Kinh tế

Làm gì để cùng thắng trong kinh doanh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Những con số trên cho thấy vai trò lớn lao của các DNVVN trong cơ cấu nền kinh tế quốc gia.

Nhưng trong thực tế, khối kinh tế khổng lồ này vẫn chật vật trong nhiều khâu, bị nghẽn ở nhiều đoạn và chưa thật sự được tháo gỡ những vướng mắc để có thể hoạt động một cách thông thoáng. Mới đây, Luật Hỗ trợ DNVVN đã có hiệu lực nhưng chưa thật sự đi vào cuộc sống, chưa thật sự phát huy tác dụng hỗ trợ cho cả cộng đồng DNVVN.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Nói tới hoạt động của doanh nghiệp là phải nói tới ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Khi một doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội than là phải vay vốn “tín dụng đen” để hoạt động, thì thật lòng, người ta không biết doanh nghiệp ấy sẽ hoạt động như thế nào? Mà không chỉ doanh nghiệp này, khả năng tiếp cận tín dụng của DNVVN qua hệ thống các ngân hàng thương mại hiện vẫn rất hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ dư nợ cho DNVVN chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017. Đây là con số quá ít và không tương xứng với khối kinh tế này.

Người ta hay nói, phải cùng “nhìn về một hướng” thì mới có sự đồng thuận trong công cuộc xây dựng một sự nghiệp chung. Nếu hệ thống DNVVN không cùng nhìn về một hướng, là hướng phát triển vì sự phồn vinh của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có lợi ích của riêng mình; nếu tất cả các tổ chức, cơ quan chức năng không thật sự nhìn về một hướng là phục vụ cho sự phát triển của các DNVVN để đưa nền kinh tế Việt Nam vươn tới những tầm cao hơn, thì DNVVN không thể nào phát triển. Nếu hàng năm có hàng trăm ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp, thì cũng có gần một nửa trong số ấy phá sản vì rất nhiều lý do. Trong nhiều lý do ấy, có những lý do thuộc về cơ chế, thuộc về ngân hàng hay các tổ chức tín dụng, thuộc về sự sách nhiễu hay phiền hà của những cơ quan công quyền lẽ ra phải phục vụ cho sự phát triển các doanh nghiệp.

Ngân hàng không thể để mất vốn, không thể để nợ cho vay biến thành nợ xấu, nhưng vì sự tồn tại của mình, cũng không thể “ôm vốn ngồi không”. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng cũng có khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các DNVVN khi cho vay vốn vì không có thông tin đầy đủ về doanh nghiệp, không kiểm soát được quá trình mua bán, thanh toán hàng hóa dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay. Trong khi đó, bản thân các tổ chức tín dụng khi cho vay cũng cần phải thẩm định đầy đủ các điều kiện của các doanh nghiệp để đảm bảo an toàn vốn.

Như vậy, việc tìm đến nhau phải từ hai phía, và phía nào cũng phải tạo những thuận lợi tối đa cho phía kia làm việc, là điều hết sức cần thiết. Đây không phải là cơ chế “xin-cho” nên rất cần sự đồng đẳng trách nhiệm, dẫn tới sự đồng đẳng quyền lợi.

Về phía các tổ chức tín dụng, hiện vẫn chưa có các sản phẩm dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNVVN. Sản phẩm của các tổ chức tín dụng cũng chưa đa dạng, linh hoạt, thủ tục lại rườm rà, phức tạp nên doanh nghiệp rất e ngại khi tiếp cận.

Cùng nhìn về một hướng, đó là phương cách để DNVVN cùng các ngân hàng, tổ chức tín dụng gặp nhau và tìm được những phương án tối ưu, tạo cơ sở cho nhau cùng thắng (win-win) trong kinh doanh.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm