TN - Đất & Người

Lâm Đồng: "Biến rác thành tiền", giúp hội viên có vốn làm ăn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo lãnh đạo Hội ND huyện Đạ Tẻh: Đạ Tẻh là 1 trong 2 địa phương có diện tích lúa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với hơn 3.700ha. Với diện tích đất nông nghiệp lớn vì vậy, qua mỗi vụ sản xuất lúa cũng đồng nghĩa với việc người nông dân nơi đây đã sử dụng và thải ra môi trường một lượng lớn bao bì, chai lọ thuốc BVTV.
Nhờ vận động hội viên, nông dân (ND) thực hiện tốt 2 mô hình "Hội ND thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng và rác thải trên đồng ruộng" và "Biến rác thành tiền", những năm qua, hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân của Hội ND huyện Ðạ Tẻh là điểm sáng về bảo vệ môi trường ở Lâm Đồng.
Nhân rộng mô hình thu gom rác
Báo cáo tham luận tại hội thảo tăng cường sự phối hợp giữa Hội ND các cấp với ngành tài nguyên và môi trường trong việc đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống do T.Ư Hội NDVN phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức tháng 12/2020 vừa qua, ông Trương Quang Lang – Chủ tịch Hội ND huyện Đạ Tẻh cho biết: Đạ Tẻh là 1 trong 2 địa phương có diện tích lúa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với hơn 3.700ha. Với diện tích đất nông nghiệp lớn, qua mỗi vụ sản xuất lúa cũng đồng nghĩa với việc người nông dân nơi đây đã sử dụng và thải ra môi trường một lượng lớn bao bì, chai lọ thuốc BVTV.

Hội viên nông dân xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh Lâm Đồng thu gom phế liệu đến điểm tập kết để gây quỹ. Ảnh: T.L
Hội viên nông dân xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh Lâm Đồng thu gom phế liệu đến điểm tập kết để gây quỹ. Ảnh: T.L
"Mỗi chi hội thành lập một mô hình, nhắc nhau cùng ý thức phân loại rác thải, thu gom vật liệu có thể tái chế. Với mỗi hộ, số tiền từ bán vỏ lon, vỏ chai có thể không lớn nhưng với hàng trăm hộ, số thu có thể coi như nguồn quỹ nhỏ, làm phong phú thêm cho hoạt động của Hội".
Ông Trương Quang Lang - Chủ tịch Hội ND huyện Đạ Tẻh

Trước tình hình đó, đầu năm 2015, Hội ND huyện Đạ Tẻh đã có chủ trương phối hợp với Hội ND các xã, thị trấn xây dựng mô hình thu gom rác thải thuốc BVTV tại các cánh đồng trên địa bàn. Theo đó, Hội ND các xã, thị trấn đã trang bị 105 bể thu gom rác thải nông nghiệp bằng bê tông, xây theo kiểu hình trụ có đường kính 1m và cao 1,2m đặt dọc các tuyến đường nội đồng.

Đồng thời, Hội ND các cấp cũng phân công cán bộ phụ trách các chi hội vận động hội viên, nông dân sau khi sử dụng thuốc BVTV, gom lại bỏ vào bể đúng nơi quy định. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân hiểu rõ tác hại của vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV khi xả ra môi trường. Thông qua mô hình này, 5 năm qua, Hội ND huyện đã thu gom được hơn 5,3 tấn chai lọ, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng.
Từ những thành công bước đầu mà mô hình thu gom rác thải nông nghiệp trên đồng ruộng mang lại, đầu năm 2016, Hội ND huyện tiếp tục phối hợp Phòng TNMT huyện tiếp tục đầu tư thêm 130 bể thu gom rác để nhân rộng mô hình này đến 100% xã, thị trấn của huyện.

Nông dân huyện Đạ Tẻh chăm sóc ruộng nếp quýt đặc sản. Ảnh: T.L
Nông dân huyện Đạ Tẻh chăm sóc ruộng nếp quýt đặc sản. Ảnh: T.L
Cùng với đó, Phòng TNMT huyện cũng được Sở TNMT hỗ trợ xe thu gom rác theo định kỳ 3 tháng/lần để đưa đi tiêu hủy theo quy định. Đầu năm 2020, các xã, thị trấn đã được Phòng TNMT huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng kho chứa chai lọ. Nhờ vậy, công tác tập kết rác thải từ bao bì thuốc BVTV được thuận tiện hơn.
Phong trào "biến rác thành tiền"
Theo lãnh đạo Hội ND huyện Đạ Tẻh, trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, sản xuất, năm 2018, Hội ND huyện đã chọn thôn Xuân Thành, xã Đạ Pal để xây dựng mô hình điểm "Biến rác thành tiền".
Mô hình nhằm thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi của các hộ gia đình. Ban đầu, mô hình này có 70 thành viên tham gia. Không chỉ có chi hội thôn Xuân Thành, hiện hai chi hội khác cùng xã là Chi hội Xuân Châu và Chi hội Tôn K'Long cũng đã thành lập mô hình này.
Bà Đinh Thị Nhiễu - Chủ tịch Hội ND xã Đạ Pal cho biết: Thực hiện mô hình điểm, Chi Hội nhắc nhở hội viên nhặt nhạnh chai lọ, những vật dụng có thể tái chế xếp gọn lại, tới ngày họp chi hội mang ra cân bán. Số tiền thu được chi hội tự quyết định sẽ sử dụng ra sao tùy vào nhu cầu, có thể là cho hội viên mượn không lãi, có thể dùng để khen thưởng con em hội viên học giỏi…
Từ hiệu quả nêu trên, năm 2019, mô hình "Biến rác thải thành tiền" của Hội ND xã Đạ Pal đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen và Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng công nhận là mô hình "Dân vận khéo" năm 2020.
Ông Vũ Viết Thưởng - hội viên nông dân ở Chi hội thôn Xuân Thành, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh vừa nhận được số tiền vay 4,3 triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng rất đặc biệt bởi nó có được từ việc thu gom rác thải tái chế của Chi Hội ND thôn Xuân Thành. Ông Thưởng cho biết, ông sẽ dùng số tiền vay để mua một ít con giống như gà, vịt về chăn nuôi, cải thiện thu nhập cho gia đình...
Từ thành công của Đạ Pal, phong trào lan sang các xã Quốc Oai, An Nhơn, Đạ Kho, những xã vùng lúa, vùng cây trồng khác của Đạ Tẻh với 8 mô hình và 567 cán bộ, hội viên tham gia. Số tiền thu gom từ bán chai lọ của các mô hình đến nay là hơn 11 triệu đồng. Với số tiền này, Hội ND các xã, thị trấn đã giúp cho 1 hội viên nông dân nghèo vay vốn làm ăn, mua sách vở, đồ dùng học tập cho 29 con em hội viên nông dân khó khăn. 
Theo Ngọc Mai (Dân Việt)
https://danviet.vn/lam-dong-bien-rac-thanh-tien-giup-hoi-vien-co-von-lam-an-2021010417594159.htm

Có thể bạn quan tâm