TN - Đất & Người

Lâm Đồng: "Ngấm đòn" vì dịch nhưng người trồng hoa vẫn quyết chơi lớn đợi cuối năm gỡ gạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù thua lỗ nặng do hoa không bán được, phải nhổ bỏ đổ bờ nhưng nhiều người dân TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn tái đầu tư, mong muốn gỡ gạc lại ở thị trường hoa cuối năm.
Nông dân Lâm Đồng xót xa nhổ bỏ hoa
Đà Lạt được xem là thủ phủ nông nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung. 
Tại đây, nghề trồng hoa cũng được xem là nghề "hái" ra tiền của người nông dân. Thế nhưng trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp như hiện nay, không khó bắt gặp cảnh người dân nhổ bỏ hoa đổ bờ.
Phóng viên Dân Việt có mặt tại thôn Đa Lộc (xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt) và gặp ông Nguyễn Hạnh (49 tuổi). Ông Hạnh đang phải gom những cây hoa cúc đã khô héo vì phải nhổ bỏ trước đó. Toàn bộ hơn 1.500m2 đất trồng hoa cúc của gia đình ông phải nhổ bỏ, tương đương hơn 100.000 cây. 
"Đi dọc các con đường bê tông các anh có thể thấy được người dân nhổ bỏ hoa rất nhiều. Gia đình tôi cũng không phải ngoại lệ. Thị trường chủ yếu của chúng tôi là TP.HCM, nhưng tình hình dịch bệnh như hiện nay thì cũng phải chịu"- ông Hạnh xót xa nói.

Ông Nguyễn Hạnh xót xa khi phải nhổ bỏ hàng chục ngàn cây hoa cúc vì không thể bán được. Ảnh: V.L
Ông Nguyễn Hạnh xót xa khi phải nhổ bỏ hàng chục ngàn cây hoa cúc vì không thể bán được. Ảnh: V.L
Ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, trong đợt dịch thứ 4 này, người dân trồng hoa tại Đà Lạt thiệt hại rất lớn. Vì vậy, Hiệp hội Hoa đề xuất có chính sách để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ, tái cấp vốn hỗ trợ cho người nông dân tiếp tục tái sản xuất.
Ông Hạnh cho biết, gia đình ông trồng tổng cộng khoảng 8.000m2 hoa cúc theo hình thức gối đầu (thời gian các đợt khác nhau). 
Tuy nhiên, khoảng 2.000m2 ông tính toán trồng cho đợt rằm tháng 7 vừa qua đã phải nhổ bỏ 3/4. Còn lại một phần chỉ bán được cho thương lái với giá 4.000 đồng/bó/10 cây.
Khoảng 6.000m2 còn lại của gia đình ông Hạnh cũng đang chuẩn bị cho thu hoạch, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến như hiện nay, người nông dân này cũng không biết những cây hoa của mình sẽ đi về đâu.
Tiếp tục di chuyển về thôn Đa Quý (xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt) chúng tôi gặp ông Ngô Đình Lành (55 tuổi) đang tưới nước cho khu vực đất mới xới của gia đình mình, chuẩn bị cho lứa hoa mới. 
"Hoa đến ngày thu hoạch, phải thuê người cắt đóng thùng, nhưng đến lúc đó dịch bùng lên, không đi được lại phải đưa xuống hầm đốt bỏ. Mất công thu hoạch, đầu tư, phân bón nhưng hoa thì không bán được, 8 tháng đầu năm nay, gia đình tôi đã thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Thời gian tới tôi phải chuyển đổi một phần sang trồng ớt chuông, các loại rau khác phù hợp hơn để kiếm lại số tiền đã mất"- ông Lành chia sẻ.
Nông dân Lâm Đồng gửi niềm tin vào đất
Đến nay, hầu hết các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã "ngấm đòn" do dịch Covid-19. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng như người dân vẫn phải tiếp tục đầu tư, xuống giống để duy trì sản xuất. 
 Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Út (người dân trồng hoa tại xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt) chia sẻ, trong thời điểm dịch như hiện nay, chỉ giá cây hoa cúc giống là giảm được một phần. Thế nhưng các loại vật tư như phân, thuốc, bao bì, thùng đóng gói đều lên giá.
Anh Út cũng cho hay, trước đó có trồng hoa nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên cũng phải nhổ bỏ hàng trăm ngàn cây. Thế nhưng, có đất thì không thể để đất trống nên anh vẫn vay mượn anh em để xuống giống hoa và đặt niềm tin vào đất.
Tuy nhiên, theo các hộ dân, thời điểm này, các cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng đang siết chặt việc bán hàng theo kiểu "ký sổ".
 Trước đây, các hộ dân mua các vật tư như thuốc, phân bón từ các cửa hàng vật tư nông nghiệp, chi phí sẽ được người dân trả cho cửa hàng sau khi thu hoạch và bán nông sản.
 Thế nhưng hiện nay các cửa hàng bán hàng nhưng yêu cầu trả tiền ngay. Điều này cũng khiến các nông hộ gặp càng nhiều khó khăn trong việc tại đầu tư.
Ông Phan Thanh Sang -Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, trong đợt dịch thứ 4 này, người dân trồng hoa tại Đà Lạt thiệt hại rất lớn. Vì vậy, Hiệp hội hoa đề xuất có chính sách để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ, tái cấp vốn hỗ trợ cho người nông dân tiếp tục tái sản xuất. 
Theo Văn Long (Dân Việt)
https://danviet.vn/lam-dong-ngam-don-vi-dich-nhung-nguoi-trong-hoa-van-quyet-choi-lon-doi-cuoi-nam-go-gac-20210826181222792.htm

Có thể bạn quan tâm