Pháp luật

Tin tức

Làm thất thoát 10 tỷ đồng, nguyên Chủ tịch UBND huyện hầu tòa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nguyên Chủ tịch UBND huyện và cấp dưới biến đất công thành đất có chủ gây thất thoát hơn 10 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và các thuộc cấp tại phiên tòa sáng 29-11.
Nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và các thuộc cấp tại phiên tòa sáng 29-11.


Ngày 29-11, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Bổng-nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh và 7 bị cáo khác nguyên là cán bộ huyện Kỳ Anh về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương (do Tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư).

7 bị cáo cùng bị truy tố trong vụ án là: Phạm Huy Tường (SN 1961, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường huyện Kỳ Anh); Lê Anh Đức (SN 1981), Hồ Xuân Cường (SN 1958) nguyên cán bộ HĐBT-GPMB huyện Kỳ Anh; Lê Xuân Nghinh (SN 1956, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long); Lê Hữu Diện (SN 1964, nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Long); Lê Quang Hà (SN 1975, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Long); Lê Công Diếu (SN 1956, nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương).

Tại phiên tòa, 6 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, nhưng xét thấy không ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên HĐXX quyết định vẫn tiếp tục phiên tòa.

Theo cáo buộc, từ 2008 đến 2009, trong quá trình thực hiện chủ trương bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Formosa, ông Nguyễn Văn Bổng (thời điểm này giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch HĐBT-GPMB huyện Kỳ Anh) và các đối tượng trên đã cố ý làm trái quy định để hợp thức 72,78 ha đất công không thuộc diện đất được bồi thường thành “đất tranh chấp” và quy chủ cho các hộ dân đứng tên trong hồ sơ bồi thường để hưởng 100% tiền bồi thường đất nông nghiệp.

Hành vi của Bổng và các đồng phạm đã gây thất thoát hơn 10,4 tỷ đồng trong ngân sách bồi thường của dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương do Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Sự việc sau đó bị người dân phát giác, tố cáo. Cơ quan điều tra đã vào cuộc, từ đầu tháng 8 đến 12-2015, lần lượt các đối tượng trên bị bắt giữ và khởi tố.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã truy tố Nguyễn Văn Bổng, Phạm Huy Tường, Lê Hữu Diện, Lê Xuân Nghinh, Lê Quang Hà, Lê Anh Đức về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 10 năm đến  20 năm tù.

Bị cáo Lê Công Diếu và Hồ Xuân Cường bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm d khoản 2 Điều 165 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 3 đến 12 năm.

Dự kiến phiên tòa diễn ra trong hai ngày 29 và 30-11.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm