Kinh tế

Tài chính

Lãi suất huy động duy trì mức cao tại nhiều ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mức lãi suất huy động VND tại một số ngân hàng hiện cao hơn mặt bằng lãi suất phổ biến tại nhiều ngân hàng từ 1,3% đến 1,7%/năm.

Tại một số ngân hàng, lãi suất huy động cao hơn tới 1,7% so với nhiều ngân hàng khác. Ảnh: LDO
Tại một số ngân hàng, lãi suất huy động cao hơn tới 1,7% so với nhiều ngân hàng khác. Ảnh: LDO


Trong các ngày đầu tháng 8.2020, biểu lãi suất huy động tiền đồng (VND) đang được các ngân hàng thương mại áp dụng cho thấy mức chênh lệch rất lớn giữa tháng các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Cụ thể theo thống kê của PV Báo Lao Động, lãi suất huy động cao nhất ở các kỳ hạn dưới 12 tháng tại 16 ngân hàng hiện dao động phổ biến trong khoảng 4,6 - 7,2%/năm.

Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên đến 36 tháng lại đang dao động phổ biến trong khoảng 6,0 - 7,7%/năm.

Đáng chú ý tại 7 ngân hàng thương mại như Bắc Á, Bảo Việt, Đông Á, Nam Á, NCB, Oceanbank và SCB, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đều đang được áp dụng ở mức lãi suất trên 7%/năm và phổ biến trong khoảng 7,1 - 7,7%/năm.

Nếu so với lãi suất huy động các kỳ hạn tương tự ở phần lớn các ngân hàng thương mại còn lại trên thị trường, lãi suất huy động tại 7 ngân hàng thương mại nói trên có mức chênh trên dưới 1%.

Thậm chí lãi suất huy động tại một số ngân hàng như Quốc dân (NCB) và Sài Gòn (SCB) hiện cao hơn khoảng 1,3 - 1,7% so với mặt bằng lãi suất huy động phổ biến 6%/năm tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Thực tế với biểu lãi suất trên 7%/năm áp dụng cho hàng loạt kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, NCB, SCB và 5 ngân hàng nói trên hiện đang giữ vị trí các ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trên thị trường vào thời điểm đầu tháng 8.2020.

Việc nhiều ngân hàng tiếp tục neo giữ lãi suất huy động các kỳ hạn dài ở mức cao so với các kỳ hạn ngắn hơn có thể cho thấy nhu cầu rất lớn đối với nguồn vốn trung dài hạn của các ngân hàng nhằm đáp ứng các quy định về tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.

Thực tế tại một số ngân hàng, hoạt động huy động vốn cũng gặp không ít khó khăn trong các tháng đầu năm nay. Như tại ngân hàng SCB, lượng tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng đến hết quý I/2020 thậm chí còn giảm tới hơn 4.550 tỉ đồng so với con số đầu năm.

Trong khi đó theo báo cáo tài chính quý II/2020 vừa được ngân hàng NCB công bố cách đây ít ngày, tổng lượng tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng cũng chỉ tăng thêm gần 3.000 tỉ đồng trong suốt 6 tháng đầu năm nay, so với thời điểm đầu năm.

Theo Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định về các giới hạn và tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động mà các ngân hàng phải thường xuyên duy trì, từ tháng 10.2020, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tại các ngân hàng sẽ được điều chỉnh giảm từ mức 40% hiện nay xuống chỉ còn 37%. 

Theo đó, việc các ngân hàng duy trì mức lãi suất cao với các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên được cho là động thái cần thiết nhằm tăng cường lượng tiền gửi dài hạn vào ngân hàng, qua đó đảm bảo đủ vốn trung - dài hạn đáp ứng nhu cầu của thị trường.

https://laodong.vn/kinh-te/lai-suat-huy-dong-duy-tri-muc-cao-tai-nhieu-ngan-hang-825043.ldo

Theo Văn Nguyễn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm