Làm thế nào để giúp người bị bệnh trầm cảm?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cả bạn bè và người thân của họ. Họ có thể nhìn thấy những tổn thương mà căn bệnh gây ra nhưng lại cảm thấy bất lực hoặc bối rối vì không biết phải làm gì để giúp đỡ.

Có nhiều cách để bạn bè và gia đình có thể giúp đỡ ngời bệnh. Thực ra, bước đầu tiên nhưng đôi khi khó khăn nhất chỉ đơn giản là để cho người đó biết về sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ của bạn.

Chuyên gia tâm lý Jeffrey Borenstein - chủ tịch Quỹ Nghiên cứu não bộ và hành vi cho biết: “Hãy để người ấy biết rằng bạn ở đó để giúp đỡ và bạn thực sự quan tâm. Họ cũng cần biết rằng trầm cảm hoàn toàn có thể điều trị, rằng họ không cần phải im lặng chịu đựng và họ cần được giúp đỡ."

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Biết các triệu chứng và cảm thông

Bước đầu tiên để giúp đỡ là biết rằng người thân của bạn có lẽ đang bị trầm cảm. Điều đó có nghĩa là bạn phải biết về các triệu chứng. Ngoài ra nó còn có nghĩa là bạn nhận ra rằng người đó có thể không nhận ra tình trạng bệnh lý của mình.

Trầm cảm có thể nghiêm trọng đến mức cản trở cuộc sống hàng ngày, nhưng thường thì nó biểu hiện như sự buồn bã, cáu kỉnh, giận dữ, buồn ngủ kéo dài hoặc những cảm xúc khác mà người bệnh cho rằng là do một nguyên nhân nào đó khác không phải bệnh trầm cảm.

Điều quan trọng nhất là sự cảm thông. Đừng nói kiểu như "Đừng có vậy nữa" hoặc "Hãy thực tế đi" hay tỏ ra bất ngờ hoặc thất vọng khi nghe thấy ai đó nói họ bị trầm cảm.

Hãy kiên nhẫn lắng nghe họ. Hãy để người đó nói về cảm giác của họ dù cho câu chuyện ​​của họ có buồn bã hay tiêu cực đến mức nào. Hãy để người đó thể hiện bản thân và cho phép họ mở lòng về những suy nghĩ, cảm xúc mà họ đang trăn trở. Đừng tranh cãi với họ hoặc cố gắng thuyết phục họ nhìn mọi chuyện một cách tích cực hơn, bởi vì với người đang vật lộn với bệnh trầm cảm thì điều đó gần như là không thể.

Bệnh trầm cảm vẫn còn ít nhiều bị kì thị, nhiều người xấu hổ và phủ nhận khả năng họ bị trầm cảm. Trong những trường hợp này, sẽ hữu ích nếu tập trung vào các triệu chứng của bệnh trầm cảm chứ không phải khả năng bị trầm cảm.

Hãy nói đại loại như: “Tớ lo cho cậu lắm. Tớ thấy cậu lo lắng, ngủ không ngon”, hoặc bất kể triệu chứng gì, và bạn muốn giúp đỡ. Bằng cách như vậy, bạn sẽ mở ra cánh cửa để họ tìm kiếm sự giúp đỡ. Đôi khi người bệnh không hiểu được điều gì đang xảy ra, nhưng họ biết có điều gì đó đang làm phiền họ, như giấc ngủ bị rối loạn. Nếu người bệnh thoải mái tâm sự về điều ấy, thì đó có thể là điểm bắt đầu, vì vậy hãy khuyến khích họ nói chuyện với bác sĩ về mọi vấn đề.

Hỗ trợ người bệnh trong quá trình điều trị

Cũng rất có ích nếu bạn chỉ ra rằng trầm cảm không phải là một khuyết điểm cá nhân hoặc một tính cách yếu đuổi; nó là một tình trạng bệnh lý sẽ đáp ứng với điều trị, giống như hầu hết các vấn đề y học khác. Hãy chỉ ra rằng đối với hầu hết những người bị trầm cảm, có một yếu tố sinh học nào đó góp phần vào mức độ nặng của bệnh. Nghĩa là trầm cảm có thể di truyền ở một mức độ nhất định trong gia đình như các bệnh khác, ví dụ ung thư vú.

Những người có tố chất sinh học dễ bị trầm cảm có xu hướng mắc bệnh khi phải trải qua các sự kiện mất mát hoặc chấn thương, chẳng hạn như sự ra đi của người thân, ly hôn hoặc mất việc. Chỉ ra điều này có thể giúp bình thường hóa bệnh trầm cảm đối với bệnh nhân, coi đó như một phản ứng của con người khi phải đối mặt với các tình huống đau đớn, khó khăn và rằng tâm trí và cơ thể liên quan mật thiết đến nhau như hai mặt của một đồng xu.

Nếu người bệnh vẫn còn do dự, hãy đề nghị họ cùng bạn tới bác sĩ và chia sẻ những quan sát của bạn. Giúp họ đặt hẹn với bác sĩ và liệt kê danh sách các triệu chứng cùng với những câu hỏi đặt ra cho bác sĩ. Nếu đó là thành viên trong gia đình, hãy sẵn sàng tham gia các buổi trị liệu tâm lý gia đình nếu bác sĩ đề nghị.

Ngoài ra, hãy giúp thực hiện những chỉ định điều trị khác, cho dù đó là tập thể dục với người bệnh, chế biến những bữa ăn lành mạnh, giao lưu bên ngoài nhiều hơn hay hỗ trợ quản lý thuốc men. Và giúp người thân của bạn kiên trì việc điều trị, có thể mất vài tuần trước khi bệnh nhân nhìn thấy dấu hiệu cải thiện.

Để ý những triệu chứng báo hiệu bệnh nặng hơn

Những người bị trầm cảm có nhiều nguy cơ làm hại bản thân và người khác. Đừng coi nhẹ điều này. Đôi khi mọi người lo ngại rằng nếu hỏi về việc tự tử thì sẽ gieo cho người bệnh ý nghĩ tự tử, nhưng thực tế không phải như vậy.

Sẽ rất tốt nếu chủ động hỏi về vấn đề này. Nếu người bệnh nói ra điều này, thì đó là một tình huống khẩn cấp, tương tự như một người đang ôm lấy ngực và nói rằng họ bị đau ngực. Bạn muốn biết về nó và khiến nó trở thành cấp bách để người bệnh có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ người có chuyên môn.

Tìm sự giúp đỡ cho chính bạn

Bản thân những người đang phải chăm sóc cho người thân bị trầm cảm cũng cần được hỗ trợ. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ, Chia sẻ những gì đang diễn ra và hỏi xem họ có gợi ý gì. Các bác sĩ vẫn thường gặp những tình huống như vậy và họ có những nguồn lực hữu ích.

Đối với người bệnh, điều tốt nhất bạn có thể làm là cho họ biết sự thấu hiểu của bạn và cảm giác hi vọng. Hãy cho họ biết rằng dù sự tuyệt vọng và buồn bã mà họ cảm thấy hiện giờ có đau đớn và thật đến mức nào, họ cũng sẽ cảm thấy tốt hơn và nhìn mọi thứ khác đi nếu khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ và điều trị; rằng bạn đang hi vọng vào họ - cho dù hiện tại họ không hi vọng vào chính mình - và rằng đến một lúc nào đó trầm cảm sẽ qua đi và họ sẽ thấy bình thường trở lại.

Theo dantri

Có thể bạn quan tâm