TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Dân Rô Men giàu lên trông thấy nhờ nuôi cá bạc tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ vài năm mạnh dạn thực hiện đầu tư, xây dựng mô hình nuôi cá tầm Siberi, nhiều nông dân tại các xã Rô Men, Ðạ Tông, Liêng S’rônh (huyện Ðam Rông, tỉnh Lâm Đồng) đã giàu lên trông thấy, trở thành tỷ phú. Sau mỗi vụ cá tầm đi qua lại có thêm nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên…
Mô hình nuôi cá tầm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới cho huyện Đam Rông.
Ðột phá
Về huyện Đam Rông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê trước đây vốn còn nhiều gian khó. Bên cạnh những vườn cà phê lâu năm già cỗi, hiệu quả không cao đã xuất hiện thêm màu xanh của dâu tằm, cây ăn trái do người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, ngày càng nhiều các trang trại cá tầm bạc tỷ, nhiều hồ nuôi cá nước lạnh công nghệ cao cứ nối tiếp nhau mọc lên.
Mô hình nuôi cá tầm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới cho huyện Đam Rông.
Mô hình nuôi cá tầm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới cho huyện Đam Rông.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết: Trước đây, Đam Rông là địa phương thuần nông nghiệp, người dân quanh năm chỉ biết chọn cây cà phê là chủ đạo trong việc phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, cũng do đặc thù huyện miền núi mà địa hình, thế đất canh tác nông nghiệp của bà con không thuận lợi. Năng suất cà phê chỉ khoảng 2 tấn nhân/ha nên hầu như thu nhập đem lại từ cà phê không thể đảm bảo cho cuộc sống người dân ở đây được ấm no. Cái nghèo cứ đeo bám mãi, chuyện vươn lên thoát nghèo và làm giàu chỉ là chuyện trong mơ của người nông dân nơi đây.
Trong khi đó, huyện Đam Rông có lợi thế về khí hậu và nguồn tài nguyên nước mát, nước lạnh (nhiệt độ dưới 18 độ C, độ cao từ 600 m trở lên) để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh như cá tầm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Và rồi, từ năm 2016 đến nay, tại xã Rô Men, dòng suối Nước Mát đã trở thành nguồn làm giàu cho nhiều gia đình. Những hộ dân sống gần suối đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình nuôi cá tầm Siberi theo hình thức áp dụng công nghệ cao.
Chúng tôi ghé thăm trang trại nuôi cá tầm quy mô lớn của anh Huỳnh Ngọc Thu (Thôn 2, xã Rô Men). Anh là người tiên phong đưa loại “cá không xương” lạ lẫm về huyện nghèo miền núi này, tính đến nay đã hơn 4 năm ròng.
Trên diện tích trên 1 ha, anh Thu đã xây dựng được 22 bể composite ương cá giống và 20 bể nhỏ, mỗi bể 16 m3 để nuôi cá nhỏ. Khi cá lớn anh san đàn ra 32 bể lớn, quy mô cao điểm lên đến 1.500-2.000 con cá thương phẩm, chủ yếu các giống cá tầm Siberi, cá tầm Nga và cá tầm lai.
Với giá cá tầm đang dao động mức 160-180 nghìn đồng/kg, năng suất 10-15 kg/m3, người nuôi có thể đạt lợi nhuận 25-30 triệu đồng/bể 16 m3.
Hiện tại, để chủ động nguồn giống, anh Thu đã trực tiếp nhập trứng  cá tầm đã thụ tinh từ Nga. Trứng cá tầm được ủ trong lồng, giữ nhiệt độ ổn định 15-16 độ C; đồng thời tạo nguồn nước đẩy vào lồng ấp, phun từ dưới lên gây áp lực liên tục suốt trong 75 ngày.
Theo anh Thu, điều kiện thuận lợi xây dựng mô hình nuôi cá hồi, cá tầm thương phẩm ở đây là nguồn nước tự nhiên, dồi dào và đảm bảo chất lượng. Có như vậy, nuôi giống cá tầm có thể đạt tỷ lệ sống trên 90%. Đồng thời, anh lắp hệ thống ống kéo về và xử lý qua các thiết bị để đảm bảo lọc sạch rồi mới đưa vào các bể nuôi.
“Đã qua rồi cái thời “thả con săn sắt bắt con cá rô”, bây giờ nông dân nuôi cá muốn bắt con cá lớn phải thả con cá giống tốt” - anh Huỳnh Ngọc Thu, người nuôi cá tầm quy mô nhất huyện Đam Rông khẳng định. Mô hình nuôi cá tầm này được anh Thu đúc kết kinh nghiệm từ những chuyến đi trong và ngoài nước, cho tỷ lệ nuôi cá thành công cũng như hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại thủy sản khác.
Ðưa cá nước lạnh trở thành sản phẩm đặc thù
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, ngành cá nước lạnh của tỉnh dự kiến phát triển lên 200 ha vào năm 2022. Trong đó gồm 120 ha trang trại có mái che theo hướng công nghiệp kỹ thuật cao và 80 ha là lồng bè ở các lưu vực hồ chứa, ao xây...
Ở diện tích này, sản lượng dự kiến vào khoảng 2.000 tấn/năm và tỉnh sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, việc tiêu thụ thuận lợi, mô hình nuôi cá tầm tại Đam Rông đã khai thác được thế mạnh của địa phương, giúp nông dân tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Chính vì vậy, thời gian gần đây, nhiều nông dân trong huyện đã tìm đến các mô hình nuôi cá tầm, học hỏi kinh nghiệm nuôi để tiến hành nhân rộng.
Từ vài mô hình ban đầu, đến nay toàn huyện có 5 doanh nghiệp và hơn 50 hộ dân đầu tư nuôi cá tầm với tổng diện tích trên 4 ha, chủ yếu tại các xã Đạ Tông, Liêng Srônh và xã Rô Men, sản lượng lên đến vài trăm tấn cá thương phẩm/năm.
Một tín hiệu vui là ngày càng có nhiều nông dân nuôi cá tầm đứng ra thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác, diện mạo các vùng nuôi cá cũng có sự thống nhất, tính kết nối thể hiện rõ rệt.
Nếu như trước đây, việc nuôi cá tầm của người dân diễn ra theo kiểu “mạnh ai nấy làm” không quan tâm tới tình trạng chung về môi trường nguồn nước cũng như quản lí dịch bệnh, ai có cách làm hay, nuôi cá giỏi thì giữ riêng cho mình, nhưng giờ thì mọi chuyện đã thay đổi. Dễ thấy nhất là tính cộng đồng đã được đặc biệt coi trọng. Các tổ hợp tác, liên kết có những quy chế bắt buộc từ việc kiểm soát chất lượng ao, hồ, vệ sinh, xử lí nguồn nước, quản lí dịch bệnh cho đến thời điểm thả nuôi lẫn thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Chính cho biết: Xác định nuôi cá tầm là mô hình kinh tế cho hiệu quả cao nên địa phương đang triển khai nhân rộng cho bà con, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hiện nay, các doanh nghiệp lẫn nông hộ đang áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất và nhiều trang trại kiểu mẫu đã hình thành. Các mô hình như cá tầm suối nước chảy VietGAP, GlobalGAP đạt năng suất, chất lượng cao.
Từ những kết quả đã đạt được, Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng cường mở các lớp tập huấn cho người dân, cũng như phổ biến, nhân rộng mô hình, đưa vào thực hiện tại các tổ hợp tác, liên kết. Mặt khác, phòng Nông nghiệp cũng sẽ tham mưu lên UBND huyện để kiến nghị quy hoạch, các tiêu chí, tiêu chuẩn khi thực hiện đầu tư thực hiện mô hình nuôi cá tầm này.
Theo THANH SA - HÀ THANH (Báo Lâm Đồng/Dân Việt)
http://danviet.vn/muon-cach-lam-giau/lam-dong-dan-ro-men-giau-len-trong-thay-nho-nuoi-ca-bac-ty-1066479.html

Có thể bạn quan tâm