Chim trĩ, giống chim có hình dáng đẹp, thịt ngon, đẻ sai đang trở thành vật nuôi thương phẩm cung ứng cho thị trường cả thịt và trứng. Trang trại trĩ Thiện Đào Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đang dần xây dựng như một trang trại cung cấp trĩ nổi tiếng với phương thức cung ứng qua các nền tảng thương mại điện tử.
Bắt đầu từ 50 cặp chim trĩ
Anh Nguyễn Đắc Thiện, chủ trang trại trĩ Thiện Đào, tổ dân phố Chi Lăng 1, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) kể lại, như hầu hết dân địa phương, anh chị vốn trồng cà phê và chăn nuôi gà, lợn.
Thấy chăn nuôi bấp bênh vì dịch bệnh, giá cả thất thường, lại ô nhiễm mùi vì làm chuồng ngay trong vườn nhà, anh chị quyết chuyển sang tìm một vật nuôi khác.
Anh Nguyễn Đắc Thiện, tổ dân phố Chi Lăng 1, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) và một con chim trĩ xanh trống |
Nhìn xung quanh, anh chị thử nghiệm bằng việc mua 50 cặp chim trĩ về nuôi trong vườn. Anh Thiện cho biết: “Năm 2016, vợ chồng tôi mua 50 cặp chim bố mẹ với giá 750.000 đồng/ cặp chim trĩ đỏ. Từ 50 cặp chim ban đầu, giờ trang trại nuôi từ 3.000- 5.000 chim tùy thời điểm, trong đó có khoảng 400 chim mái đẻ trứng”.
Trang trại chăn nuôi cả trĩ đỏ và trĩ xanh, trong đó trĩ xanh được thị trường ưa chuộng hơn với màu lông xanh điển hình.
Chim trĩ là giống chim được thuần hóa, nuôi làm thịt khá quen thuộc với người tiêu dùng. Chim trĩ lúc còn nhỏ có màu lông hạt dẻ nếu là trĩ đỏ, màu xanh đen nếu là trĩ xanh, 5 tháng thay lông con trống đổi màu với bộ lông đẹp, đuôi dài và một vòng cổ đỏ.
Tới 6 tháng, chim có thể xuất bán với trọng lượng 1,4-1,6kg/ con trống, 1,2 kg/ con mái. Sau 8 tháng, chim mái bắt đầu đẻ trứng. Điểm đặc biệt là chim trĩ đẻ trứng theo mùa, từ tháng 2 tới tháng 8 chim mái đẻ liên tục, một con trung bình đẻ từ 60 - 80 trứng/ vụ.
Hết mùa sinh sản, chim không đẻ nữa mà vào mùa rụng lông kiếm ăn. Trứng được anh chị thu hoạch cung ứng cho thị trường hoặc để ấp nở ra một đợt trĩ non. Theo anh Thiện, chim mái đẻ qua 2 mùa sẽ thải rồi chọn đợt chim mái tơ khỏe, đẻ sai và chất lượng trứng tốt.
Chim trĩ trang trại Thiện Đào được nuôi theo hướng “bán hoang dã”. Sau khi ấp nở bằng máy, chim non đươc úm trong thùng xốp có thắp bóng điện. Khi cứng cáp, chim non được thả vào chuồng có trải trấu giữ ấm và giữ vệ sinh, được tiêm chủng đầy đủ các loại văc xin.
Anh chị ấp chim gối đầu, mỗi lứa cách nhau 15 ngày nên chuồng nuôi cũng phân loại để nhốt chung lứa, đảm bảo chế độ chăm sóc hợp lý. Sau khi chim được 3 tháng, anh chị thả ra vườn cà phê để chim tự do bay nhảy, kiếm ăn.
Anh Thiện chia sẻ, chim trĩ ăn không nhiều, chủ yếu là ăn bắp vỡ, rau xanh các loại. Anh chị trồng hàng trăm cây đu đủ trong vườn để cung cấp trái cho trĩ vì trái đu đủ là món chim trĩ rất ưa chuộng.
Cung cấp hàng qua mạng
Thêm một điều rất tiến bộ ở trang trại chim trĩ Thiện Đào là hiện gia đình anh chị chủ yếu cung ứng trĩ thịt, trứng cũng như chim giống qua các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội.
Con gái lớn của anh chị, bạn Nguyễn Thị Thanh Hoa là người “chủ xị” việc cung ứng trĩ qua mạng. Thanh Hoa chia sẻ, việc bán trực tiếp hạn chế rất nhiều khả năng tiếp cận của trang trại cũng như khách hàng khó biết đến sản phẩm của trại.
Vì vậy, Thanh Hoa mở rộng việc quảng cáo trên các nền tảng điện tử như website, fanpage, zalo…, đặt hàng cũng như giao hàng thông qua thương mại điện tử.
Thanh Hoa chia sẻ: “Thực sự xây dựng thương hiệu và cung ứng trĩ trên các nền tảng điện tử khiến việc tiêu thụ sản phẩm của trang trại ngày càng hiệu quả, nhất là trong thời điểm dịch COVID -19 như hai năm nay. Việc đi lại của khách hàng cũng khó khăn, em mở rộng việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, gửi hàng tới tận nơi cho khách hàng xa, gần đạt kết quả rất tốt”.
Trĩ thịt được làm sạch, đóng gói cấp đông gửi trong xe lạnh, trứng trĩ được bảo quản kỹ trong thùng xốp và vỏ trấu chống dập vỡ... gửi tới tận Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây, miền Đông như Tây Ninh, Cần Thơ hay miền Trung như Đà Nẵng, Phú Yên.
Hiện trang trại Thiện Đào bán trĩ thịt với giá 220.000 đồng/kg, trứng trĩ 70.000 đồng/chục, chim giống mới nở 30.000 đồng/ con, chim giống 2 tháng 130.000 đồng/ con. Chỉ cần một tin nhắn, một cuộc điện thoại, trang trại gửi hàng tới tận tay khách dù xa hay gần. Theo Thanh Hoa, việc cung cấp các sản phẩm của trang trại thông qua thương mại điện tử thuận lợi và hiệu quả hơn bán hàng trực tiếp rất nhiều. Vì vậy, anh chị Nguyễn Đắc Thiện đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích chăn nuôi để nâng lượng trĩ bố mẹ, có thêm nhiều sản phẩm thịt và trứng trĩ cung ứng cho thị trường. |
Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng/Dân Việt)