(GLO)- Việc nhà trường khen thưởng học sinh là để khích lệ, tạo động lực cho các em phấn đấu, thi đua không ngừng vươn lên trong học tập. Tuy nhiên, tổng kết năm học mà đa số học sinh trong lớp đều được tặng giấy khen thì lại là chuyện đáng bàn.
Gần đây, trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh có con em đang học tiểu học, bàn luận về việc: Trong lễ tổng kết năm học, lớp con họ có 45 học sinh thì có đến 40 em được nhận giấy khen. Cá biệt, có lớp gần như tuyệt đối 38/40 em được khen thưởng, kể cả những em đạt học lực trung bình cũng được phê là “có cố gắng trong học tập, ý thức tự quản tốt”, “có năng khiếu môn vẽ”, “có tiến bộ trong môn Tiếng Việt” hay kiểu chung chung như “hoàn thành tốt nội dung các môn học”, thậm chí có em với thành tích “có tinh thần tương thân tương ái, giao tiếp hòa nhã với bạn bè”...
Bởi thế mà, bên cạnh niềm vui vì ít ra con mình không bị lạc lõng trong “biển giấy khen” cùng bao lời tán dương thì nhiều phụ huynh cũng tỏ ra ái ngại khi biết học lực của con mình như vậy mà vẫn được khen. Có người thực sự bối rối khi đứng trước những lời khen chung chung trừu tượng, có khi chỉ là vài mặt hoạt động nhỏ ít liên quan đến học tập nên khó nắm bắt được sức học của con mình thế nào để có hướng kèm cặp, bồi dưỡng. Còn với những đứa trẻ, hễ được khen là thấy vui rồi, các em đâu nghĩ được nhiều như người lớn.
Ngoài việc khen thưởng ở trường, những đứa trẻ ấy thêm một lần nữa được nhận phần thưởng khích lệ ở các tổ chức, đoàn thể ở cơ quan của bố mẹ, quỹ khuyến học của dòng họ, thôn xóm… Có chị bạn kể lại với tôi rằng, cứ vào tháng 6, Công đoàn cơ quan chị lại tổ chức gặp mặt, thu giấy khen của học sinh để xét trao thưởng theo các mức: 500.000 đồng cho học sinh giỏi, 300.000 đồng cho học sinh khá, những em đạt giải học sinh giỏi các cấp thì sẽ có phần thưởng đặc biệt hơn.
Song, vài năm trở lại đây, tình trạng “lạm phát” giấy khen thực sự gây nhiều bối rối cho tổ chức, mức thưởng bị cắt giảm, thậm chí quy ra thành những gói quà mang ý nghĩa tượng trưng. Hiện tượng này cũng xảy ra ở các dòng họ có quỹ khuyến học, khi mà số lượng giấy khen không ngừng tăng lên, họ phải sàng lọc, quy đổi kỹ càng nên với những thành tích không quá nổi bật, các cháu chỉ được khen… bằng miệng (!)
Minh họa: LEO |
Vậy khen thưởng thế nào cho đúng? Rõ ràng, đây là một câu hỏi khó. Khó với nhà trường, phụ huynh và cả học sinh. Khi mà thói quen được nhận giấy khen đều đặn mỗi năm, không mặt này thì mặt khác đã ăn sâu vào nếp nghĩ của các em thì việc thay đổi, điều chỉnh sẽ ít nhiều gây ra sự hụt hẫng, nhất là với trẻ nhỏ vô cùng nhạy cảm với những lời khen/chê. Một ngày bỗng dưng không còn được nhận giấy khen nữa, tâm lý trẻ dễ khủng hoảng, dẫn đến thất vọng và hoài nghi.
Khoan vội nói đến việc đúng sai, phù hợp hay chưa phù hợp, nhưng nhìn vào hiện trạng khen thưởng bây giờ, có thể nói nền giáo dục của chúng ta đang có vẻ... cào bằng. Đại đa số học sinh đều được khen, kể cả những em mọi mặt đều trung bình, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cũng cố tìm ra điểm sáng nào đó để… điền vào giấy khen như một sự động viên!
Gần đây, hình ảnh một cậu bé lẻ loi, lạc lõng giữa một “rừng giấy khen” của các bạn cùng lớp đã được lan truyền mạnh mẽ và thực sự thu hút sự chú ý của dư luận. Điểm chung của người lớn khi nhìn vào tấm hình này là sự xót xa, thương cảm trước một đứa trẻ ngây thơ, ngơ ngác, tủi thân và đầy thất vọng. Không biết cha mẹ của em học sinh tội nghiệp ấy sẽ nghĩ gì? Hẳn họ sẽ đau lòng lắm. Chưa cần biết em yếu kém đến thế nào, nhưng khoảnh khắc ấy, bối cảnh ấy thật… tàn nhẫn với một đứa trẻ.
Theo như lời giải thích lan truyền trên mạng xã hội của bà hiệu trưởng một trường tiểu học, sở dĩ có hiện tượng khen thưởng tràn lan như thế là do quy chế khen thưởng hiện nay đã được điều chỉnh so với trước. Thay vì đánh giá theo các mức độ học sinh xuất sắc, giỏi, tiên tiến thì bây giờ khen đại trà kiểu mạnh mặt nào khen mặt đó và việc khen thưởng được xem xét công khai trước tập thể lớp. Vì phụ huynh chưa quen nên ít nhiều có sự hoang mang nhất định.
Một ý kiến khác của một giáo viên tiểu học cho rằng việc đổi mới đánh giá như hiện nay nhằm mục đích giảm áp lực điểm số, thành tích cho các em và cho rằng học lực chỉ là một phần trong sự trưởng thành nên dù được khen ở mặt nào cũng sẽ là nguồn động viên lớn.
Phụ huynh thì ai cũng kỳ vọng vào những đứa con của mình. Vậy còn những đứa trẻ thì sao? Thiết nghĩ, điều quan trọng nhất không phải đến từ những tờ giấy khen, những phần thưởng được nhận, mà phải xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm của người lớn bằng sự đánh giá khách quan, công bằng; xuất phát từ sự hiểu biết cặn kẽ năng lực, tâm lý và tôn trọng những gì thuộc về con em mình. Hãy cứ yêu thương và tin tưởng trẻ, đó chính là nguồn động viên, khích lệ hiệu quả nhất trong quá trình tu dưỡng, phát triển của các em.
NGÔ THẾ LÂM