Một số nhà đầu tư cho rằng: Mặc dù các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã tiến hành sàng lọc và lên danh sách dự án ưu tiên mời gọi đầu tư nhưng vẫn còn chung chung, trong khi các nhà đầu tư lại cần những dự án thật cụ thể, chi tiết và có tính khả thi. Mặt khác, các tỉnh cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Tiềm năng dồi dào
Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên 5,4 triệu ha, có lợi thế lớn về đất đai với khoảng 1,5 triệu ha đất bazan thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng. Toàn vùng hiện có trên 470 ngàn ha cà phê với sản lượng hàng năm đạt gần 1 triệu tấn; 144 ngàn ha cao su với sản lượng 111 ngàn tấn mủ khô/năm; 236 ngàn ha bắp cho sản lượng 1 triệu tấn; 32 ngàn ha mía với sản lượng khoảng 1,7 triệu tấn; 28 ngàn ha chè có sản lượng 190 ngàn tấn búp tươi và 15,7 ngàn ha hồ tiêu mỗi năm thu hoạch khoảng 39 ngàn tấn...
Sản xuất và chế biến cà phê- một trong những thế mạnh của Tây Nguyên. Ảnh: Đức Thụy |
Tây Nguyên còn là vùng đất lý tưởng để phát triển ngành du lịch, những điều kiện thuận lợi để tạo nên những sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn, thông qua khai thác cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa tộc người.
Về du lịch sinh thái, đây là vùng đất có hệ thống hồ, thác và khu hệ động-thực vật phong phú được nhiều người biết đến. Nhiều tiểu vùng có khí hậu ôn hòa, thích hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng mà Đà Lạt là một trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Ngoài ra, Tây Nguyên còn là nơi có tiềm năng lớn về du lịch văn hóa, với một hệ thống các buôn làng cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số, còn giữ được những đặc điểm cấu trúc, sinh hoạt, ngành nghề thủ công truyền thống và hàng chục lễ hội đặc sắc có ở hầu hết các dân tộc mà du khách muốn tìm hiểu, khám phá.
Thu hút đầu tư còn hạn chế
Những năm qua, tình hình thu hút đầu tư vào Tây Nguyên đã đạt được kết quả bước đầu. Đáng chú ý là sau khi tổ chức “Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2009” tại Buôn Ma Thuột, các nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên tăng mạnh. Cụ thể, từ tháng 9-2009 đến hết tháng 6-2011, tổng vốn đầu tư vào vùng Tây Nguyên đạt 89.245 tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 35.500 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với những năm trước đó (khoảng 16.000 tỷ đồng/năm).
Cũng trong 2 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 10.380 tỷ đồng, trong đó, tỉnh Đak Lak có 7 dự án với tổng số vốn đăng ký 3.104 tỷ đồng và có 12 dự án cam kết đầu tư với tổng số vốn 7.412 tỷ đồng; tỉnh Kon Tum đã có 2 dự án với tổng số vốn đăng ký 2.222 tỷ đồng và 1 dự án cam kết đầu tư với số vốn 700 tỷ đồng; tỉnh Đak Nông có 5 dự án với tổng số vốn đăng ký 2.395 tỷ đồng; tỉnh Gia Lai có 2 dự án và đến nay đã đi vào hoạt động với số vốn thực hiện là 150 tỷ đồng và tỉnh Lâm Đồng có 4 dự án với tổng số vốn đăng ký là 2.501 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 13 dự án cam kết đầu tư vào các tỉnh trong khu vực với tổng số vốn đăng ký 8.110 tỷ đồng. Các dự án đầu tư ở khu vực Tây Nguyên tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: Chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, trồng rừng, trồng cao su, đầu tư vào lĩnh vực du lịch, giáo dục, y tế…
Về lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến hết tháng 8-2011, các tỉnh Tây Nguyên thu hút được 149 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 808 triệu USD, chiếm 20,52% về số dự án và 3,42% về tổng vốn đăng ký của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Đánh giá về hoạt động đầu tư tại các tỉnh Tây Nguyên, ông Trần Việt Hùng-Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: Công tác xúc tiến đầu tư tại Tây Nguyên vẫn còn một số khó khăn. Tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên tổ chức tại Buôn Ma Thuột, đã có 19 dự án với số vốn hơn 10.600 tỷ đồng được ký kết giữa UBND các tỉnh Tây Nguyên với các nhà đầu tư nhưng số dự án nhà đầu tư quan tâm và cam kết đầu tư chỉ thực hiện đạt khoảng 30% tổng dự án kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, việc triển khai đưa các dự án đã cam kết đi vào hoạt động còn rất chậm, chỉ đạt khoảng 42%. Hơn nữa, số lượng và quy mô các dự án còn nhỏ, công nghệ lạc hậu, sử dụng ít lao động và chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị…
Giải pháp nào?
Để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư cho khu vực Tây Nguyên, nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về hạ tầng giao thông. Bởi lẽ hiện nay mạng lưới giao thông chưa đáp ứng hoạt động vận tải một lượng khổng lồ nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Một số nhà đầu tư cho rằng: Mặc dù các tỉnh đã tiến hành sàng lọc và lên danh sách dự án ưu tiên mời gọi đầu tư nhưng vẫn còn chung chung, trong khi các nhà đầu tư lại cần những dự án thật cụ thể, chi tiết và có tính khả thi. Mặt khác, các tỉnh cũng cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Chính những yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng thu hút đầu tư của các tỉnh Tây Nguyên so với những vùng khác.
Bên cạnh đó, để tạo ra sức mạnh đồng bộ trong công tác xúc tiến đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: Các tỉnh Tây Nguyên nhất thiết phải cùng xây dựng chiến lược quy hoạch từng ngành, vùng sản xuất cho hợp lý. Ngoài sự nỗ lực của các tỉnh, các bộ ngành cũng cần hỗ trợ Tây Nguyên trong việc đầu tư có trọng điểm về cơ sở hạ tầng. Bộ Giao thông-Vận tải cần nghiên cứu và kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư vào các trục giao thông trọng điểm để sớm tạo ra một mạng lưới giao thông huyết mạch trong khu vực, tạo động lực mới cho Tây Nguyên. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chủ động trong việc kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT để từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông. Đặc biệt, để Tây Nguyên sớm lọt vào “tầm ngắm” của các nhà đầu tư, Chính phủ và các bộ ngành sớm tạo điều kiện để hỗ trợ xây dựng một cơ chế riêng trong thu hút đầu tư.
Công Luận