TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Nuôi ong mật an toàn sinh học trong vườn cà phê, vừa bán sữa vừa bán mật, nhiều người kéo đến xem

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với 200 đàn ong trong tay, vợ chồng anh Phạm Văn Cương (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đã thu về hơn 100 triệu đồng nhờ nuôi ong mật an toàn sinh học. Mô hình nuôi ong mật an toàn sinh học còn là mô hình hay để nhiều người học hỏi, làm giàu.
Được sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã tìm được đến nhà gia đình anh Phạm Văn Cương. Anh Cương là một trong những gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ vốn để nuôi ong an toàn sinh học phát triển kinh tế.

Vợ chồng anh Cương ((xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) kiểm tra sự phát triển của đàn ong trong vườn nhà. Ảnh: Văn Long.
Vợ chồng anh Cương ((xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) kiểm tra sự phát triển của đàn ong trong vườn nhà. Ảnh: Văn Long
Trao đổi với anh Cương, phóng viên được biết, anh có vợ là người Cil (dân tộc K'Ho). Hai vợ chồng anh nuôi ong lấy mật cách đây đã lâu, nhưng gần đây chuyển một phần qua lấy sữa. Được sự hướng dẫn và hỗ trợ đến 80% vốn đề đầu tư nuôi ong nên mô hình đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi ong của gia đình anh Cương đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người đến học hỏi. Ảnh: Văn Long.
Mô hình nuôi ong của gia đình anh Cương đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người đến học hỏi. Ảnh: Văn Long
"Trước đây, gia đình tôi chủ yếu nuôi ong lấy mật. Chính vì vậy phải thường xuyên di chuyển, vận chuyển ong đến các điểm có hoa nhiều. Việc này đã khiến chi phí khi nuôi ong đã tăng lên rất nhiều, hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2020 từ nguồn vốn tích cóp nhiều năm và sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình tôi đã đầu tư và triển khai nuôi ong theo hướng an toàn sinh học. Hiện tại, vợ chồng tôi đã có 200 đàn ong vừa lấy sữa, vừa lấy mật. Cách làm mới này vừa hiệu quả cao hơn, nhàn hạ hơn mà còn tốn ít chi phí chăm sóc hơn. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm để nuôi ong", anh Cương chia sẻ.

Chị K'Dung giới thiệu cho phóng viên những vỉ ong nuôi theo hướng an toàn sinh học của gia đình mình. Ảnh: Văn Long.
Chị K'Dung giới thiệu cho phóng viên những vỉ ong nuôi theo hướng an toàn sinh học của gia đình mình. Ảnh: Văn Long
Chị Cư Xã K’Dung (vợ anh Cương) gần đó tiếp lời: "Chi phí đầu tư nuôi ong theo hướng an toàn sinh học khá cao. Trung bình, 1 đàn ong sẽ mất khoảng 1 triệu đồng, nhưng để hiệu quả thì mỗi mô hình phải có trên 70 đàn ong. Trong mùa hoa cà phê vừa rồi, gia đình tôi thu được hơn 2 tấn mật và bán sỉ với giá 60.000 đồng/kg, bán lẻ 90.000-100.000 đồng/kg. Nếu giá bán ổn định, trung bình cứ 100 đàn ong thì người nuôi sẽ thu về từ 50-80 triệu đồng sau khi trừ các chi phí".

Trung bình, mỗi đàn ong phải mất chi phí đầu tư khoảng 1 triệu đồng, phải 70 đàn trở lên mới mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Văn Long
Trung bình, mỗi đàn ong phải mất chi phí đầu tư khoảng 1 triệu đồng, phải 70 đàn trở lên mới mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Văn Long
Chị K’Dung cho hay, không chỉ được hỗ trợ 80% số vốn khi đầu tư nuôi ong theo hướng an toàn sinh học mà người dân còn được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật rất tận tình.
Ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho hay, mô hình nuôi ong lấy mật theo hướng an toàn sinh học là mô hình hiệu quả. Đây cũng là mô hình cải thiện sinh kế, góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhằm tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đến nay, trung tâm đã triển khai mô hình này với 7 hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Nuôi ong theo hướng an toàn sinh học sẽ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 80% vốn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Ảnh: Văn Long
Nuôi ong theo hướng an toàn sinh học sẽ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 80% vốn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Ảnh: Văn Long
"Đây là mô hình hiệu quả cao, có thể áp dụng rộng rãi ở các địa phương của Lâm Đồng. Vì thế, chúng tôi đang cố gắng để nhân rộng mô hình này. Đặc biệt, chúng tôi hướng đến những hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sinh kế để họ phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất có giá trị thu nhập cao hơn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn", ông Tuận thông tin.

Với 200 đàn ong trong tay, mỗi năm gia đình anh Cương, chị K'Dung thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Ảnh: Văn Long
Với 200 đàn ong trong tay, mỗi năm gia đình anh Cương, chị K'Dung thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Ảnh: Văn Long
Theo Văn Long (Dân Việt)
https://danviet.vn/lam-dong-nuoi-ong-mat-an-toan-sinh-hoc-trong-vuon-ca-phe-vua-ban-sua-vua-ban-mat-nhieu-nguoi-keo-den-xem-20210816161315808.htm

Có thể bạn quan tâm