TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Lập dự án trồng rừng để... phá rừng, bán đất?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Đây là những vụ việc bức xúc đang diễn ra tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Đua nhau lập dự án trồng rừng

Giao đất lâm nghiệp, giao rừng, cho thuê rừng để các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân quản lý, sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Đây là bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý bảo vệ rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, người dân bảo vệ được rừng, yên tâm quản lý, đầu tư phát triển rừng trên diện tích được giao.


 

Đất rừng của Công ty TNHH Nam Nam đã bị phá hết, thay vào đó là bán đất cho dân trồng cà phê.
Đất rừng của Công ty TNHH Nam Nam đã bị phá hết, thay vào đó là bán đất cho dân trồng cà phê.



Chủ trương đúng, lại có lợi cho cá nhân, đơn vị nhận giao khoán, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đã đua nhau lập dự án nhận đất, nhận rừng.

Báo cáo của Hạt kiểm lâm Bảo Lâm cho thấy, tính đến hết năm 2017, trên địa bàn huyện có 56 đơn vị, doanh nghiệp thuê rừng với tổng diện tích 16.267,17 ha.

Trong số đó có các doanh nghiệp được giao nhiều diện tích là: Công ty TNHH Minh Tú 254,90 ha; Công ty TNHH An Việt 320,77 ha; Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên 191,07 ha; Công ty TNHH Hà Phong 405,39 ha; Công ty TNHH An Phú Nông 140,4ha tại tiểu khu 443 (Lộc Phú- Bảo Lâm); Công ty TNHH sản xuất thương mại may mặc Việt Dương 153ha tại tiểu khu 443 (lộc Phú- Bảo Lâm);

Công ty cổ phần Nam Nam 129,21 ha tại xã Lộc Phú (Bảo Lâm); Công ty kỹ thuật nhựa Khang Thịnh 129,21ha ở tiểu khu 614 (Lộc Ngãi- Bảo Lâm); Công ty TNHH An Nguyễn 162,34ha ở xã Lộc Ngãi (Bảo Lâm); Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Gia Linh 279,99ha tại tiểu khu 613 (Lộc Phú- Bảo Lâm)...và rất nhiều công ty được giao số rừng trong tổng số hơn 16 nghìn ha đã giao.

Kèm theo đó, đơn vị sự nghiệp và công ty Lâm Nghiệp; hộ gia đình và cộng đồng dân cư được giao với 50.822,93 ha gồm: Ban QLR phòng hộ Đạm B’ri 12.582,67 ha; Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Lộc Bắc 34.851ha; Hộ gia đình 2419,70 ha; Cộng đồng dân cư thôn 2, xã Lộc Bảo với 17 hộ dân 135,19 ha; Cộng đồng dân cư thô 3, xã Lộc Bảo với 76 hộ dân 514,91 ha; Cộng đồng dân cư thôn 1,2,4 xã Lộc Nam với 6 hộ 88,24 ha; Công đồng dân cư thôn 4, xã Lộc Phú với 6 hộ 231,22 ha....

Theo cam kết với UBND các cấp trước khi lập dự án và nhận giao đất, giao rừng, các doanh nghiệp này phải làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng; trồng rừng; trồng cây công nghiệp kết hợp với chăn nuôi gia súc; trồng cao su; xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước theo quy định; không chiếm dụng đất đang sản xuất ổn định của người dân từ năm 2006 trở về trước.

Ngoài ra các đơn vị, doanh nghiệp này không được phá rừng, không được cho doanh nghiệp khác thuê lại đất rừng, không chuyển đổi sai mục đích mà chưa có sự chấp thuận của UBND các cấp.

 

Rừng của Công ty Khang Thịnh cũng đã hết và đất cũng bán cho dân.
Rừng của Công ty Khang Thịnh cũng đã hết và đất cũng bán cho dân.




Thế nhưng cam kết bảo vệ rừng, trồng rừng chỉ là những gì được triển khai trên giấy tờ, còn thực tế diễn ra lại hoàn toàn trái ngược.

Bởi sau khi nhận dự án, hầu hết các doanh nghiệp này đã tích cực chặt phá rừng, khai thác tận thu lâm sản, tự ý phá hoại tài sản của nhân dân để chiếm đất sản xuất, thực hiện không đúng nội dung tại giấy chứng nhận đầu tư của UBND các cấp. Việc làm của các doanh nghiệp này đã gây bức xúc dư luận và thể hiện sự coi thường pháp luật.

Thi nhau phá rừng, bán đất

Những doanh nghiệp và cộng đồng dân cư được rừng và phát triển rừng đã buông lỏng quản lý, dẫn đến rừng bị tàn phá nghiêm trọng kể từ khi được giao rừng cho đến hết năm 2015 gồm có: Công ty TNHH Minh Tú; Công ty TNHH An Việt; Công ty TNHH Cà Phê Trung Nguyên; Công ty TNHH An Nguyễn; Công ty TNHH kỹ thuật nhựa Khang Thịnh; Công ty cổ phần Nam Nam; Công ty TNHH An Phú Nông và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Gia Linh; Công ty TNHH Hà Phong...

Theo đó, Công ty TNHH Minh Tú được giao 254,90 ha hoàn toàn là đất Lâm nghiệp. Theo báo cáo thì có 7 vụ phá rừng, mất 2,35 ha, gỗ thiệt hại 80,61 m3, nhưng đến cuối tháng 6/2018, theo quan sát của PV thì rừng bị phá gần hết và đa số diện tích được giao đã chia nhỏ bán lại cho dân trồng cà phê.


 

Công ty An Nguyễn cũng phá rừng bán đất.
Công ty An Nguyễn cũng phá rừng bán đất.



Công ty TNHH An Nguyễn được thuê với diện tích là 162,34 ha theo quyết định 1789/QĐ-UBND ngày 17/8/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Thế nhưng tính đến tháng 9/2015 Công ty An Nguyễn đã để mất 72,42ha rừng, trữ lượng lâm sản thiệt hại theo hồ sơ kiểm kê rừng là 10.494m3.

Điều đáng nói là từ khi  UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất đến nay, Công ty An Nguyễn gần như không triển khai dự án theo chứng nhận đầu tư.

Do vậy, diện tích rừng bị mất và diện tích cải tạo trồng rừng kinh tế đã bị người dân vào lấn chiếm, canh tác trồng cà phê, chè, hoa màu...

Còn Công ty TNHH kỹ thuật nhựa Khang Thịnh cũng được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê rừng và đất lâm nghiệp với diện tích 129,21ha tại tiểu khu 614 (Lộc Ngãi- Bảo Lâm) theo quyết định 1226/QĐ-UBND ngày 04/6/2010, trong đó diện tích khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên có trữ lượng là 59,69ha; diện tích cải tạo trồng rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dự án đầu tư là 69,52ha.

Tuy nhiên qua kiểm kê ngày 7/9/2015, diện tích khoanh nuôi, bảo vệ rừng của đơn vị này chỉ còn vẻn vẹn 7,69 ha, mất 50 ha so với hồ sơ thiết kế, trữ lượng lâm sản thiệt hại là 6.735,5 m3.

Tại thời điểm cơ quan chức năng đi kiểm tra cơ sở nhà cửa không còn trên đất dự án, công ty không có nhân viên quản lý bảo vệ rừng.

Kém miếng khó chịu nên Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Gia Linh cũng tranh thủ lợi dụng chính sách để phá 279,99ha đất rừng được giao tại tiểu khu 613 (Lộc Phú- Bảo Lâm) theo quyết định số 1687 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Trước sự phản ánh của người dân, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc kiểm tra và kết luận, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Gia Linh đã có hành vi khai thác rừng trái phép; phá rừng trái phép; lấn chiếm đất dân đang sản xuất nông nghiệp nằm ngoài diện tích được thuê; tự ý phá bỏ diện tích cà phê của dân; thực hiện không đúng nội dung tại giấy chứng nhận đầu tư và quyết định thuê đất của UBND tỉnh.

Được giao với diện tích 140,4ha tại tiểu khu 443 (Lộc Phú- Bảo Lâm), Công ty TNHH An Phú Nông cũng tranh thủ phá rừng lấy gỗ, trồng cà phê và bán đất dự án cho nhiều đơn vị, cá nhân khác.

Người dân cho biết, ngoài việc lấn chiếm đất của hàng chục hộ dân ở thành phố Bảo Lộc- (Lâm Đồng), công ty này còn ngang nhiên bán đất dự án được giao.

Tính đến thời điểm này, từ 140,4 ha đất rừng được giao ban đầu tại tiểu khu 443, công ty này chỉ còn lại hơn 20ha còn lại và đang tiếp tục giao bán với giá từ 100 đến 150 triệu đồng/ha.


 

 Rừng vẫn đang bị tàn phá, đất đã bán cho dân để trục lợi cả nghìn tỉ đồng nhưng vẫn chưa cơ quan nào xử lý.
Rừng vẫn đang bị tàn phá, đất đã bán cho dân để trục lợi cả nghìn tỉ đồng nhưng vẫn chưa cơ quan nào xử lý.



Trong khi đó được UBND tỉnh Lâm Đồng giao 120,38ha, trong đó đất lâm nghiệp có rừng là 76,93ha, đất lâm nghiệp không có rừng là 43,45ha từ năm 2009 nhưng 8 năm trôi qua, Công ty cổ phần Nam Nam mới chỉ trồng được 6,6ha thông, còn diện tích rừng bị phá tính đến hết tháng 9.2015 là 56,12ha.

Riêng năm 2015, công ty này đã để mất 18,81ha rừng, trữ lượng lâm sản thiệt hại là hơn 1.372,1m3. Ngoài ra, lãnh đạo công ty Nam Nam còn ngang nhiên dùng máy xúc múc đất trong rừng quản lý bảo vệ để trồng cà phê vào cuối tháng 7/2015.

Ngoài lấn chiếm đất của dân, công ty này còn ngang nhiên khai thác rừng lấy gỗ, mua bán, lấn chiếm, phá rừng với diện tích lớn, gây nên các vụ tranh chấp đất giữa các hộ dân và công ty dẫn đến khiếu kiện gây điểm nóng trên địa bàn.

Ngoài ra diện tích rừng giao cho cộng đồng dân cư của 2 xã Lộc Nam và Lộc Phú cũng bị người dân phá hết, thay vào những rừng thông cổ thụ là đất đã được trồng cà phê và chuyển nhượng hết. Nặng nề nhất là cộng đồng dân cư Thôn 4 xã Lộc Phú được giao 231,22 ha đã bị phá hết.

Qua trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Tài Tú- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo lâm cho biết: ''Những năm trước khi tôi về thì có tình trạng người dân ken gốc Thông chết để chiếm đất trồng cà phê. Nhưng khi về công tác tôi đã cùng các cơ quan chức năng đã cố gắng tuyên truyền, phối hợp để xử lý triệt để các hành vi xâm hại đến rừng. Những công ty như Khang Thịnh, Nam Nam làm tổn hại đến rừng nên UBND tỉnh đã thu hồi đang đang chờ xử lý''.


 

Ông Nguyễn Ngọc Năm- Trưởng ban QLR Phòng Hộ Đam B'ri đang làm việc với PV (ảnh cắt từ clip)
Ông Nguyễn Ngọc Năm- Trưởng ban QLR Phòng Hộ Đam B'ri đang làm việc với PV (ảnh cắt từ clip)



Còn ông Nguyễn Ngọc Năm- Trưởng Ban QLR Phòng Hộ Đam B'ri, huyện Bảo Lâm cho hay: ''Tôi không bao giờ bao che cho hành vi phá rừng chiếm đất, cán bộ của tôi mà có dính đến rừng là tôi xử lý ngay, cây thông nằm ngả nghiêng ở rừng là do bão nó bị đổ, theo luật thì chúng tôi không được tận thu số gỗ trên''.

Qua những vấn đề trên, dư luận nơi đây đang đặt ra câu hỏi là những vụ phá rừng chỉ với 5-10 ha trên cả nước cũng đã bị khởi tố! Tại sao ở Bảo Lâm hàng nghìn ha rừng bị phá để bán đất trục lợi, gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỷ đồng mà không bị phanh phui. Người dân nghi ngờ có dấu hiệu của việc làm ngơ và che giấu của các lãnh đạo chủ chốt nơi này.

Ngọc Anh (PL+)

Có thể bạn quan tâm