Kinh tế

Làm giàu trên vùng biên cương của Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi tìm đến nhà chị Siu Loan (ở làng Ngol Le 2, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) vào một buổi chiều. Trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, chị cho biết: “Trước đây, hoàn cảnh của mình cũng khó khăn lắm. Có đất mà không biết cách sản xuất nên làm mãi mà vẫn túng thiếu. Tuy nhiên, từ khi tham gia các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp, mình đã biết cách để làm giàu."

Hiện nay, gia đình mình có 1,8 ha lúa nước, 1 ha cà phê kinh doanh và hơn 1,5 ha cao su. Ngoài ra, mình còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập. Bằng sự nỗ lực của bản thân, mỗi năm gia đình mình tích lũy gần 300 triệu đồng.
 

Mô hình vườn tiêu hộ gia đình do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh xây dựng. Ảnh: V.H
Mô hình vườn tiêu hộ gia đình do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh xây dựng. Ảnh: V.H

Ông Tăng Văn Thường (ở tổ dân phố 7, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hải Dương. Hơn 10 năm trước, ông chọn mảnh đất Chư Ty lập nghiệp. Bằng sự nỗ lực của bản thân cùng với sự giúp đỡ của địa phương, giờ đây, ông đã trở thành một nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của huyện Đức Cơ. Hiện gia đình ông có 14 ha cao su, 2 ha hồ tiêu và hơn 1,5 ha cà phê. Mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, ông còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương 4,5-5 triệu đồng/tháng và tạo việc làm theo thời vụ cho hơn 10 lao động.
 

Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Đức Cơ, giai đoạn 2014-2016, toàn huyện có 6.538 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua kết quả xét duyệt, có 4.291 hộ đạt danh hiệu này.

Hiện nay, nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Đức Cơ không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn hướng dẫn các hộ nông dân trong thôn, xóm biết áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng hiệu quả các loại phân bón, nước tưới nhằm giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, họ còn mạnh dạn cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lấy lãi và hỗ trợ cây giống, vật nuôi để sản xuất. Ông Phạm Tiến Văn (ở thôn Ia Nhú, xã Ia Nan) là một điển hình. Ngoài giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, ông luôn giúp đỡ bà con trong thôn phát triển kinh tế. Ông tâm sự: “Mình có 14 ha cây trồng các loại, kinh tế khá hơn nên phải giúp đỡ những hộ khác. Mỗi năm, tôi cho những hộ nghèo trong thôn mượn 15- 45 triệu đồng để mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật”.

Thời gian qua, huyện Đức Cơ đã xây dựng các mô hình phát triển sản xuất dành cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2014 đến 2016, toàn huyện đã triển khai 54 mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp nông dân giảm nghèo như: mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê và tiêu; mô hình ghép cải tạo cây cà phê vối; mô hình làm hầm Biogas… Trong 3 năm (2014-2016), huyện đã mở 46 lớp tập huấn về chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây trồng; tổ chức hơn 30 buổi hội thảo về cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua tập huấn, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến sản xuất hàng hóa bền vững và phù hợp với nhu cầu thị trường.

Mặt khác, công tác đào tạo nghề cũng được huyện chú trọng. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, đã có 34 lớp đào tạo nghề được mở tại huyện với hơn 1.570 lao động. Ngoài ra, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn sản xuất cho nông dân, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho 2.403 hộ nông dân vay hơn 80 tỷ đồng để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn, ông Võ Minh Khôi-Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Những năm qua, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện đã phát triển mạnh. Chính phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và làm cho vùng biên thêm ấm no, hạnh phúc.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm