TN - Đất & Người

Lâm Đồng tập trung đầu tư, phát triển những vùng khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại những vùng đất khó khăn một thời ở Lâm Đồng, giờ đây sức sống mới đang tràn ngập trên các buôn làng. Từ dọc dải Trường Sơn Đông huyền thoại, đến miền cây trái ngọt lành bên dòng Đồng Nai, đất khó đã trở mình, đời sống nhân dân đổi thay vượt bậc. Hình ảnh “những con đường đất đỏ lượn vòng trên cao nguyên” dần lùi vào dĩ vãng để hôm nay, những cung đường thênh thang trải nhựa đã nối dài buôn xa.

Sắc màu mới ở những thôn, buôn dưới chân dãy Bidoup, huyện Lạc Dương.
Sắc màu mới ở những thôn, buôn dưới chân dãy Bidoup, huyện Lạc Dương.
“Lâm Đồng hiện không còn nơi nào thật sự để gọi là vùng sâu, vùng xa nữa”, đó là câu nói ấn tượng từ già làng, người có uy tín ở các thôn, buôn trên miền đất nam Tây Nguyên. Bởi giờ hệ thống giao thông chất lượng đã phủ khắp; tất cả các xã đặc biệt khó khăn có đường ô-tô đến trung tâm, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho nhân dân. Những đôi chân của người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, M’Nông bản địa và bà con dân tộc thiểu số (DTTS) từ nhiều vùng, miền Tổ quốc chọn cao nguyên này làm quê hương, giờ thoải mái đi về trên những cung đường trải nhựa. Hiện toàn bộ các thôn tại Lâm Đồng đã có điện lưới quốc gia, cơ sở y tế, bưu điện, được phủ sóng truyền hình; các xã vùng đồng bào DTTS đều có trường mẫu giáo, tiểu học, THCS và tất cả trẻ em trong độ tuổi được đến trường.
Lâm Đồng hiện có hai huyện nông thôn mới và dự kiến cuối năm 2020 sẽ là con số năm; 104 trong số 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 18 xã nông thôn mới nâng cao, sáu xã kiểu mẫu. Các địa phương đã triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia; huy động tốt các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đình Văn cho biết: “Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ Trung ương và các bộ, ngành; sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, ý thức tự vươn lên của người dân, đã mang lại bộ mặt mới ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS tại Lâm Đồng; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Trong đó, ý thức tự vươn lên của người dân, cùng những giải pháp phù hợp của địa phương, chính là điều căn cơ giúp Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững”.
Cách đây chừng 15 năm, khi nhắc đến xã Lộc Lâm, nhiều người nghĩ ngay đến xứ thâm u, cơ cực; cái đói mùa giáp hạt đeo bám mãi. Những mùa mưa nắng dãi dầu đã qua, nay bà con buôn làng trên xã anh hùng này đang cùng nhau hưởng mùa quả ngọt, khi Lộc Lâm cán đích xã nông thôn mới. Gắn trọn cuộc đời với vùng đất gian lao mà anh dũng này, già làng K’Tin được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, hào hứng kể: “Lộc Lâm đạt các tiêu chí xã nông thôn mới rồi, bà con mình tự hào lắm. Giờ đây, nhiều nhà đã có của ăn, của để, cuộc sống thay đổi nhiều rồi”. Phó Chủ tịch UBND xã K’Giáp cho biết: “Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần nửa dân số, đời sống bà con rất khó khăn; thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 13 triệu đồng/năm, nay đã gấp hơn ba lần. Có thể nói, Lộc Lâm cán đích nông thôn mới như một kỳ tích”.
Ngược phía cao nguyên Langbiang, dọc quốc lộ 27C, sắc mầu tươi mới đã ùa về trên những buôn làng ở xã nông thôn mới Đạ Sar, Đạ Chais, huyện Lạc Dương; không còn là xứ tách biệt, thâm u của chừng 20 năm trước. Trong nếp nhà truyền thống ở xã Đạ Chais, cựu chiến binh, già làng Ha Brai đang đan những chiếc gùi phục vụ cho mùa vụ mới. Ông tự hào kể: “Ngày đó, tất cả bà con ở các buôn làng ở đây đều nhất tề theo cách mạng, tham gia kháng chiến. Chuyện xưa nhiều lắm, không kể hết. Giờ khác rồi, mình đang sống trên xã nông thôn mới, bà con mình lo giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo cho con em ăn học, chung tay xây dựng buôn làng giàu đẹp”. Theo Bí thư Đảng ủy xã Đạ Chais Kơ Đơng Ha Quyên, xã có hơn 83% dân số là đồng bào DTTS. Hiện cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm. Và điều quan trọng, Đạ Chais giờ không còn là “ngõ cụt”, quốc lộ 27C ngang qua, đã tạo cho vùng đất anh hùng này thế phát triển mới.
Có nhiều vùng đất ở Lâm Đồng khi nhắc đến, nhiều người ám ảnh cảnh bần hàn, nghèo khó một thuở. Nhưng nay đã dệt những miền xanh của sự thanh bình, no ấm. Cách đây chừng 10 năm, nhiều người nhắc đến xã Đưng K’Nơh như một sự ám ảnh về đường đi và sự cơ cực của bà con nơi đây và được xác định thuộc xã nghèo nhất tỉnh. Nay, từ ngọn đồi ngay đầu trung tâm xã, đã thấy mầu xanh của cà-phê, cây ăn trái… ôm trọn những buôn làng. Phó Bí thư Đảng ủy xã Ha Mal cho biết: “Buôn làng đổi mới thấy rõ, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 38 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6%. Dẫu còn không ít khó khăn, thử thách, nhưng Đưng K’Nơh quyết tâm cán đích xã nông thôn mới vào năm 2021”.
Minh chứng rõ nét nhất trong sự đổi thay ở những vùng đất khó tại Lâm Đồng là câu chuyện bà con người Mạ, X’Tiêng ở miền đất quanh năm “ủ trong mây” Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên chung tay xây dựng nông thôn mới. Đồng Nai Thượng, cái tên trước đây khi nhắc đến khiến nhiều người không khỏi giật mình về cái nghèo, cơ cực cả về kinh tế lẫn đường đi. Ngày đó, Đồng Nai Thượng ẩn mình như một “ốc đảo” hoang vu giữa đại ngàn. Đây là xã xa nhất, sâu nhất tỉnh Lâm Đồng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền đất này là vùng căn cứ quan trọng thuộc Chiến khu D. Trong ngôi nhà mới khang trang, dũng sĩ diệt Mỹ Điểu Thị Lôi, 40 năm tuổi Đảng, đại biểu Quốc hội khóa VI, khảng khái: “Chuyện xưa dài lắm, không kể hết. Giờ Đồng Nai Thượng không còn là “xứ cô đơn” nữa, đường lên xã đã trải nhựa, đây là con đường của cuộc cách mạng đổi thay. Đời sống bà con mình đã khá giả lên nhiều. Đảng, Nhà nước đã lo toàn vẹn cho dân”. 
Qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới thấm mặn mồ hôi, giờ là lúc người Mạ, X’Tiêng được hưởng những mùa quả ngọt. “Bây giờ, đi một vòng quanh các buôn làng mới thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đất này; mới hiểu được sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND xã Điểu Thị Prợt nói. 
Theo Tỉnh ủy Lâm Đồng, cách đây khoảng 15 năm, toàn tỉnh có 49 xã, 64 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm 24% theo tiêu chí mới, nhiều hộ đói mùa giáp hạt; nhiều xã chưa có trường học, trạm y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hơn 30%… Bằng nhiều nguồn lực, Lâm Đồng đã tập trung đầu tư phát triển toàn diện vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Cùng việc tập trung nhiều nguồn vốn, lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; ngoài tám xã thuộc huyện Đam Rông được đầu tư theo chương trình của Trung ương, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng đề án giảm nghèo nhanh và bền vững với 29 xã, 97 thôn có tỷ lệ hộ nghèo hơn 30%, để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo trên những vùng đất khó.
“Lâm Đồng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của cả nước. Dù sẽ có không ít khó khăn, thách thức song chúng tôi tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp từ Trung ương đến địa phương; cùng tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; không ngừng củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng lòng, chung sức xây dựng tỉnh Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đình Văn chia sẻ.
Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm