TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Sau một trận bão, ông nông dân này trồng thứ cây ra trái chín đỏ cả đồi, nhiều người kéo đến xem

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau một trận bão làm đổ hết vườn hồng, ông Đỗ Trọng (55 tuổi, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã chuyển qua trồng quýt đường, quýt tiều, quýt giấy. Tới mùa quýt chín đỏ cả đồi khiến nhiều người tìm đến tham quan, chụp ảnh và mua quýt đặc sản...
Từ cơn bão định mệnh
Những ngày cuối năm Canh Tý 2020, phóng viên Dân Việt được Hội Nông dân huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) giới thiệu tới mô hình trồng quýt mang lại giá trị kinh tế cao của ông Đỗ Trọng. 
Ông Trọng được xem là một tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh tại địa phương với mô hình trồng quýt đặc sản.

Ông Đỗ Trọng (55 tuổi, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đi thăm vườn quýt chín đỏ của gia đình mình.
Ông Đỗ Trọng (55 tuổi, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đi thăm vườn quýt chín đỏ của gia đình mình.
Được dẫn đến vườn quýt của ông Trọng tại thôn Phú Thuận, phóng viên phải thốt lên rằng chưa thấy vườn quýt nào đẹp như vườn của lão nông U50 này. 
Từ con đường bê tông vào đến vườn của ông Trọng phải mất 2km đường mòn, chỉ xe máy mới có thể di chuyển và đưa được quýt ra ngoài. Chỉ đi được vài trăm mét là chúng tôi lạ phải né sát vào bên phải để cho những xe chở quýt của người dân đưa từ vườn ra.

Vườn quýt đặc sản của của gia đình ông Đỗ Trọng rất đẹp khiến ai đến tham quan cũng phải trầm trồ, ngưỡng mộ.
Vườn quýt đặc sản của của gia đình ông Đỗ Trọng rất đẹp khiến ai đến tham quan cũng phải trầm trồ, ngưỡng mộ.
Đón phóng viên khi tay vẫn cầm chiếc kéo cắt cành, ông Trọng mời ngay chúng tôi quả quýt tiều thơm ngọt mới thu hoạch. "Anh chị cứ ăn quýt cho mát, trong này chỉ có quýt chứ chả có gì, ăn no cũng được, chỉ sợ xót ruột thôi", ông Trọng cười nói.

Những chùm quýt chín đỏ bên trong vườn của ông Đỗ Trọng đang chờ thương lái đến cắt đưa ra thị trường Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.
Những chùm quýt chín đỏ bên trong vườn của ông Đỗ Trọng đang chờ thương lái đến cắt đưa ra thị trường Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.
Dẫn chúng tôi đi giữa những hàng quýt chi chít quả chín đỏ mọng đang chờ thương lái đến cắt tiêu thụ những ngày Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, ông Trọng tâm sự: "Nhìn vườn thì rất đẹp, ai cũng thích, nhưng để có được vườn như thế này, tôi cũng rất gian nan. Trước kia, gia đình tôi giống nhiều nhà ở khu vực Phú Thuận này, chỉ trồng hồng vuông ăn trái thôi..."
Theo lời kể của ông Trọng, đang trồng hồng thì năm 2007, toàn bộ vườn hồng của gia đình ông đã bị một cơn bão quật gãy đổ cả. 
Chả còn gì và còn chưa biết làm gì với mảnh đất dốc của mình thì ông Trọng tình cờ biết đến cây quýt. Tham khảo nhiều chỗ ông thấy cây quýt rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại Phú Thuận nên đã mua giống trồng thử...

Ông Trọng khá vui vì dịch Covid-19 đang phức tạp nhưng vườn quýt đặc sản của ông vẫn bán được giá khá cao.
Ông Trọng khá vui vì dịch Covid-19 đang phức tạp nhưng vườn quýt đặc sản của ông vẫn bán được giá khá cao.
Với 5.000m2 đất đồi dốc của mình, ông Trọng đã tiến hành mua giống quýt trồng thử hơn 70 cây quýt đường, quýt tiều và quýt giấy. 
Tuy nhiên, ngon và được ưa chuộng, giá cao nhất vẫn là quýt tiều. Loại quýt này bản thân chúng đã ngọt. Năm 2020 nhuận 1 tháng, đầu năm lại bị hạn hán nên quýt tiều càng ngọt thêm. Những năm trước, ông Trọng thu hoạch được khoảng 14 tấn quýt. Năm nay sản lượng quýt chỉ được khoảng 12 tấn trái. 
Trước Tết Nguyên Đán 3 ngày, thương lái đã đưa người đến hái toàn bộ quýt đặc sản, đưa đi các tỉnh lân cận tiêu thụ trong dịp tết.
Triệu phú trồng quýt đặc sản
"Năm nay, ngoài việc thị trường tiêu thụ có kém hơn do dịch Covid-19, thì tôi còn rất thất vọng về bản thân mình. Trồng quýt đã hơn chục năm, mọi kỹ thuật trong tay đã nắm vững, nhưng do chủ quan nên sản lượng quýt đặc sản đã giảm hẳn...", ông Đỗ Trọng chia sẻ.
Cả 3 loại quýt đặc sản là quýt đường, quýt tiều, quýt giấy cây rất dễ bị bệnh vàng lá, thối rễ, nếu không thường xuyên quan sát, chăm sóc thì chúng rất chết. Đặc biệt, mấy giống quýt đặc sản này giống như con tằm, rất kỵ với thuốc bảo vệ thực vật,. Vì vậy ông Trọng rất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chỉ dùng thuốc sinh học...

Ông Đỗ Trọng thu hoạch những chùm quýt đầu tiên cho thương lái đặt mua.
Ông Đỗ Trọng thu hoạch những chùm quýt đầu tiên cho thương lái đặt mua.
Đối với loại bệnh vàng lá, thối rễ trên cây quýt, ông Trọng nhận định chỉ có thể phòng trừ, nếu bị rồi thì bệnh rất dễ lây lan qua các cây khác, gây thiệt hại lớn. Vì vậy, người trồng cần làm sao để đất thoáng khí, không bị úng nước, không lạm dụng phân hóa học thì dễ dàng phòng bệnh.
Lão nông này cho biết, cây quýt từ khi trồng khoảng 4 năm là có thu hoạch, nhưng cách chăm sóc chúng thì cực kỳ khó. 
Đặc biệt, trồng quýt phải lưu tâm đến loài bọ trĩ và nhện đỏ. Hai loại côn trùng gây hại này rất nguy hiểm với cây quýt, chúng sẽ làm sản lượng giảm sút, mẫu mã không đẹp. 
Nước tưới cho vườn quýt được ông Trọng sử dụng toàn bộ là nước mạch từ trong núi chảy ra. Cỏ trong vườn được lão nông này sử dụng máy cắt, không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Ông Trọng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và thuốc diệt cỏ nên sản lượng khá ổn định, mẫu mã quả quýt đẹp.
Ông Trọng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và thuốc diệt cỏ nên sản lượng khá ổn định, mẫu mã quả quýt đẹp.
Cầm chùm quýt chín đỏ trên tay, lão nông U50 chia sẻ: "Mọi năm, gia đình tôi thu hoạch trung bình khoảng 14 tấn trái từ vườn quýt. Tuy nhiên, năm nay sản lượng bị giảm xuống chỉ còn khoảng 12 tấn. Hiện, tôi bán quýt cho thương lái với giá đổ đồng 27.000 đồng/kg, sau khi trừ các loại chi phí, sẽ lời trên 200 triệu đồng...".
Năm nay, do dịch thị trường tiêu thụ chậm nên giá quýt đặc sản có giảm, những năm trước ông Trọng bán quýt được giá trên 30.000 đồng/kg. Hiện, giống quýt tiều có giá bán trái cao nhất trên thị trường và được ưa chuộng nhất với vị ngọt đậm, mẫu mã đẹp...

Năm nay, ông Trọng dự tính thu hoạch được khoảng 12 tấn quýt đặc sản các loại. Ông bán quýt với giá đổ đồng 27.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Trọng sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng.
Năm nay, ông Trọng dự tính thu hoạch được khoảng 12 tấn quýt đặc sản các loại. Ông bán quýt với giá đổ đồng 27.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Trọng sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng.
Theo thống kê của UBND thị trấn Dran, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) hiện các loại quýt được trồng tập trung tại địa phương với diện tích trên 30ha. Ngoài ra, thị trấn Dran còn khoảng 8h quýt được người dân trồng mới tại địa phương chuẩn bị cho thu hoạch. Vùng D’ran có khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng, thuận lợi phát triển nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây hồng vuông và quýt...
Theo Văn Long (Dân Việt)
https://danviet.vn/lam-dong-sau-mot-tran-bao-ong-nong-dan-nay-trong-thu-cay-ra-trai-chin-do-ca-doi-nhieu-nguoi-keo-den-xem-20210211210737828.htm

Có thể bạn quan tâm