Kinh tế

Làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất khẩu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lâu nay, nông sản luôn chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của nước ta, nhiều loại nông sản đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường khu vực và thế giới như: Gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, chè, trái cây, rau quả... Hiện tại nông sản có xuất xứ từ nước ta đã có mặt trên thị trường của 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều mặt hàng đã vượt qua kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD như gạo, cà phê...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đáng lẽ, với thế mạnh của các loại nông sản nhiệt đới, thị trường rộng mở như thế, xuất khẩu nông sản phải đạt được hiệu quả cao đem lại nguồn thu lớn cho nông dân và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Thế nhưng thực tế lại không như mong muốn, thu nhập của người sản xuất nông sản rất thấp, thậm chí càng đầu tư sản xuất càng thua lỗ do điệp khúc “được mùa rớt giá”, mất mùa, bị ép giá... Theo con số khảo sát mới đây của ngành chức năng, thu nhập bình quân của người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới chỉ đạt 400-450 USD/năm, không tương xứng với công sức và chi phí đầu tư bỏ ra. Trong khi mức lợi nhuận thu được của người sản xuất theo tiêu chí phấn đấu mà Chính phủ mới đưa ra là 30-40% quả là còn lâu mới đạt được.
Người sản xuất đã vậy, còn các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thì sao? Không ít giám đốc các doanh nghiệp khi trao đổi vấn đề này với chúng tôi, không khỏi lo ngại trước tình trạng bấp bênh của kinh doanh xuất khẩu nông sản, luôn phải đối mặt với rất nhiều rào cản thương mại, đành phải chạy theo số lượng, mượn thương hiệu người khác, qua rất nhiều khâu chi phí trung gian nên hiệu quả xuất khẩu thực tế không cao. Việc xuất thô các loại nông sản, chạy theo số lượng, ít quan tâm chất lượng cũng đang làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản có nguy cơ giảm mạnh trên thị trường.
Sau khi đã là thành viên của WTO, nhiều ưu đãi và hàng rào bảo hộ được dỡ bỏ, nông sản cùng loại giá rẻ của các nước làm mưa làm gió trên thị trường; nóng sốt nhất thời gian gần đây là gạo, đường, trái cây giá rẻ của Campuchia, Thái Lan tràn ngập vựa lúa Nam bộ; trái cây, hoa quả Trung Quốc xâm chiếm thị trường phía Bắc. Thậm chí, nhiều mặt hàng nông sản của ta được lái buôn nước ngoài thu mua về đóng nhãn mác rồi bán trở lại thị trường nước ta. Nếu không thay đổi nhanh lối mòn sản xuất kinh doanh lâu nay thì nông sản nước ta có nguy cơ thua ngay trên sân nhà và thực tế đã chứng minh điều này.
Vậy lối mòn trong sản xuất nông sản lâu nay là gì? Đó là tình trạng thiếu quy hoạch, mạnh ai người ấy làm, các địa phương cũng đua nhau làm bất chấp quy luật cung cầu và dự báo thị trường tiêu thụ. Người nông dân thấy loại cây trồng gì có lợi trước mắt là nhân rộng ồ ạt mà ít quan tâm đến chất lượng. Thế mới có chuyện cười ra nước mắt, trên mảnh đất của mình chỉ trong một thời gian ngắn có người đã phá mía trồng mì, rồi phá mì trồng điều, phá điều trồng tiêu để cuối cùng nhận hậu quả... tiêu điều. Thêm vào đó vì chạy theo lợi nhuận mùa vụ trước mắt nên các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu tìm mọi cách thu mua cho đủ số lượng với giá rẻ mà bỏ qua nhiều khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng đối với các loại hàng hóa nông sản. Chính do chất lượng không cao nên buộc các doanh nghiệp phải núp bóng thương hiệu nước khác để xuất thô nông sản.
Mặc dù thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chương trình hành động thiết thực để gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản như: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hình thành các chợ đầu mối nông sản, hội chợ trái cây, xúc tiến tìm kiếm thị trường, xây dựng sàn giao dịch nông sản... Nhờ vậy mà nhiều loại nông sản Việt Nam đã được thị trường biết đến như: Cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Hoàng Hậu- Bình Thuận, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, Hoàng Gia, Phúc Trạch, hồ tiêu Chư Sê... Tuy nhiên muốn xuất khẩu nông sản hiệu quả và bền vững thì những giải pháp ấy là cần nhưng chưa đủ mạnh để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản. Muốn cạnh tranh được trên thị trường, thì tiêu chí hàng đầu của các loại nông sản phải đạt được là: Ngon-sạch-đẹp-rẻ (chất lượng-vệ sinh an toàn thực phẩm- mẫu mã- giá thành). Thế nhưng lâu nay, ta chỉ chú trọng sản xuất kinh doanh những gì mình đang có với khối lượng lớn mà hiệu quả thấp, chất lượng kém mà giá thành cao.
Để khắc phục được những hạn chế này, cần phải có những giải pháp đồng bộ trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, nhà khoa học và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản. Trong đó, quan trọng nhất là đẩy nhanh tiến độ chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như công nghệ sản xuất sơ chế ban đầu cho nông dân để họ thực sự là những công nhân nông nghiệp. Tập trung đầu tư vào khâu nhân chọn giống, hình thành nên những trung tâm giống nông sản chất lượng cao phù hợp với điều kiện của từng vùng miền. Mạnh dạn chuyển đổi những loại giống kém chất lượng, kể cả những loại giống cho năng suất cao nhưng chất lượng kém. Có chính sách đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ sơ chế, thu mua, bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Nhà nước cần sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để các doanh nghiệp cũng như người sản xuất nông sản lấy đó làm mục tiêu phấn đấu trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hơn nữa chương trình xây dựng thương hiệu cho các loại hàng hóa nông sản, coi thương hiệu như một điều kiện bắt buộc đối với sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Không ngừng xúc tiến tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu để hạn chế những rủi ro không đáng có khi một số thị trường truyền thống gặp khó khăn...
Làm tốt những giải pháp này, không chỉ góp phần nâng cao uy tín và chất lượng hàng hóa nông sản mà còn là giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản tương xứng với tiềm năng thế mạnh của nông sản nước ta.
Ngô Minh Thuyên

Có thể bạn quan tâm