu tháng 6, cả nước tiếp tục ghi nhận 16 lần nhiệt độ cao vượt giá trị lịch sử, chủ yếu ở khu vực Nam bộ. Chẳng hạn vào ngày 3.6, tại Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhiệt độ cao nhất ghi nhận được lên tới 37,5 độ C, cao hơn mức nhiệt độ lịch sử đến 1,5 độ C.

Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình nửa đầu tháng 6, ngoại trừ khu vực Bắc bộ cùng với Thanh Hóa tới Nghệ An phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; các khu vực còn lại trên cả nước nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1,5 độ C, riêng Tây nguyên và Nam bộ có nơi cao hơn 2 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Dự báo trong giai đoạn từ tháng 7 - 9, nhiệt độ trung bình phổ biến tiếp tục cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C.

La Nina đang đến gần, mưa bão sẽ bắt đầu gia tăng và kéo dài đến cuối năm nay

La Nina đang đến gần, mưa bão sẽ bắt đầu gia tăng và kéo dài đến cuối năm nay

Đáng chú ý, từ tháng 7 - 9 năm nay, khí hậu có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65 - 75%. Dự báo trong giai đoạn này, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5 - 7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có khoảng 2 - 3 cơn đổ bộ vào đất liền. Trung bình nhiều năm, số lượng bão/ATNĐ giai đoạn này là 6 - 7 cơn, đổ bộ vào đất liền khoảng 3 cơn. Có khả năng bão/ATNĐ hình thành ngay trên Biển Đông.

Tại khu vực Bắc bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng 8 và tập trung chính trong tháng 7. Tại Trung bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng 9, tập trung chính trong tháng 7 - 8. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Giải thích về hiện tượng khí hậu, PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), nói: Hiện nay chỉ là giai đoạn đầu của hiện tượng La Nina nhưng "vết tích" của El Nino vẫn còn nên mùa mưa năm nay bắt đầu trễ, có những cơn mưa lớn nhưng số trận mưa không nhiều và không đều nên có những ngày vẫn còn duy trì nhiệt độ cao, vào cuối mùa mưa sẽ có những trận mưa lớn dồn dập hơn và số trận bão và ATNĐ gia tăng cao hơn các năm trước.

"Nhìn chung năm nay thời tiết bất thường hơn và thỉnh thoảng có những thiên tai dị thường xảy ra như triều cường cao, sạt lở tăng, gió bão giật mạnh, lốc xoáy đột ngột, sấm sét nhiều, kể cả có vài trận mưa đá mà trước kia không có. Các hoạt động nông nghiệp, thủy sản và sinh hoạt cư dân sẽ chịu nhiều tác động bất lợi. Mọi lĩnh vực và người dân cần phải theo dõi thường xuyên các quan trắc và cảnh báo thời tiết để né tránh, hạn chế thiệt hại cho sản xuất và an toàn cuộc sống", TS Tuấn khuyến cáo.

Mưa, bão gia tăng vào cuối năm

Cùng với sự xuất hiện của hiện tượng La Nina, mưa bão cũng có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ tháng 10 - 12, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 4 - 6 cơn bão/ATNĐ; trong đó có khoảng 2 - 3 cơn đổ bộ vào đất liền. So với trung bình nhiều năm, số lượng bão/ATNĐ trên Biển Đông trong thời kỳ này có thể nhiều hơn 1 cơn bão. Đề phòng khả năng bão/ATNĐ hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

So với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, trong giai đoạn từ tháng 10 - 12, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc bộ phổ biến ở mức cao hơn 10 - 30%, riêng khu vực Tây Bắc, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 10 - 20% so với trung bình nhiều năm. Còn khu vực Trung bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 20 - 40% so với cùng thời kỳ. Khu vực Tây nguyên và Nam bộ, tổng lượng mưa, phổ biến cao hơn từ 5 - 20%.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, khuyến cáo: Với những cơn bão từ ngoài khơi Philippines di chuyển vào Biển Đông thường chúng ta có thời gian theo dõi và bà con ngư dân có phương án ứng phó phù hợp. Trong khi đó, những cơn bão hình thành trên Biển Đông thường nguy hiểm hơn do chúng ta ít có thời gian chuẩn bị. Chính vì vậy việc cảnh báo sớm là rất cần thiết để giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Năm nay, do có sự xuất hiện của La Nina nên mùa mưa bão có thể kéo dài đến các tháng cuối năm. Trong lịch sử, những cơn bão gây ảnh hưởng mạnh đến VN thường xảy ra vào giai đoạn cuối năm và đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ. Khu vực này cũng ít có kinh nghiệm ứng phó bão nên cần đặc biệt chú ý.

Mưa bão tập trung từ tháng 9 - 11

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đánh giá việc chuyển pha từ nóng sang lạnh của hiện tượng ENSO thường sẽ gắn liền với hiện tượng mưa nhiều. Kịch bản năm 2024 sẽ khá tương đồng với những năm thiên tai bất thường, cực đoan trong quá khứ, gần nhất là năm 2020. Cụ thể, hoạt động của ATNĐ sẽ tập trung nhiều vào cuối mùa gắn liền với khu vực Trung bộ. Ngoài ra, sự thay đổi bất thường từ pha nóng sang pha lạnh và biến đổi khí hậu trong nhiều năm nay có thể gây ra mưa lớn cục bộ. Điều này diễn ra không chỉ trong mùa mưa mà ngay cả trong đầu mùa mưa hoặc mùa khô, gây ra lũ quét, sạt lở đất.

Từ nay đến cuối năm, có khoảng 11 - 13 cơn bão trên Biển Đông, trong đó 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung từ tháng 9 - 11.

Đình Huy

ĐBSCL sẽ có một mùa lũ trên mức trung bình

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL, nhận định: Hiện giờ còn quá sớm để biết cường độ La Nina sẽ mạnh như thế nào. Tuy nhiên, theo quy luật bù trừ thì sau một El Nino mạnh thì có thể cũng là một La Nina mạnh.

Ở vùng Mê Kông, nếu La Nina xảy ra sẽ dẫn đến khả năng năm nay ĐBSCL có một mùa lũ từ trên trung bình đến cao. Vậy sẽ có 2 tình huống có thể xảy ra. Nếu lũ trên trung bình thì các đập thủy điện sẽ trữ bớt một số nước làm giảm đỉnh lũ về ĐBSCL. Nước đó sẽ được dùng phát điện vào mùa khô 2025. Do đó mùa khô 2025, ĐBSCL ít có khả năng hạn mặn ven biển. Còn nếu La Nina cực đoan, mưa nhiều thì đầu mùa lũ các hồ thủy điện sẽ trữ lũ vào hồ, nhưng đến giữa mùa lũ khi các hồ đã đầy mà mưa nhiều cực đoan thì các hồ sẽ xả khẩn cấp vì an toàn đập tạo ra tình huống "lũ chồng lũ" cho vùng hạ lưu, trong đó có ĐBSCL.

Lâu nay, ĐBSCL bị nhiều lần El Nino nên có ấn tượng mạnh về hạn hán, chứ chưa có chuẩn bị tinh thần cho tình huống La Nina cực đoan và tình huống xả nước của các đập thủy điện gây lũ chồng lũ. Đối với tình huống này, để thích ứng thì ĐBSCL cần nhiều không gian cho nước lan tỏa để giảm thiệt hại. Khi có dòng lũ mạnh chảy về từ thượng nguồn mà ở ĐBSCL càng nhiều đê bao khép kín thì sẽ càng thiệt hại nhiều hơn vì nước không đủ không gian lan tỏa, theo nguyên tắc "tức nước vỡ bờ". Nếu tình huống La Nina cực mạnh xảy ra trong các tháng tới thì các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL cần giảm diện tích lúa vụ ba để tránh thiệt hại và mở các đê bao khép kín ra để đón nhận phù sa và tạo không gian cho nước lan tỏa, giảm thiệt hại chung cho toàn đồng bằng.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để dự đoán cường độ La Nina, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ diễn biến trong các tháng sắp tới.

Có thể bạn quan tâm