Xã hội

Làm bạn cùng con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 20 năm đứng trên bục giảng, lắng nghe biết bao câu chuyện vui buồn của học trò, có cả những chuyện rất đau lòng chỉ vì người lớn không lắng nghe, không thấu hiểu con trẻ, tôi nghĩ rằng “làm bạn cùng con” phải trở thành tiêu chuẩn, nguyên tắc ứng xử trong mỗi gia đình.

Trong giờ cơm tối, đột nhiên cô con gái đang học lớp 5 tâm sự: “Mẹ ơi, năm ngoái con có thực hiện một bài tập là hãy viết tên một người mà con muốn chia sẻ nhất khi gặp nỗi buồn và người đó sẵn sàng chia sẻ với con trên mỗi ngón tay. Con đã viết những cái tên ngẫu nhiên “Hồng, Hoa, Lan, Huệ” nhưng đó đều không phải là người bạn thân nào của con. Bởi vì, con không biết có nên chia sẻ cùng bạn những điều sâu kín hay không”. Câu chuyện xảy ra đã lâu, giờ đây con mới kể làm tôi băn khoăn: Phải chăng có lúc con cũng không dám trò chuyện cùng cha mẹ những điều thầm kín?

Quả thực thế giới nội tâm của các con cũng có vô vàn những hỷ, nộ, ái, ố mà nếu ta không cố công tìm hiểu thì sẽ không thể nào biết được. Chính vì vậy, có lúc, trẻ thơ sẽ khép lòng mình lại, tự gặm nhấm nỗi niềm riêng. Năm học lớp 4, có lần con gái tôi kể: Bạn T.A. cùng lớp con nói rằng, bạn chỉ muốn trở thành con trai, vì con trai thì được thoải mái chạy nhảy chơi đùa, làm gì cũng tự do; còn con gái thật là khổ, vì mẹ luôn yêu cầu phải nhẹ nhàng, dịu dàng”. Đôi lúc, chỉ vì những góc nhìn khác nhau của cha mẹ, nếu không giải thích cặn kẽ cho con hiểu, sẽ trở thành một gánh nặng, thậm chí áp lực cho con mà cha mẹ vô tình không biết. Có lần em Nguyễn Trọng Hiếu (lớp 10A7, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Ia Grai) tâm sự với tôi: “Nhiều khi học hành căng thẳng, em có chơi game một chút để giải tỏa thì mẹ nói nặng lời, cho rằng em nghiện game. Em cố gắng giải thích thế nào mẹ cũng không tin. Thành ra đôi khi giải trí một chút song em luôn có cảm giác tội lỗi. Điều đó làm em rất khó chịu”. Hay em Phạm Văn Xa (cùng trường) thì lại kể một câu chuyện khác: “Bác hàng xóm thường sang nhà em kể về hai người con học hành giỏi giang, đi làm kiếm được nhiều tiền gửi biếu cha mẹ. Mỗi lần như thế, bố em lại lấy ra để so sánh rồi mắng mỏ tụi em một cách vô cớ khiến em bị căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng em không dám hé răng nói gì với bố vì sợ bố càng tức giận thêm. Tại sao người lớn lại vô lý như vậy?”.

Đã có nhiều cha mẹ kể với tôi rằng, con cái của họ lúc còn bé thì rất hay trò chuyện, khi lớn lên không hiểu sao các con tự thu mình, đi học về là vào phòng riêng, đóng kín cửa, một mình với thế giới riêng, cha mẹ có hỏi thì chỉ ậm ừ cho qua chuyện chứ không chịu tâm sự gì. Theo những chia sẻ riêng tư mà tôi nhận được từ bạn bè thì tình trạng này rất phổ biến, nhất là trẻ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì càng có khuynh hướng muốn ở một mình. Nếu không có sự thấu hiểu, chia sẻ từ người thân, bạn bè thì trẻ sẽ giải quyết những vấn đề của mình theo cách riêng. Mà các con thì còn nhỏ, chưa đủ chín chắn, chưa đủ hiểu biết nên có nhiều nguy cơ xảy ra những chuyện ngoài mong muốn, thậm chí những hậu quả đau lòng.

Làm bạn cùng con, đặt mình vào vị trí của con trẻ để chia sẻ và cảm thông. Chúng ta hãy học làm cha mẹ một cách nghiêm túc, đừng phán xét và đừng đòi hỏi con những điều phi lý. Đã có lần tôi tranh luận với bố của các con tôi: Chúng ta đã sống đến hơn nửa đời người còn chưa biết cách làm cha mẹ thế nào cho đúng. Vẫn có lúc cư xử sai với con. Tại sao lại đòi hỏi một đứa trẻ phải làm con như thế này hay như thế nọ. Điều đó là bất công đối với trẻ. Các con cũng có quyền được sai lầm, được vấp ngã, được bị điểm kém… bởi nếu không có những trải nhiệm đau buồn của thất bại làm sao có được hạnh phúc ngọt ngào của thành công, làm sao có động lực để vươn lên, để phấn đấu làm tốt hơn nữa. Vấn đề ở chỗ, người lớn nên phân tích cho các con biết nguyên nhân của những lỗi lầm, cho trẻ hiểu được cốt lõi vấn đề, nhận thức được cái sai của mình và cố gắng để khắc phục.

Bởi vậy, người lớn chỉ thật sự “lớn” khi hiểu rằng trẻ chính là “trẻ”. Hãy đối xử với trẻ như đối xử với một cái cây non. Chăm nom, tưới tắm để cái cây có thể tự mình vươn lên đón ánh nắng mặt trời rồi đơm hoa kết trái, khẳng định những giá trị của bản thân trước cuộc đời.

Đồng hành cùng con, trò chuyện với con mỗi ngày, dành cho trẻ một vị trí xứng đáng trong mỗi cuộc trò chuyện, chứ không phải chỉ là những dạy dỗ hay áp đặt của người lớn. Trong gia đình cần xây dựng mối quan hệ bình đẳng giữa cha mẹ với con cái, xây dựng văn hóa tranh luận chứ không tranh cãi, cho trẻ được bộc lộ quan điểm của mình. Như vậy, không chỉ gắn kết thương yêu mà còn rèn luyện cho trẻ tư duy phản biện, suy nghĩ độc lập. Dành cho con những lời âu yếm yêu thương, những cái ôm ấm áp cuối ngày, trước giờ đi ngủ, như khi con còn là đứa bé trong nôi, cả đến khi con khôn lớn trưởng thành. Và những điều thu lại được, tôi tin là vô kể.

 

 HOÀNG NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm