Pháp luật

Tin tức

Làm gì để ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai luôn chú trọng thông tin nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về hôn nhân và gia đình, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Nhiều hoạt động truyền thông ý nghĩa
Trước đây, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra phức tạp tại làng Mơ Nú, xã Chư Á, TP. Pleiku. Riêng năm 2019, làng có 25 trường hợp tảo hôn. Từ thực tế trên, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Phòng-chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại làng Mơ Nú. Chị H’Hanh-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Mơ Nú-cho hay: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tảo hôn là tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, tâm lý sớm có người nối dõi hoặc có thêm nhân công lao động… cũng là lý do dẫn đến tảo hôn. Tuy nhiên, từ khi CLB “Phòng-chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” đi vào hoạt động, tình trạng này được hạn chế dần”. 
Cụ thể, qua các buổi sinh hoạt CLB, chị em đã ý thức hơn trong việc chung tay xóa bỏ tập tục, nhất là nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Bà Trương Thị Hương-Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Á-cho biết: “Thành viên CLB hầu hết có con dưới 18 tuổi. Chị em được trang bị kiến thức, kỹ năng để tuyên truyền, vận động con em mình và người làng không kết hôn khi chưa đủ tuổi. Nhờ đó, năm 2021, làng Mơ Nú chỉ còn 15 trường hợp tảo hôn. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ở các làng còn lại”.
Cán bộ Hội LHPN xã Chư Á (TP. Pleiku) xuống làng Mơ Nú tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ảnh: Trần Dung
Cán bộ Hội LHPN xã Chư Á (TP. Pleiku) xuống làng Mơ Nú tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ảnh: Trần Dung
Với đặc thù có gần 100% hội viên, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, Hội LHPN xã Ia Phí (huyện Chư Păh) đã pháy huy vai trò, tiếng nói của chị em trong gia đình để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Ngoài việc thành lập 2 CLB “Phòng-chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” với 44 thành viên thì Hội LHPN xã cũng thường xuyên cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng-chống bạo lực gia đình; tổ chức cho các gia đình, dòng họ ký cam kết không để con em kết hôn khi chưa đủ tuổi; không kết hôn cận huyết thống... Đặc biệt, xã kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. “Bên cạnh tổ chức lớp tập huấn kiến thức phòng-chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi còn phối hợp với các đoàn thể ở địa phương tiến hành xử phạt những trường hợp vi phạm. Từ đầu năm đến nay, xã đã xử phạt 6 trường hợp tảo hôn. Nhờ đó, giúp hạn chế phần nào tình trạng tảo hôn”-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Phí Rơ Châm Yeoh-chia sẻ.
Hiện nay, huyện Chư Păh có 9 CLB “Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” với 202 thành viên. Bà Trần Thị Diệu Linh-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện-cho biết: Hội thường xuyên cấp phát tờ rơi bằng 2 thứ tiếng Jrai, Bahnar làm tài liệu tuyên truyền; tổ chức nhiều hoạt động phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho hội viên và người dân; xây dựng tủ sách pháp luật để kịp thời cập nhật và triển khai các văn bản, trong đó có sách phòng-chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết; dán tranh cổ động, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các khu dân cư… 
Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn
Sau 4 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn 2017-2021, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ, trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời, tập huấn kỹ năng cho 280 phụ nữ là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Riêng năm 2021, toàn tỉnh thành lập mới 42 mô hình, CLB với 1.181 thành viên (trong đó có 19 CLB “Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống”). Các cấp Hội còn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn thư, tư vấn pháp luật, hỗ trợ tâm lý và cung cấp đường dây nóng để kịp thời giải quyết các vấn đề của phụ nữ và trẻ em gái tại cộng đồng... Ngoài ra, phối hợp với ngành chức năng tổ chức hội thảo bàn các giải pháp chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; trưng bày bộ tranh sản phẩm truyền thông công tác Hội với thông điệp “Bình yên và hạnh phúc cho phụ nữ và trẻ em”, đề xuất UBND các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Năm 2021, Hội LHPN tỉnh thành lập mới 19 CLB Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống. Ảnh: Trần Dung
Năm 2021, Hội LHPN tỉnh thành lập mới 19 CLB "Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống". Ảnh: Trần Dung
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được các đơn vị chú trọng với hình thức phong phú. Ngoài việc sử dụng các kênh truyền thông truyền thống như truyền hình, phát thanh, báo viết, các cấp Hội LHPN còn sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook; xây dựng tài liệu tuyên truyền với hơn 245.000 bộ ảnh truyền thông, băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, cẩm nang… Đồng thời, phối hợp xây dựng 96 chuyên mục truyền hình phụ nữ và cuộc sống, đưa 576 tin, bài có nội dung liên quan đến bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trên trang thông tin điện tử của ngành, trung ương, địa phương. Phối hợp với Viettel Gia Lai gửi tin nhắn triển khai thực hiện phát động thực hiện chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội” đến 38.588 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với P.V, bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-nhấn mạnh: “Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng dân cư nhằm giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn tỉnh, thời gian tới các cấp Hội phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về hệ lụy của vấn nạn này. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ phụ nữ là cộng tác viên dân số; biểu dương những tập thể, cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình; xây dựng các mô hình can thiệp giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các thôn, làng và nhân rộng CLB “Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm