Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện khá phổ biến trên thị trường khiến nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp kinh doanh hàng chính hãng đau đầu còn người tiêu dùng thì hoang mang. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn chặn thì vẫn là câu hỏi lớn.
Nhìn bề ngoài 2 gói băng vệ sinh này giống hệt nhau, người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là hàng thật hàng giả. Ảnh: Lê Lan |
Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo của Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Gia Lai, được biết: Hiện quy định xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn còn đang dự thảo và chế tài xử lý vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi. Ngay cả định nghĩa về hàng giả cũng chưa đi đến một quan điểm thống nhất. Chính vì vậy, rất khó xử lý đối với vấn nạn này một cách triệt để. Tại tỉnh ta, dù đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành nhiều đợt kiểm tra hàng giả, hàng nhái nhưng do người buôn bán thường ở huyện, vùng sâu, vùng xa và bán với số lượng nhỏ lẻ, quá ít để lập biên bản vi phạm hành chính nên chủ yếu là phạt cảnh cáo, yêu cầu chủ tiệm tiêu hủy và cam kết không được tiếp tục kinh doanh mặt hàng đó nữa.
Giải pháp này xem ra quá “nhẹ”, vì thế hàng giả, hàng nhái vẫn có đất sống và người tiêu dùng vẫn là người chịu nhiều thiệt hại.
Lê Lan