Kinh tế

Tài chính

Lãi suất cho vay qua đêm đang thấp nhất lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Làn sóng hạ lãi suất huy động và cho vay thời gian qua giúp mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện ở mức trung bình so với các nước trong khu vực.

Từ đầu tháng 11 đến nay, các ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Nhiều ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng về dưới 6%/năm; trong khi các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở một số ngân hàng về quanh 3%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Như tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng chỉ còn 5,7%/năm, kỳ hạn 36 tháng là 5,4%/năm so với biểu lãi suất hồi tháng 10. Tại Techcombank, khách hàng thường gửi tiết kiệm 3 tỉ đồng kỳ hạn dưới 6 tháng lãi suất chỉ từ 2,65-2,95%/năm; còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất từ 4,7-4,9%/năm…

 

 Lãi suất huy động kỳ hạn ngắn tại một vài ngân hàng về dưới 3%/năm. Ảnh: NLĐ
Lãi suất huy động kỳ hạn ngắn tại một vài ngân hàng về dưới 3%/năm. Ảnh: NLĐ


Đáng lưu ý, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục. Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, gần 70% doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là cho vay qua đêm. Và hiện lãi suất cho vay qua đêm nhiều tuần qua chỉ xoay quanh 0,1%/năm, thấp nhất trong lịch sử.

Trong báo cáo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khoá XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khoá XIII thuộc lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết: "So với các nước trong khu vực, mức giảm lãi suất điều hành của Việt Nam hiện là một trong các mức giảm mạnh nhất. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5 điểm % so với năm 2016".

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng.

Cụ thể, tính đến tháng 7-2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%; Việt Nam 7,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4.

Nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%), và Ấn Độ (9,05%)…, lãi suất của Việt Nam chỉ ở mức trung bình.

Nếu tính từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 2-2,5 điểm % các mức lãi suất điều hành, giảm 0,8-1,5 điểm % trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 2,5 điểm % trần lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.

Theo THÁI PHƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm