Ông Nguyễn Công Trọng Sơn ngụ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thuê đất đầu tư gần 10 hồ nuôi cá tầm tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), nghi bị nhiễm độc khiến cá chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỉ đồng.
Ngày 12-5, làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Phú Ty - Phó Công an huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), xác nhận vụ việc xảy ra trên địa bàn huyện. Bước đầu công an ghi nhận vụ việc có thể do nhà vườn phía trên xúc bình xịt thuốc bị ảnh hưởng đến hộ nuôi cá tầm của của ông Sơn ở phía dưới nguồn.
"Vì dòng nước chảy liên tục khi người dân phản ánh thì vụ việc cũng đã xảy ra vài ngày nên không thể lấy được mẫu nước để đi giám định độ độc hại. Trên dòng suối này rất dài, nhiều người canh tác trong khi đó gia đình ông Sơn nằm ở cuối nguồn nên rất khó. Sau khi phản ánh, Công an huyện Lạc Dương đã cử người đến hiện trường lập biên bản vụ việc" - ông Ty nói.
Sau vụ việc xảy ra, gia đình ông Nguyễn Công Trọng Sơn đóng ao, không dám thả nuôi cá nữa. |
Ngoài ra, ông Ty cho biết thêm, qua làm việc với ông Sang (người có vườn phía trên) đã thừa nhận xúc bình bơm thuốc bị ảnh hưởng có thể không cố ý thực hiện đầu độc. "Mức độ ô nhiễm khi người dân xúc bình bơm là rất nhỏ, khi người dân báo vụ việc thì nước đã chảy trôi rồi, trong khi dòng cá tầm nước ngọt này rất nhạy cảm, dễ chết. Hướng xử lý vụ việc này rất khó vì không lấy được thuốc, và nước đi giám định, không đủ cơ sở nên rất khó" - ông Ty thông tin.
Ông Sơn cho rằng đường ống dẫn nước nhà ông Sang xả trực tiếp thuốc sâu ra suối khiến cá tầm bị chết |
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Công Trọng Sơn, ngụ tổ Thái An, phường 12, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), vào tháng 4-2018, ông thuê đất của ông Quý và bà Thu tại xã Đạ Sạ, huyện Lạc Dương để nuôi cá tầm. Đến tháng 10-2018 bị thuốc trừ sâu từ vườn ông Sang (con rể của bà Thu) ngay phía trên đổ xuống khiến 5 tấn cá tầm thương phẩm (hơn 1kg/con) và 2.000 con cá giống chết phơi bụng.
Nơi nguồn nước ô nhiễm chảy ra khiến cá tầm chết hàng loạt. |
"Vụ việc xảy ra, gia đình làm việc với ông Sang và cũng là lần đầu nên chúng tôi không truy cứu trách nhiệm. Đến tháng 12-2019, tôi lại tiếp tục mua 2.000 con cá tầm giống nuôi lại đến 30-4, thì bị ông Sang cho thuốc trừ sâu ra dòng suối khiến dòng nước ô nhiễm làm cá tầm trong hồ chết sạch. Vụ việc xảy ra tôi gọi điện ngay cho ông Sang và bà Thu đến xem cá nhà tôi chết thì ông Sang lại đổ thừa cho người làm công thực hiện rồi không nói gì bỏ đi về. Sau 2 lần hồ nuôi cá tầm của tôi bị đổ thuốc sâu thiệt hại hơn 1,5 tỉ đồng, hiện gia đình tôi không còn vốn liếng và tâm trạng để làm ăn gì nữa" - ông Sơn bức xúc.
Một số hình ảnh xót xa cá tầm chết hàng loạt của gia đình ông Nguyễn Công Trọng Sơn:
Ảnh do gia đình ông Nguyễn Công Trọng Sơn cung cấp. |
Theo Đình Thi (NLĐO)