TN - Đất & Người

Lâm Đồng: "Bí mật" khu bảo tồn trên 40 loài trà hoa vàng quý hiếm ở Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Khó ai có thể tin được, một phụ nữ Thủ đô chưa từng chân lấm tay bùn lại quyết định từ bỏ công việc “thời thượng” đang “hái ra tiền” và cuộc sống nhàn hạ để vào miền đất Tây Nguyên theo đuổi đam mê sưu tầm và bảo tồn các giống trà hoa vàng quý hiếm.

Bỏ việc lên núi tìm trà hoa vàng

Sau hơn 8 năm băng rừng vượt suối, từ miền rẻo cao Tây Bắc nắng sạm mặt người tới vùng núi rừng Tây Nguyên mưa nguồn, suối lũ, chưa thỏa mãn, người phụ nữ ấy còn lặn lội sang tận Trung Quốc để sưu tầm, tìm thêm giống trà hoa vàng giữa nơi được mệnh danh là vương quốc của loài cây dược liệu quý hiếm này.

Sau những tháng năm bầm dập, lay lắt khắp nơi, đến nay chị đã lập thành khu bảo tồn trà hoa vàng với 44 loài khác nhau.

Người phụ nữ dám đánh đổi sự nghiệp đang “hái ra tiền” để theo đuổi đam mê, bất chấp khả năng có thể trở về trắng tay cùng một đống nợ để tìm hướng đi mới cho trà hoa vàng Việt Nam là chị Lê An Na (39 tuổi), quê Hà Nội, hiện ngụ tại đường Đống Đa, TP Đà Lạt.


 

Thu hoạch trà hoa vàng tại gia đình chị Lê An Na.
Thu hoạch trà hoa vàng tại gia đình chị Lê An Na.


Duyên đến với trà hoa vàng của chị Lê An Na khởi nguồn từ lần đi Trung Quốc cùng một phái đoàn Việt Nam. Đoàn đã được một chuyên gia về trà của Trung Quốc giới thiệu về loài trà hoa vàng quý hiếm với công dụng được giới thiệu là tuyệt vời cho sức khỏe, chỉ có giới thượng lưu ở nước này mới đủ khả năng về tài chính để mua dùng.

Qua tìm hiểu, một nguồn tin thân cận cho chị An Na biết, phần lớn nguyên liệu trà hoa vàng ở các doanh nghiệp chế biến trà tại Trung Quốc là nhập nguyên liệu thô từ Việt Nam. Hoa trà hoa vàng sau khi chế biến được bán tại thị trường Trung Quốc với giá lên tới gần 80 triệu đồng/kg. Lá của loại trà này dù rẻ hơn nhưng cũng lên tới hàng chục triệu đồng 1kg.

 


Sống giữa đất nước đang lưu giữ nhiều giống trà dược liệu quý hiếm nhưng người dân Việt Nam lại chỉ xuất bán cây và nguyên liệu thô cho các thương lái để xuất sang Trung Quốc, chị Lê An Na chợt lóe lên ý định sưu tầm, trồng và lập vùng bảo tồn các loại trà hoa vàng ở trong nước.

Trên cơ sở đó, chị sẽ tự tay chế biến thành sản phẩm trà hoa vàng với kỳ vọng làm nên thương hiệu trà quý hiếm đặc trưng của Việt Nam. Rồi những lần tiếp xúc với các chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực trà hoa vàng cùng với việc tự mày mò, nghiên cứu, chị Lê An Na quyết tâm đi tìm câu trả lời vì sao loại trà này lại khiến giới nhà giàu ở Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để sở hữu 1kg trà hoa vàng làm nước uống hằng ngày.

Đam mê loại trà này, chị An Na quyết định từ bỏ công việc thời thượng, đang được cho là “hái ra tiền” tại Hà Nội để đến với những cây trà cho ra hoa màu vàng quý hiếm trong sự ngỡ ngàng khó tin của người thân, đồng nghiệp.

Không quản ngại “thân phận nữ nhi”, chị Lê An Na một mình tìm lên vùng rừng núi Yên Bái, nơi được cho là vẫn đang còn trà hoa vàng mọc trong rừng tự nhiên thuê người dân bản địa dẫn lên rừng tìm kiếm loại cây này. “Một thân một phận, lại là nữ, lên vùng rừng núi heo hút mình cứ sợ bị người xấu bắt cóc bán sang Trung Quốc!..”, chị An Na cười và nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên Yên Bái tìm trà hoa vàng.



 

Chị Lê An Na bên loại trà hoa vàng Thạch Châu Đà Lạt.
Chị Lê An Na bên loại trà hoa vàng Thạch Châu Đà Lạt.



Bây giờ, đứng giữa đồi trà hoa vàng với hàng chục loại mà gần 10 năm qua chị An Na đã cất công sức, dốc hết tiền bạc để tìm kiếm, sưu tầm, đem về vùng đất Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), lập “đại bản doanh” gieo trồng, chị An Na tự hào về thành quả của mình.

Chị kể lại, khi cùng người dân bản địa tìm thấy được một cây trà hoa vàng trong rừng tự nhiên ở Yên Bái sau nhiều ngày gian nan leo núi, vượt rừng, chị vui mừng như muốn rớt nước mắt. Có được cây quý, chị An Na thuê người đào, bọc gói cẩn thận để đưa về bản.

Đêm hôm đó, chị chỉ mong cho trời mau sáng để di thực loài cây quý về miền đất mới. Chị An Na đã vận chuyển cây trà hoa vàng này vào Đà Lạt gieo trồng đem theo kỳ vọng lớn là sẽ nhân giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô nhờ sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ nhân giống trong ống nghiệm.

Tại Đà Lạt, chị không ngại ngần đầu tư gần 2 tỷ đồng lắp đặt phòng thí nghiệm, nuôi cấy mô với sự cộng tác của một số kỹ sư đến từ Viện nghiên cứu sinh học Tây Nguyên. Nhưng mô hình này của chị An Na thất bại. Cây trà hoa vàng với đặc tính hoang dã, khả năng hiện nay chưa thể nhân giống bằng phương pháp này.

Song song với việc tìm ra cách nhân giống trà hoa vàng, chị Lê An Na còn khổ công tiếp tục tìm tới nhiều địa danh núi rừng hiểm trở trong Nam, ngoài Bắc để tìm kiếm, sưu tầm thêm các loại trà hoa vàng nhằm thực hiện mong muốn lập khu bảo tồn. Lần này, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, chị An Na đã sản xuất thành công giống trà quý tộc này bằng phương pháp râm cành.

Khu bảo tồn 44 loại trà hoa vàng quý hiếm

Từ ngày dấn vào đam mê sưu tầm trà hoa vàng, Lê An Na quên cả chăm sóc bản thân. Chị bỏ lại quần là áo lượt, nước hoa hàng hiệu để trở thành người nông dân chân lấm tay bùn đúng nghĩa.

Từ một “tiểu thư Hà thành” với công việc “sang chảnh” đang kiếm ra tiền giữa Thủ đô, chị Lê An Na dám từ bỏ tất cả, rời xa phố thị để vào vùng Tây Nguyên theo đuổi đam mê bảo tồn cây dược liệu trà hoa vàng.

Trên vùng đất mới, ban ngày chị trở thành người lao động chân tay, cũng đào đất, ươm giống trà, trồng cây cắt cỏ, đêm về lại mày mò tìm hiểu, nghiên cứu về các hoạt chất, công dụng chữa bệnh của trà hoa vàng để chuẩn bị cho quy trình chiết xuất, sản xuất thương mại loại trà quý hiếm này.

 


Chị An Na kỳ vọng sẽ đem đến cho thị trường trong và ngoài nước không đơn thuần là một loại nước uống giải khát hằng ngày, mà hơn thế nữa, đó là một loại trà dược liệu có công dụng kháng, điều trị có hiệu quả một số loại bệnh mà chính chị An Na và các nhà khoa học đã chứng minh bằng những phân tích cụ thể từ các hoạt chất có trong loại trà hoa vàng quý hiếm.
 

Đến nay, sau hơn 8 năm ròng rã vật lộn với mưa nguồn suối lũ, cái nắng, cái gió miền đất đỏ Tây Nguyên, chị Lê An Na cũng đã lập riêng cho mình một bộ sưu tập với 44 loại trà hoa vàng, bao gồm các giống bản địa ở các vùng rừng núi Việt Nam và Trung Quốc.

Vùng nguyên liệu trà hoa vàng của chị Lê An Na rộng tới hơn 10ha tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà và thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), với khoảng 50.000 cây từ 1 đến 7 năm tuổi.

Chị An Na cho biết, sở dĩ chị lựa chọn hai vùng này để lập nơi bảo tồn trà hoa vàng và sản xuất nguyên liệu vì những địa điểm này hội tụ đầy đủ các kiều kiện cần thiết về khí hậu và thổ nhưỡng. Cẩn thận hơn, trước khi xuống giống trà hoa vàng, chị Lê An Na còn lấy mẫu đất gửi tới các trung tâm để phân tích những chất có trong đất, trong đó đặc biệt chú ý tới kim loại nặng.

“Nếu trong đất nhiễm kim loại nặng sẽ không thể trồng được trà vì chắc chắn trà sẽ hút kim loại này vào cây, ảnh hướng tới chất lượng và sức khỏe con người khi sử dụng!..”. Theo chị An Na, kết quả phân tích các hoạt chất có trong trà hoa vàng cho thấy, thời gian thu hoạch trà cho chất lượng tốt nhất là từ năm thứ 6 trở đi.

Mùa trà cung cấp các hoạt chất có lợi cho sức khỏe, kháng trị một số loại bệnh cao nhất là vào mùa khô, khi lá và hoa trà hấp thụ đủ thời gian nắng trong ngày. Độ già của lá trà cũng là điều kiện quan trọng ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Mỗi cây trà trong năm chỉ nên thu hoạch hai đợt để đảm bảo cây phát triển tốt, lá và hoa hấp thụ được đầy đủ các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe người dùng.

Trong 44 loại trà hoa vàng mà chị An Na đã dày công sưu tầm, sở hữu, chị khá tâm đắc với trà hoa vàng Thạch Châu được chị tìm kiếm, sưu tầm ở vùng Trạm Hành, TP Đà Lạt. Trà hoa vàng Thạch Châu Đà Lạt từng được người Pháp phát hiện vào những năm đầu thế kỷ XX tại vùng rừng giáp ranh giữa huyện Đơn Dương và TP Đà Lạt ngày nay, được nhà thực vật học Phạm Hoàng Hộ ghi lại trong cuốn “Cây cỏ Việt Nam”.

Năm 2016, trà hoa vàng Thạch Châu đã được đăng ký trình tự mã vạch AND trên ngân hàng gen Quốc tế bởi TS Trần Hồ Quang, Viện Công nghệ sinh học – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đánh dấu loại trà này mới chỉ phát hiện duy nhất vùng Tây Nguyên, Việt Nam.

Chị An Na đã gửi nhiều mẫu trà hoa vàng Thạch Châu Đà Lạt trồng tại khu bảo tồn của mình tới một số cơ sở nghiên cứu khoa học để phân tích các hoạt chất. Kết quả xác định loại trà này có chứa các nhóm chất như flavonoid, tanin, polysaccharid, acid amin, chất béo, steroid, caroten...

 

Nhân giống trà hoa vàng tại khu bảo tồn của chị Lê An Na.
Nhân giống trà hoa vàng tại khu bảo tồn của chị Lê An Na.


Lá và hoa trà Thạch Châu Đà Lạt có tác dụng chống ôxy hóa, điều trị bệnh về tim mạch, bảo vệ gan, đề kháng bệnh ung thư và có tác dụng kháng virus HIV… nên được đánh giá là loại cây dược liệu rất có lợi cho sức khỏe người dùng. Khác với các loại trà thông thường, người uống trà hoa vàng Thạch Châu giúp ngủ sâu giấc, lợi tiểu.

“Đến bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao trà hoa vàng lại là thứ nước uống quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao được giới nhà giàu ở Trung Quốc ưa chuộng từ nhiều năm qua trong khi Việt Nam chúng ta phần lớn vẫn còn khá xa lạ, chủ yếu xuất bán nguyên liệu thô sang Trung Quốc!..”, chị An Na cho biết.


 


Nhà thực vật học Lương Văn Dũng, giảng viên Trường Đại học Đà Lạt cho biết, trà hoa vàng không đơn thuần là một loại nước uống thông thường. Từ kết quả phân tích những hoạt chất được các nhà khoa học phát hiện, chiết xuất từ hoa và lá loại trà này đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, có thể khẳng định đây thực chất là cây dược liệu quý hiếm, cần phải được nhân giống, bảo tồn, phát triển và có giá trị kinh tế cao.


https://danviet.vn/lam-dong-bi-mat-khu-bao-ton-tren-40-loai-tra-hoa-vang-quy-hiem-o-viet-nam-20211015195819627.htm



Theo NGÔ KHẮC LỊCH (cand/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm