Lâm Đồng nằm trong khu vực có nguy cơ cao, do tiếp giáp với các địa phương đang có dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, nên việc lây lan dịch bệnh rất khó tránh. Đầu tháng tám, địa phương ghi nhận ca bệnh bạch hầu đầu tiên và bộ máy phòng, chống dịch bệnh lập tức kích hoạt, khẩn trương khoanh vùng, xử lý không để bùng phát ổ dịch bạch hầu.
Khám sàng lọc bệnh bạch hầu cho trẻ em tại Lâm Đồng. |
Ngày 4-8, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng thông tin, tại địa phương xuất hiện ca dương tính đầu tiên với bệnh bạch hầu, đó là bệnh nhân nữ G.T.H (21 tuổi, dân tộc H’Mông, trú tại tiểu khu 181, thôn 3, xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông).
Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 27-7, với các triệu chứng sốt, đau họng, nuốt khó và được lấy mẫu gửi xét nghiệm. Sau khi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thông báo kết quả xét nghiệm PCR dương tính với bạch hầu, ngành y tế địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định nhằm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh.
Bác sĩ K’Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông cho biết, khi tiếp nhận ca bệnh với những triệu chứng của dịch bệnh bạch hầu, trung tâm đã kịp thời báo cáo Sở Y tế tỉnh, chính quyền địa phương; đồng thời, sử dụng phác đồ điều trị theo quy định Bộ Y tế. Đến ngày thứ năm, bệnh nhân bắt đầu hồi phục, tình trạng sức khỏe diễn tiến tốt. Hiện, bệnh nhân đang được giữ lại trung tâm để tiếp tục điều trị.
“Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh, vì vậy, sau khi phát hiện ca bệnh, chúng tôi khẩn trương phối hợp cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tiến hành khoanh vùng, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch; cách ly người bệnh và những người tiếp xúc gần để điều trị, ngăn chặn dịch bệnh lây lan”, Bác sĩ K’Ngọc Hùng nói.
Phun khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Đam Rông, Lâm Đồng. |
Làng H’Mông ở tiểu khu 181, nơi khởi phát ca bệnh bạch hầu đầu tiên tại Lâm Đồng, nằm heo hút giữa đại ngàn, lực lượng y tế địa phương đã cấp tốc băng rừng vào chống dịch, tổ chức vệ sinh phun khử khuẩn xử lý môi trường; điều tra, giám sát, xác minh thông tin dịch bạch hầu tại tiểu khu 181; lập danh sách trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân và lấy 26 mẫu gửi xét nghiệm; điều trị dự phòng đối với 167 trường hợp tiếp xúc gần; khám sàng lọc hơn 360 trường hợp là người dân sinh sống tại tiểu khu 181. Cùng với đó, ngành y tế huyện Đam Rông tập trung triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng, cung cấp hơn 300 tờ rơi, áp phích tuyên truyền phòng chống dịch bạch hầu tại tiểu khu 181 và tổ chức tiêm vắc-xin bạch hầu cho các nhóm tuổi.
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, tại hai huyện Đam Rông và Bảo Lâm, giáp ranh với các ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông, để phòng dịch lây lan, trước khi chưa phát hiện ca bệnh tại địa phương, ngành y tế đã tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngành đã yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn chủ động điều tra dịch tễ học, tiêm chủng, tiêm vét và lập danh sách các trường hợp chưa tiêm chủng ở những xã giáp ranh vùng dịch để bổ sung dự phòng; hệ dự phòng phối hợp Trung tâm Y tế huyện Đam Rông, Bảo Lâm rà soát tất cả các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ để có phương án phòng, chống hiệu quả.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo ngành y tế tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn. Trong đó, chú trọng những vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao, vùng tiếp xúc với các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk. Đồng thời, tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của Bộ Y tế; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung, đặc biệt là tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế...
Hiện Lâm Đồng đang khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh “kép” bạch hầu và Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; không chủ quan, lơ là, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định tạm dừng hoạt động tám dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm dịch cao, từ 0 giờ, ngày 5-8, gồm các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, rạp chiếu phim, massage, trò chơi điện tử, ca nhạc phòng trà và cơ sở làm đẹp, cho đến khi có thông báo mới.
Tại một diễn biến khác, sáng 5-8, Sở Y tế Lâm Đồng thông tin, đến thời điểm này, địa phương đã thực hiện 178 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp F1 đi về từ vùng dịch và tiếp xúc gần với giám đốc công ty người Nhật Bản (bệnh nhân Covid-19 ở Nhật Bản, báo Nhân Dân điện tử đã thông tin).
Kết quả, tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính. Trong đó, liên quan đến bệnh nhân Covid-19 người Nhật Bản, tất cả 54 mẫu xét nghiệm F1 âm tính; khoảng 500 trường hợp F1, F2 đã được giám sát cách ly y tế.
MAI VĂN BẢO (NDĐT)