TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Hủy hoại mốc giới, xây dựng không phép ven hồ Próh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau 4 tháng, những căn nhà ven hồ thủy lợi Próh ngày trước chỉ là các lán trại chứa nông cụ sản xuất, giờ đã nâng cấp thành những căn nhà lớn ven hồ, có lắp cả hệ thống điện gió trên nóc.
Nhiều khuôn viên có dáng dấp khu du lịch mọc đang hối hả được xây dựng ven hồ. Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN
Nhiều khuôn viên có dáng dấp khu du lịch mọc đang hối hả được xây dựng ven hồ. Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN
Ngày 30/5/2021, TTXVN đã đăng thông tin phản ánh tình trạng hồ thủy lợi Próh, một trong 5 hồ thủy lợi lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, bị xâm hại nghiêm trọng.
Trước những thông tin phản ứng của dư luận về sự việc này, nhóm phóng viên đã quay trở lại hồ Próh sau 4 tháng đưa những thông tin đầu tiên.
Hủy hoại mốc giới, xây dựng “quần thể du lịch” không phép ven hồ
Chỉ sau 4 tháng, khu vực quanh hồ Próh đã có những thay đổi đến ngỡ ngàng. Cả khu vực bờ hồ phía bên kia con đập trước đây rộng dài, thoáng đãng, nay là hàng rào B40 khá kiên cố, cao gần 3m bao phủ.
Một khu nhà kính trồng rau-hoa đã mọc lên tại đây tự lúc nào. Đáng chú ý, những căn nhà ven hồ ngày trước chỉ là các lán trại chứa nông cụ sản xuất, giờ đã nâng cấp thành những căn nhà lớn ven hồ, có lắp cả hệ thống điện gió trên nóc.
Vài căn nhà đang được xây dựng khuôn viên rộng hàng ngàn m2, với những tiểu cảnh, đường nội bộ, trồng hoa, cây cảnh bên trong, mang dáng dấp của một “quần thể du lịch”. Một chiếc máy kéo lầm lũi chở đá chẻ về xây dựng các bờ đá trong khuôn viên của khu nhà vườn có tên PRó Farm ven hồ.
Thăm lại xung quanh hồ, chúng tôi phát hiện cây cột mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hồ Próh (mà chúng tôi đề cập trong bài viết “Lâm Đồng: Dân đổ đất tràn lan lấn chiếm hồ thủy lợi Próh,” đã đăng tải ngày 30/5, còn lưu giữ cả ảnh chụp) bỗng dưng biến mất.
Ông Đỗ Phú Hòa, cán bộ Trạm Quản lý-Khai thác thủy lợi Đơn Dương là người trực tiếp quản lý Hồ thủy lợi Próh, bức xúc: Hủy hoại mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hồ là hành vi rất nghiêm trọng, bởi mốc này là tài sản của Nhà nước, đã được bàn giao cho chính quyền địa phương để xác lập ranh giới giữa khu vực quản lý hồ với diện tích quản lý của chính quyền địa phương. Nếu mất cột mốc này, các đối tượng xấu có thể thực hiện hành vi xâm lấn đất trong hành lang bảo vệ hồ.

Hành lang bảo vệ hồ bị lấn chiếm để trồng rau màu. Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN
Hành lang bảo vệ hồ bị lấn chiếm để trồng rau màu. Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN
Theo chỉ dẫn của ông Đỗ Phú Hòa, vị trí đào đất trái phép vào ngày 11/4/2021 (biên bản kiểm tra và đình chỉ do cán bộ xã Próh và Trạm Quản lý-Khai thác thủy lợi huyện Đơn Dương lập ngày 12/4/2021) hiện nay là vùng nước mênh mông, cách xa bờ hàng chục mét, ở cao trình 1026,6m, trong khi mực nước dâng bình thường ở cao trình 1028,3m.
Như vậy vị trí bị xâm hại (là nơi gầu múc đất dưới đáy hồ), ở độ sâu thấp hơn mặt nước hiện tại 2,1m. Ông Đỗ Phú Hòa khẳng định, vị trí bị đào đất là thuộc lòng hồ chứ không chỉ trong hành lang bảo vệ hồ...
Với những căn nhà được xây dựng xung quanh hồ Próh, ông Đỗ Phú Hòa cho biết: Trước đây, đó là những lều trại do người dân dựng lên để chứa nông cụ sản xuất. Sau đó vào khoảng năm 2019, ông Hòa chứng kiến một số người vào đây sửa chữa, nâng cấp các căn nhà này lên thành kiên cố như bây giờ.
Đã cấp bao nhiêu sổ đỏ? - Vẫn đang rà soát
Tại văn bản số 529/SNN-TL ngày 16/4/2021, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương “Không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nằm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước Próh. Đối với những trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong phạm vi bảo vệ đập, trước thời điểm cắm mốc chỉ giới, chỉ được sử dụng đất với mục đích trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, không được đào đất, san gạt.”
Về việc này, trả lời phỏng vấn của nhóm phóng viên ngày 24/9/2021, ông Nguyễn Đình Tịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương cho biết: Hiện tại (sau hơn 5 tháng nhận văn bản 529-PV), huyện đang cho Phòng Tài nguyên và Môi trường rà soát lại toàn bộ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xung quanh lòng hồ. Nếu có tình trạng cấp trùng vào diện tích lòng hồ, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ thu hồi theo quy định để trả lại vùng lòng hồ cho công tác trữ nước và cảnh quan môi trường.
Đối với các khu nhà vườn đang xây dựng như “quần thể du lịch” quanh lòng hồ, Ủy ban Nhân dân huyện chưa cấp giấy phép xây dựng nào. Chỉ có một số căn chòi dựng tạm để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Khi được hỏi về số hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vùng lòng hồ Próh, cả lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương và Ủy ban Nhân dân xã Próh đều nói rằng chưa có con số thống kê.

Nhiều căn nhà không phép mọc lên quanh hồ Próh. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN
Nhiều căn nhà không phép mọc lên quanh hồ Próh. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN
Về nội dung này, ông Đỗ Phú Hòa, cán bộ Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương cho biết: Tuy không có chức năng quản lý, nhưng ông thống kê sơ bộ, có 45 hộ dân ở trong vùng lòng hồ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng khoảng 40 ha đất, trong đó có cả diện tích cấp trùng lên hành lang bảo vệ hồ Próh.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Phạm Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng cho biết: Liên quan đến việc cấp sổ đỏ trong khu vực hồ P’Ró, đơn vị chỉ nắm được khi người dân xác nhận đã được cấp sổ. Nhưng muốn biết chính xác phải hỏi Ủy ban Nhân dân xã Próh hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đơn Dương.
Khai thác đá ồ ạt quanh hồ
Có mặt tại khu vực này sáng 24/9/2021, nhóm phóng viên chứng kiến cảnh tượng xây dựng tại các quần thể xung quanh hồ Próh. Một chiếc máy kéo cần mẫn chở đá đổ xuống khu nhà vườn có tên P’Ró Farm.
Theo chân chiếc máy này, nhóm phóng viên phát hiện, từ bờ hồ lên đỉnh núi có rất nhiều mặt bằng rộng hàng ngàn m2 được san ủi bằng phẳng. Người dân đang canh tác tại khu vực này nói các bãi đất trên được rao bán với giá nhiều tỷ đồng cho những người mua làm khu du lịch.
Kế bên hồ P’Ró có một bãi khai thác đá chẻ diện tích gần 1.000m2 với nhiều tảng đá lớn cùng các đống đá chẻ sẵn, có 3 người đang làm việc tại đây. Trong đó, một người tự xưng là Đoàn Văn Tấn cho biết: Chỗ đất khai thác đá là của gia đình và đã xin phép ông Cường (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đơn Dương) để san lấp mặt bằng. Sau đó, do thấy hòn đá to ở đây nên khai thác tận dụng chứ không dám bán.
Tuy nhiên, ngay tại bãi khai thác đá này, phóng viên được xem một cuốn sổ ghi chép việc mua bán đá, chở đá cho một số người dân xung quanh với số tiền từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng trong mỗi bản kê.
Trong buổi sáng nhóm phóng viên có mặt tại khu vực hồ P’Ró đã chứng kiến nhiều chuyến máy kéo chở đá từ vị trí khai thác của hộ ông Tấn đến khu nhà có tên P’Ró Farm đang được thi công (sát bên vị trí hồ P’Ró bị lấn chiếm, xâm hại, như đã phản ánh trong bài viết ngày 30/5).
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Công Hiếu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đơn Dương xác nhận, vị trí ông Tấn san lấp, cải tạo mặt bằng đã được Phòng cấp phép, tuy nhiên việc ông này tự ý khai thác đá chẻ là vi phạm quy định của pháp luật. Đơn vị đã cử cán bộ xuống hiện trường để làm việc với ông Tấn và yêu cầu dừng hoạt động khai thác đá trái phép.

Phóng viên và người quản lý hồ tìm dấu vết của cột mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hồ vừa bị kẻ xấu nhổ đi. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN
Phóng viên và người quản lý hồ tìm dấu vết của cột mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hồ vừa bị kẻ xấu nhổ đi. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN
Hồ thủy lợi Próh có dung tích 3,2 triệu m3 nằm trên địa bàn xã Próh (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) có nhiệm vụ tưới nước cho 600 ha rau màu của 2 xã trong khu vực. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đây là một trong 5 hồ có sức chứa lớn của tỉnh đang có nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng nhất, cần được gia cố khắc phục khẩn cấp trong mùa mưa lũ năm 2021.
Hiện nay, thân đập chắn nước đã bị nứt, xuất hiện các dòng thấm bất thường ở phần mái hạ lưu; mặt con đập bị vỡ nát. Trong khi đó, các phương tiện xe tải vẫn chạy qua dù đã bị cấm.
Do nằm tại vị trí có tiềm năng du lịch, từ năm 2019 đến nay, một số người từ nơi khác đến đây mua gom nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân địa phương để xây dựng giống như một “quần thể du lịch.”
Việc phát triển du lịch nội vùng sẽ tạo cơ hội giúp địa phương phát triển và cần được khuyến khích; tuy nhiên, việc xây dựng các khu du lịch cần có một quy hoạch tổng thể, được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Cũng không thể vì phát triển du lịch mà buông lỏng quản lý an toàn hồ đập, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lòng hồ, hư hỏng đập ngăn nước... gây nguy hiểm cho tính mạng hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ du của hồ thủy lợi này.
Quốc Hùng-Nguyễn Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm