TN - Đất & Người

Làm giàu nhờ trồng cây "quốc bảo"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phát triển rừng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng đang là các giải pháp trọng tâm được các cấp, ngành ở tỉnh Kon Tum tích cực triển khai đồng bộ và toàn diện, thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ việc giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân, cách làm này đang từng bước hiện thực hóa chiến lược quản lý rừng bền vững.

 
 Công nhân Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum chuẩn bị cây sâm giống để đem đi trồng.
Công nhân Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum chuẩn bị cây sâm giống để đem đi trồng.


Tích cực trồng rừng

Theo chân anh A Liêm (thôn Đắk Manh 1, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum), chúng tôi đến cánh rừng thông mà gia đình anh nhận giao khoán. Cả rừng thông 5 ha phát triển xanh tốt hiện ra trước mắt, với đường kính trung bình mỗi cây khoảng 9-10 cm. Anh A Liêm cho biết: "Gia đình mình nhận hợp đồng trồng thông với Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô từ năm 2014. Công ty đầu tư phân bón, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho mình. Trong bốn năm đầu khi xuống giống, tùy vào sự phát triển của cây, mình nhận được từ 25-30 triệu đồng/ha/năm. Đến khi cây cao tầm 5 m, mình nhận giao khoán quản lý, bảo vệ 5 ha rừng thông này cho đến nay. Bên cạnh việc có thêm thu nhập, từ năm thứ 12 trở đi, gia đình mình sẽ tiến hành khai thác nhựa thông với sản lượng bình quân ước đạt 500 kg-1 tấn/ha/năm".

Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô Vũ Văn Cương cho biết: Qua công tác trồng rừng, phát triển rừng cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình được hưởng chi phí trực tiếp các công đoạn lâm sinh trồng và chăm sóc rừng trồng bốn năm. Từ năm thứ 5 trở đi, người dân được hưởng 50% tiền dịch vụ môi trường rừng và được hưởng 100% tiền khai thác nhựa thông. Về lâu dài, khi khai thác sản phẩm chính là gỗ thông thì tùy vào việc giữ rừng tốt thì sau khi trừ chi phí, người dân có thể được hưởng từ 40-50% doanh thu.

Hiện nay, Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô đang được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và đất rừng với tổng diện tích gần 30 nghìn ha; trong đó, khoảng 22.000 ha diện tích rừng tự nhiên; 3.000 ha diện tích rừng trồng; đất trống và đất khác chưa có rừng là gần 4.000 ha. Từ năm 2014 đến nay, công ty đã trồng mới và chăm sóc đạt hơn 1.000 ha rừng trồng thông ba lá. Để thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao công tác quản lý, bảo vệ rừng, công ty đã tổ chức ba chốt bảo vệ chuyên trách, 40 chốt bảo vệ rừng cộng đồng vào mùa khô. Khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 40 cộng đồng các thôn-làng và 44 lượt nhóm hộ với tổng diện tích đạt gần 10 nghìn héc-ta.

Trồng cây "quốc bảo"

Cuộc sống dưới chân núi Ngọc Linh, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông giờ đây thật sự đổi thay nhiều so trước. Bên cạnh những căn nhà sàn nằm cheo leo bên sườn núi, giờ đã có thêm nhiều ngôi nhà xây kiên cố, một số nhà xây dở đang được gia chủ hoàn thiện. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có xe máy, ti-vi, tủ lạnh, sắm sửa nhiều vật dụng mới mà trước đây trong mơ họ cũng không dám nghĩ tới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân đang ngày càng được cải thiện, xuất hiện nhiều hộ khá giả, thậm chí trở thành hộ giàu, tất cả đều là nhờ hoạt động bảo vệ rừng và trồng "quốc bảo" - sâm Ngọc Linh.

Buổi sáng, dưới tán rừng già, anh A Linh, người dân tộc Xơ Đăng ở làng Pu Tá, xã Măng Ri, cùng vợ mình đang bó những cây sâm giống lại thành bó bằng lá chuối để đem đi trồng ở khu rừng mà anh chị đã chọn. Anh chia sẻ, bản thân làm công nhân tại Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5. Với mức lương 5 triệu đồng/tháng, cùng với thu nhập của vợ cũng đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình. Anh Linh phấn khởi chia sẻ thêm: "Mỗi năm, gia đình mình và nhiều gia đình khác đều được công ty hỗ trợ miễn phí cho 100 cây giống để trồng, phát triển kinh tế. Dự kiến giữa năm sau, lứa sâm trồng từ đầu của mình thu hoạch được rồi".

Anh Trần Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 nhớ lại: Hơn 20 năm về trước, anh cùng các cộng sự phải băng rừng, lội suối, lặn lội đến từng nhà, tuyên truyền để bà con hiểu ý nghĩa to lớn của việc bảo vệ rừng; tranh thủ những người có uy tín tại các thôn, làng để vận động không phát rừng làm rẫy, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển cây sâm quý hiếm chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh này. Đến nay, công ty đã tạo công ăn việc làm cho hơn 300 công nhân, chủ yếu là bà con người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, xã Tê Xăng và Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Sâm Ngọc Linh hoàn toàn được trồng tự nhiên trên rừng, không có bất kỳ tác động nào của các loại thuốc, phân trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Chính vì trồng tự nhiên nên việc trồng sâm chủ yếu tốn nhiều công nhổ cỏ, tủ mùn, bảo vệ ngăn kẻ gian, chuột, chim phá hoại. Sâm Ngọc Linh thường phải từ 8-10 năm mới thu hoạch để bảo đảm giá trị dinh dưỡng.

Theo ông A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, lá và gỗ mục trong rừng sẽ trở thành phân bón giúp cây sâm sinh trưởng. Tán rừng như một máy điều hòa khổng lồ tạo nhiệt độ thích hợp cho cây sâm phát triển. "Với giá trị lên đến hơn 100 triệu đồng/kg sâm tươi, người dân xem rừng như báu vật, ra sức giữ gìn. Cũng bởi vậy, người dân sống dưới chân núi Ngọc Linh luôn cố gắng giữ rừng để trồng sâm với ước mơ đổi đời, nhờ đó không còn cảnh chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy nữa" - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri nhấn mạnh.

Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, địa phương hướng đến mục tiêu phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm, sớm đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và hướng tới khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.100 hộ và nhóm hộ, tám doanh nghiệp phát triển cây sâm Ngọc Linh với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Diện tích sâm này trồng hoàn toàn dưới tán rừng tự nhiên trên núi Ngọc Linh, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông. Năm 2022, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu trồng mới 500 ha sâm Ngọc Linh.

 

Theo Bài và ảnh: Phúc Thắng (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm