(GLO)- Dù không rầm rộ vào sàn như những năm trước, nhưng hàng ngày vẫn có người tham gia thị trường chứng khoán đến các điểm hỗ trợ chứng khoán (hay còn gọi là điểm giao dịch chứng khoán) để lướt sóng. Lượng khách hàng ít đi, điểm giao dịch tại Gia Lai hiện còn lại 3, nhưng cũng chỉ có 1 điểm duy trì hoạt động hiệu quả...
Thông thường, tháng 3 tháng 4 hàng năm là thời điểm đại hội cổ đông, công bố kết quả lợi nhuận sản xuất kinh doanh, do đó sẽ có đợt sóng tham gia thị trường chứng khoán. Trái với dự báo, những ngày sau Tết, số lượng nhà đầu tư (NĐT) khá vắng vẻ. Điểm giao dịch chứng khoán của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đặt tại BIDV Gia Lai được xem là đông nhất, mở cửa buổi sáng chỉ thấy xuất hiện lác đác vài ba người, còn buổi chiều hầu như không có ai.
Bảng điện, máy tính trang bị sẵn nhưng vẫn vắng nhà đầu tư. Ảnh: T.N |
Giao dịch ở đây là nhập lệnh mua bán, ký quỹ, tư vấn niêm yết, lưu ký, phát hành trái phiếu, tăng vốn điều lệ... Chị Trà Thị Mộng Hiền-giao dịch viên, phụ trách mảng chứng khoán cho biết: Tổng số tài khoản lũy kế khoảng 2.700 tài khoản, bình quân khoảng 700 tài khoản giao dịch/năm. Hiện có nhiều hình thức giao dịch như qua internet, điện thoại và qua điểm hỗ trợ, nhưng đa phần NĐT đặt lệnh trực tiếp qua internet, vì thế điểm hỗ trợ vắng người. Tuy nhiên lượng giao dịch vẫn ổn định, doanh số năm sau tăng hơn năm trước.
Tham gia thị trường chứng khoán, đa phần NĐT thường chơi có hội, ngồi trước bảng điện tử để theo dõi thông tin, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Tại điểm giao dịch chứng khoán của BSC tại Gia Lai, tài khoản giao dịch lớn nhất khoảng 300-400 tỷ đồng/năm thuộc doanh nghiệp, cá nhân có tài khoản đến 40 tỷ đồng/năm. |
Năm 2009, 2010 lượng giao dịch tại các điểm hỗ trợ chứng khoán trên địa bàn rất lớn, nhưng đến năm 2011-2012, một số điểm đóng cửa ngừng hoạt động do không có NĐT. Hiện chỉ còn BSC là có lượng giao dịch lớn nhất trong 3 điểm hỗ trợ chứng khoán. Dự báo thị trường chứng khoán năm nay sẽ hồi phục, dòng vốn vào chứng khoán khả năng tăng, nhất là ở khoảng thời gian từ tháng 3, tháng 4. Thường đầu năm, bộ phận phân tích của công ty chứng khoán có gửi cho NĐT bảng phân tích ngành nên đầu tư trong năm để NĐT lựa chọn đầu tư sao cho có lợi nhất.
Với NĐT ngắn hạn, họ mua khi giá xuống và bán ngay khi giá lên để kiếm lời. Tham gia thị trường nhiều năm, cô Hiền (nhà ở gần chợ Thống Nhất, đường Phạm Văn Đồng-TP. Pleiku) là người lao động đã nghỉ hưu, cô thường cùng với các đồng nghiệp cũ lên điểm giao dịch theo dõi và lướt sóng, vừa vui bầu bạn, vừa có thêm nhiều thông tin hữu ích. Danh mục đầu tư của cô cũng tăng lên từ đó. Cô cho biết, khi tham gia bên BSC, NĐT được hưởng nhiều ưu đãi như được tham gia chương trình rút thăm trúng thưởng NĐT may mắn; mua trước thanh toán tiền sau. Có nghĩa là được mua nợ, 3 ngày sau tính chênh lệnh lời-lãi mới trả. Chính sách này giúp NĐT có thêm cơ hội tham gia thị trường chứng khoán mà không phải chịu lãi suất.
Theo anh Thành Trung-một NĐT có kinh nghiệm, tốt nhất một năm nên tham gia 2 lần, vào thời điểm tháng 3, 4 và tháng 10, 12. Giá cổ phiếu như hình sin, lúc lên lúc xuống, 2 thời điểm này dễ có lời. “Các NĐT dài hạn có xu hướng tập trung đầu tư vào ngành điện, giống như kiểu gửi tiết kiệm. Hàng năm, các công ty này chia cổ tức cao. Vừa rồi Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn chia cổ tức đến 15%/năm, cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng”-anh Trung dẫn chứng.
Đại diện một điểm giao dịch lý giải, NĐT chỉ đến để giải quyết phát sinh liên quan đến giấy tờ hoặc tài khoản giao dịch, do bận rộn công việc nên đặt lệnh trực tuyến giúp NĐT linh động hơn. Còn với nhiều NĐT thực ra không mấy mặn mà, phần lớn theo dõi lướt sóng do trước đó thua lỗ hoặc chuyển qua đầu tư dài hạn, chuyển hướng đầu tư khác ngoài chứng khoán. Vì vây, các điểm giao dịch vắng khách là điểu dễ hiểu.
Vũ Thảo