TN - Đất & Người

Lá xà bang: Liệu có chống được "giặc nhựa"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông tin một số chợ, siêu thị tại nước ta quay lại dùng lá chuối gói hàng cho khách thay vì bao bì nhựa khiến người ở khu vực Tây Nguyên sực nhớ đến lá cây xà bang. Một thời, lá xà bang cùng với lá chuối là vật dụng được dùng để bao gói hàng hóa rất thông dụng trước khi “đứt bóng” bởi bao bì nhựa tràn ngập thị trường.
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền về cuộc vận động mang tầm quốc tế về việc hạn chế sử dụng đồ nhựa-thứ rác thải khó phân hủy đang làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cũng đã có nhiều sáng kiến, sáng chế chuyển đổi việc sử dụng đồ nhựa sang các loại vật dụng khác dễ tiêu hủy. Trong đó, thứ cần thay thế nhất là túi ni lông đựng các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm ở các chợ, siêu thị. Chợt nghĩ, biết đâu lá xà bang cũng là một giải pháp?
 Người dân hái lá xà bang về sử dụng. Ảnh: T.V.S
Người dân hái lá xà bang về sử dụng. Ảnh: T.V.S
Có người bảo xà bang chính là cây gỗ dầu. Trước khi bị “triệt hạ tận gốc” như hiện nay, người ta rất dễ bắt gặp xà bang đứng thành lùm, thành bụi ven đường đi, ven rìa làng, ven ruộng rẫy… Bà con buổi sáng dỡ cơm đi làm chỉ cần ra ven đường, ven làng tiện tay bứt vài lá xà bang về lau rửa sơ qua, rồi hong hơ qua lửa bếp một tí cho lá mềm một chút là có ngay vật dụng hữu hiệu để gói ghém những thức ăn cần mang theo lên nương rẫy. Ấy là chưa nói, suốt một buổi, thức ăn được ủ trong gói lá, trong gùi kín, khi mở ra, thoang thoảng trong hương vị thức ăn còn ngấm chút dư vị thơm thơm hăng hắc của lá rừng.
Khi thấy lùm cây xà bang đã cao quá tầm tay với, những người chuyên thu hái lá xà bang sẽ dùng dao rựa chặt bớt đi để cây nứt ra cành nhánh khác ở tầm thấp cho dễ thu hoạch. Hễ còn gốc thì xà bang còn đâm chồi nảy nhánh mới để ra lá “phục vụ” con người. Lá xà bang to bản, to hơn cả bàn tay người lớn xòe ra, dày, dai, gân lá chạy đều khắp mặt nên khó bị rách tước như lá chuối, gói hàng rất tiện lợi. Thế nên các tiểu thương cho biết họ thích dùng lá xà bang gói hàng cho khách hơn là dùng lá chuối.
Những người từng sinh sống lâu năm hoặc có mặt ở các đô thị khu vực Tây Nguyên trước đây chừng vài ba mươi năm trở về trước hẳn còn nhớ hình ảnh mỗi buổi sớm mai, từng tốp, từng nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số ở các làng xã vùng ven lũ lượt gùi những gùi lá xà bang lặc lè sau lưng về các khu chợ nội thị để bán cho tiểu thương. Các tiểu thương dùng lá xà bang gói thức ăn, thực phẩm cho khách; khách bỏ gói hàng vào giỏ, vào rổ mang về. Nếu có “lỡ tay” quăng ném lá gói hàng ra đâu đó thì nó cũng sẽ khô đi và tiêu hủy nhanh trong đất, biến thành mùn, thành phân cho đất. Lá xà bang đích thị là rác hữu cơ thân thiện với môi trường!
Là thứ lâm sản phụ được phép khai thác tận thu, một thời lá xà bang là nguồn lợi sinh sống của bà con các buôn làng. Mà nói chi bà con ở buôn làng, những lớp cư dân xứ khác đến sinh cơ lập nghiệp nơi đây gặp hoàn cảnh khó khăn cũng hàng ngày đổ xô ra rừng hái lá xà bang đem ra chợ bán, tạm vượt qua thiếu khó ban đầu để dần ổn định.
Ngày nay, trong những khuôn vườn tược, ruộng rẫy rất hiếm thấy bóng dáng loài cây thân thuộc này. Dọc đường và dọc rừng Tây Nguyên thảng hoặc mới bắt gặp đây đó những lùm xà bang lá to dày mướt mát đứng lặng thầm trong… quên lãng. Trong cuộc tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng và thay thế vật dụng nhựa bằng các loại vật dụng thân thiện môi trường, có thể nói lá xà bang sẽ là một giải pháp thiết thực và hữu hiệu. Ước gì nó sẽ được trở lại là thứ lâm thổ sản “đặc hữu” của núi rừng Tây Nguyên để giúp con người đỡ bớt một phần khổ sở, loay hoay trong chiến dịch chống lại “giặc nhựa”! 
TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm