TN - Đất & Người

Làm giàu từ "chất lính"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Đỗ Quốc Cường (thôn 4, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) đã gây dựng kinh tế gia đình theo mô hình vườn-ao-chuồng. Bằng sự nỗ lực của bản thân cộng với chất lính Cụ Hồ cần cù, chịu khó, chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã sở hữu là một trang trại đáng để nhiều người thán phục.

 Đàn heo của Cường đang sinh trưởng rất tốt. Ảnh: Mai Ka
Đàn heo của Cường đang sinh trưởng rất tốt. Ảnh: Mai Ka

Nụ cười tươi tắn, thân thiện, cái bắt tay mạnh mẽ, khỏe khoắn đúng “chất lính”, Đỗ Quốc Cường đón chúng tôi giữa cái nắng của những ngày cuối tháng 3. Vẫn bộ đồ xanh màu lính đã ướt thẫm mồ hôi, Cường vừa dừng tay hái tiêu vừa bắt đầu kể về những ngày đầu xuất ngũ trở về địa phương lập nghiệp.

Với suy nghĩ làm kinh tế nông nghiệp ổn định và lâu dài, Quốc Cường không chỉ chuyên độc canh vào một mô hình cụ thể mà đầu tư theo hướng vườn-ao-chuồng, lấy cây hồ tiêu làm chủ đạo. Bên cạnh đó, phát triển một số cây dài ngày, ngắn ngày khác, đồng thời đào ao nuôi cá và gà thả vườn để lấy ngắn nuôi dài. Anh sử dụng một số diện tích đất để trồng cỏ nuôi bò. Ban đầu, Đỗ Quốc Cường đầu tư 500 cây hồ tiêu và 100 cây cà phê, đến nay anh đã sở hữu 3.000 cây hồ tiêu, 1.000 cây cà phê, 20 con bò, 10 con dê và đàn heo 50 con.

Nói về những thành quả của mình, Quốc Cường mỉm cười: “Cũng đã nhiều lúc gặp khó, loay hoay tìm hướng giải quyết, mình nản chí vô cùng. Nhưng “trong cái khó lại ló cái khôn”, mình quyết tâm tìm hiểu, học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất. Bản thân vốn không ngại khó, ngại khổ từ những ngày tháng trong quân ngũ nên mình ngày đêm tập trung nghiên cứu, đầu tư và tìm phương pháp phát triển phù hợp nhất cho trang trại của mình”. Quãng thời gian mô hình kinh tế của Cường trở về “con số không”, thậm chí bị hụt vốn là vào năm 2015. Hàng loạt trụ tiêu chết rũ do bị úng nước, đàn heo 20 con đang trong độ tuổi sinh sản bỗng lăn ra chết, đàn bò cũng bị bệnh lở mồm long móng… Tất cả đều thất bại đối với chàng trai 27 tuổi.

 

Vườn tiêu của Cường đang trong mùa thu hoạch. Ảnh: Mai Ka
Vườn tiêu của Cường đang trong mùa thu hoạch. Ảnh: Mai Ka

Không chịu khuất phục trước khó khăn, Quốc Cường chấp nhận làm lại từ đầu. Anh quyết định vay vốn ngân hàng và những người thân quen để đầu tư tiếp cho trang trại của mình. Với Cường lúc này, ý chí và nghị lực là điều quan trọng hàng đầu. Không có nhiều kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, tất cả những gì người thanh niên ấy có chỉ là sức trẻ với sự cần cù, chịu khó. Thời gian đầu, Cường phải nỗ lực nghiên cứu rất nhiều các tài liệu về mô hình vườn-ao-chuồng, đồng thời tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của những người đi trước để trau dồi thêm kiến thức. Bằng tinh thần ham học hỏi, Cường luôn tư duy phải làm sao thay đổi cách làm so với phương pháp truyền thống, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để có năng suất cao nhất. Theo phương châm “tích lũy từ ít thành nhiều”, Quốc Cường đã tận dụng đất để trồng cỏ nuôi bò, trồng rau nuôi heo, gà và đào ao để thả cá. Phân bò được Cường dùng để bón cho hồ tiêu, cà phê.

Nhờ đầu tư chuồng trại sạch sẽ, áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn, đàn bò và heo, gà của Cường lúc nào cũng khỏe mạnh, chóng lớn. Hiện, 20 con bò, 10 con dê và đàn heo 50 con của Cường đang trong mùa sinh sản. Là một thanh niên trẻ nhưng Quốc Cường đã có thu nhập lên tới 500 triệu đồng/năm. “Ý chí vượt khó làm giàu của Cường ai cũng phải nể phục, nhất là thanh niên ở địa phương. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, Cường còn góp phần tạo công ăn việc làm cho phần lớn lao động trên địa bàn”-anh Võ Công Hòa- Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Sê cho biết.

Mai Ka

Có thể bạn quan tâm