TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Tồn 150.000 liều vaccine sẽ hết hạn trong tuần tới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 20.6, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn gần 240.000 liều vaccine sẽ hết hạn trong tháng 7. Hơn một nửa trong số đó chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng 1 tuần nữa. Ngành Y tế địa phương đang gấp rút thực hiện tiêm vét để đảm bảo tiến độ, tránh lãng phí.
Tiến độ tiêm chậm
Theo số liệu báo cáo của Sở Y tế Lâm Đồng, tính đến ngày 20.6, tổng số lượng chưa tiêm trên địa bàn tỉnh (mũi nhắc lại lần 1, lần 2 và liều cho trẻ em từ 5-12 tuổi) vẫn còn 972.774 liều.
Theo đó, tỉ lệ bao phủ vaccine liều nhắc lại lần 1 cho đối tượng trên 18 tuổi trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 48,6%, liều nhắc lại lần 2 đạt tỉ lệ rất thấp với 10,8%.
Lâm Đồng cũng bắt đầu triển khai tiêm cho trẻ em từ 5-12 tuổi vào cuối tháng 5 vừa qua nhưng đến nay, tiến độ cũng rất chậm. Tỉ lệ bao phủ mũi 1 trong nhóm đối tượng này mới đạt 55,1% và mũi 2 gần như không đáng kể khi chỉ có 0,39%.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và tránh tuyệt đối việc phải tiêu huỷ vaccine do hết hạn sử dụng, ngành y tế Lâm Đồng đã phối hợp với sở, ban, ngành, chính quyền các cấp... tuyên truyền, vận động nhân dân đi tiêm phòng vaccine, tổ chức nhiều điểm tiêm chủng và duy trì các điểm tiêm hoạt động hàng ngày (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật).
Tuy nhiên, theo phản ánh của cán bộ tiêm chủng tại hầu hết các điểm tổ chức tiêm, số lượng người dân đi tiêm hiện nay rất ít. Có những điểm, nhiều ngày liền chỉ có vài chục trường hợp rải rác trong ngày khiến công tác tiêm chủng không đạt hiệu quả.
 
 Các điểm tiêm chủng ở Đà Lạt vắng vẻ trong những đợt tiêm gần đây.
Các điểm tiêm chủng ở Đà Lạt vắng vẻ trong những đợt tiêm gần đây.
Bác sĩ Phan Thành Trung - trưởng Trạm Y tế phường 9, TP.Đà Lạt cho biết: “Địa bàn phường 9 với đặc thù là dân số rất đông và gần như 100% số dân trên 18 tuổi đều đã được tiêm đến mũi 3. 
Tuy nhiên, khi triển khai tiêm mũi 4 thì người dân hầu như không mấy mặn mà nữa. Trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục đến hơn 100 liều được tiêm. Cuối tuần cao hơn một chút cũng chỉ đạt 200-300 liều.
Với tiến độ này thì chúng tôi cũng rất lo là không kịp tiêm hết số liều được cấp mà để hết hạn sử dụng, phải tiêu huỷ thì cực kỳ lãng phí.”
Có mặt tại điểm tiêm trường THPT Hermann Gmeiner, TP.Đà Lạt khi đã gần trưa, Bà Phạm Thị Thuý Trâm, phường 12, TP.Đà Lạt dẫn con gái và một người cháu hàng xóm đi tiêm chia sẻ: “Phường có lịch tiêm từ cả tháng nay rồi nhưng tôi bận công việc quá chưa mang cháu đi tiêm được. Hôm nay tranh thủ buổi sáng nghỉ sớm một tí để về đưa các cháu đi tiêm.”
Nhiều người bắt đầu chủ quan
Được biết, mặc dù ngành y tế địa phương đã nhắn tin mời tiêm rất nhiều lần nhưng nhiều người dân vẫn không đi tiêm vì nhiều lý do khác nhau.
Trong đó, phần lớn là vì người dân chủ quan do tình hình dịch bệnh đã giảm, hoặc nhiều trường hợp đã nhiễm COVID-19 nên không muốn tiêm. Một số người sau khi tiêm các mũi trước có các tác dụng phụ như sốt, mệt mỏi nên không muốn tiêm các mũi tiếp theo.
 
Triển khai tiêm vaccine cho trẻ 5-12 tuổi tại Lâm Đồng gặp khó một phần vì học sinh nghỉ hè, khó tập trung.
Triển khai tiêm vaccine cho trẻ 5-12 tuổi tại Lâm Đồng gặp khó một phần vì học sinh nghỉ hè, khó tập trung.
Bà N.T.D.A - phường 3, TP.Đà Lạt hiện vẫn chưa tiêm mũi 3 vì cho rằng sau khi tiêm 2 mũi vaccine đầu thì thấy trí nhớ giảm sút, rụng nhiều tóc nên giờ sẽ không đi tiêm mũi nhắc lại và tin rằng 2 mũi là đã đủ phòng bệnh.
Trả lời vấn đề này, Thạc sỹ, bác sĩ Trần Ngọc Trung - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Lâm Đồng khẳng định: “Cho đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ một tài liệu y văn nào nói rằng tác dụng phụ của vaccine có gây giảm trí nhớ hay rụng tóc... 
Vậy nên người dân cần hết sức sáng suốt vì vaccine chỉ có hiệu quả tốt nhất trong 3-6 tháng. Sau đó thì kháng thể phòng bệnh gần như giảm rất nhiều nên việc tiêm mũi nhắc lại là hết sức cần thiết để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh cho bà con và đạt được miễn dịch cộng đồng trong tình hình dịch bệnh vẫn chưa được giải quyết triệt để.”
Để đảm bảo kế hoạch tiêm chủng đã đề ra, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các địa phương lập danh sách những đối tượng chưa tiêm theo từng địa bàn gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố để chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể để vận động người dân đi tiêm theo lịch của ngành Y tế. 
Trường hợp không đồng ý tiêm vaccine, yêu cầu người dân ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng mắc bệnh hoặc lây truyền bệnh cho người khác. Đơn vị tiêm chủng không đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để vaccine hết hạn sử dụng thì lãnh đạo đơn vị hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc Sở Y tế.
Theo Phương Nhiên (LĐO)
 
https://laodong.vn/xa-hoi/lam-dong-ton-150000-lieu-vaccine-se-het-han-trong-tuan-toi-1058977.ldo

Có thể bạn quan tâm