TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Khẩn trương điều tra, xử lý vụ khai thác rừng trái pháp luật tại huyện Đam Rông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đam Rông và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ khai thác rừng trái pháp luật tại tiểu khu 216, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông.

Trước đó, vào cuối tháng 1/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông nhận được tin báo của quần chúng về việc khai thác rừng trái pháp luật tại tiểu khu 216. Khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng của huyện xác định, có 10 cây thông 3 lá (đường kính từ 28 - 50 cm) bị cưa hạ. Khối lượng lâm sản thiệt hại xác định trên 13 m3, thuộc đối tượng rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Dấu vết của các cây bị cưa hạ vẫn còn mới và vết cắt được thực hiện bằng cưa máy cầm tay.

Từ thông tin cung cấp của quần chúng, các cơ quan chức năng huyện Đam Rông và xã Phi Liêng, xã Đạ R’sal tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở, xưởng gỗ của ông Phạm Anh Tuấn (tại thôn Đắk Tro, xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk). Qua đó ghi nhận, xưởng gỗ này cất giữ 99 lóng gỗ thông 3 lá với tổng khối lượng trên 26 m3 gỗ tròn và một hộp gỗ xẻ có khối lượng trên 1 m3. Ông Phạm Anh Tuấn khai nhận mua toàn bộ số gỗ này của Lương Ngọc Anh Tuấn ở xã Phi Liêng và một người khác.

Số gỗ trái pháp luật được lực lượng Công an phát hiện trong xưởng gỗ của Phạm Anh Tuấn. Ảnh: cand.com.vn

Số gỗ trái pháp luật được lực lượng Công an phát hiện trong xưởng gỗ của Phạm Anh Tuấn. Ảnh: cand.com.vn

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đam Rông đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp với các đối tượng: Lương Ngọc Anh Tuấn, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Viết Hùng Sơn, Nguyễn Bảo Lâm và Vũ Văn Dũng để tiếp tục điều tra làm rõ.

Cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ toàn bộ số lâm sản nêu trên cùng một xe ô tải của Phạm Anh Tuấn, một xe mô tô và một máy cày của Lương Ngọc Anh Tuấn là các phương tiện liên quan. Sau khi xác định mức độ thiệt hại và hành vi vi phạm, Hạt Kiểm lâm Đam Rông đã khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản"; đồng thời, chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đam Rông điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau vụ việc trên, ngày 4/2, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 765/UBND-LN chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh và huyện Đam Rông khẩn trương điều tra, hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm, công khai vụ việc trên; tổ chức làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, hoàn thành trước ngày 20/2. Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm khi phát hiện có hành vi tiếp tay, mua, sử dụng lâm sản do khai thác rừng trái pháp luật hoặc lâm sản không rõ nguồn gốc.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, lũy kế từ 8/12/2022 đến ngày 1/2/2023, địa bàn toàn tỉnh có 29 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó 17/29 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm. Diện tích bị thiệt hại do phá rừng là 1,86 ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại trên 105 m3, trong đó có 1 vụ vi phạm có tính chất phức tạp, nổi cộm xảy ra tại huyện Lâm Hà, các đối tượng đã cưa hạ 54 cây thông 3 lá trên diện tích 570 m2, khối lượng lâm sản thiệt hại lên tới trên 13 m3. Diện tích này thuộc đối tượng rừng sản xuất, số cây thông 3 lá này được trồng từ năm 1997, thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà. Vụ việc hiện chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Có thể bạn quan tâm