Kinh tế

Tài chính

Lãi suất vay còn nhiều dư địa để hạ nhiệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi lãi suất tiết kiệm tiếp tục đà giảm các tháng gần đây, lãi suất cho vay được kỳ vọng giảm thêm trong những tháng cuối năm để kích cầu tín dụng.
Lãi suất có khả năng tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm. Ảnh: Nguồn VCB

Lãi suất có khả năng tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm. Ảnh: Nguồn VCB

Cùng chung tình hình tín dụng cả nước, tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 tại TPHCM cũng chỉ tăng 3,5% so với cuối năm 2022, khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, mức tăng trưởng này phù hợp với tình hình tăng trưởng kinh tế của TPHCM và những khó khăn từ sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, khó khăn từ thị trường xuất khẩu, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và thị trường bất động sản có tác động trực tiếp tới tăng trưởng tín dụng.

Do mức tăng trưởng tín dụng thấp và đang thừa vốn nên các ngân hàng thương mại đã đồng loạt đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi cho cả vay kinh doanh lẫn tiêu dùng để kích cầu tín dụng. Theo số liệu từ NHNN, lãi suất cho vay phát sinh mới bình quân tiếp tục giảm còn 8,6%/năm, giảm 1,3%/năm so với cuối năm ngoái. Nhiều ngân hàng đang tung ra các gói vay lãi suất ưu đãi như SHB dành 6.000 tỉ đồng ưu đãi khách hàng doanh nghiệp nhằm bổ sung vốn lưu động ngắn hạn với lãi suất từ 8,97%/năm và 1.000 tỉ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vay mua ô tô với lãi suất từ 9-10,8%/năm; MSB đẩy mạnh các gói tín dụng cho vay kinh doanh với mức 10,5%/năm và cho vay mua bất động sản còn 10,99%/năm; BIDV cho vay mua nhà ở thương mại quy mô 20.000 tỉ đồng, lãi suất từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà; Agribank cũng vừa giảm lãi suất vay mới cho sản xuất kinh doanh với lãi suất ngắn hạn 5%/năm và trung dài hạn từ 8%/năm.

Mới đây, NHNN đã có sự điều chỉnh quan trọng: tăng trưởng tín dụng (room) năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Theo đó, ước tính từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng hơn 1,1 triệu tỉ đồng ra nền kinh tế, tức gấp đôi mức tín dụng trong 6 tháng đầu năm. Các chuyên gia dự báo khả năng NHNN sẽ giảm thêm 0,5% lãi suất điều hành trong nửa cuối năm. Đây sẽ là điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhằm kích cầu tín dụng khi dư nợ toàn ngành mới tăng 4,7% so với mục tiêu đưa ra cả năm là 14%.

VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm trong năm nay do: thứ nhất, tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN; thứ hai, tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong 6 tháng 2023 giúp giảm bớt áp lực huy động vốn; thứ ba, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công và các chính sách tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. VNDirect cho rằng, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong những tháng tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ: tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng 2023 và NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư tài chính DGCapital cho rằng, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay nửa cuối năm sẽ giảm nhanh hơn 2 quý đầu năm. Tất nhiên, trước mắt, chưa thể kỳ vọng lãi vay giảm mạnh, bởi các ngân hàng chưa tiêu thụ hết vốn huy động giá cao từ quý III/2023. Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất chỉ có tác động kích cầu ở một mức độ nào đó chứ chưa đủ để doanh nghiệp vay vốn mở rộng kinh doanh, do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu sụt giảm nên nhu cầu vay vốn không nhiều; cần tiếp tục tập trung khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là hướng đi chú trọng.

Có thể bạn quan tâm