Pháp luật

Tin tức

Lâm viên Biển Hồ (TP. Pleiku): Không có giấy phép vẫn hoạt động du thuyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù đã có bảng thông báo ngay tại Lâm viên Biển Hồ cấm tất cả các loại ca-nô, thuyền máy, thuyền bè, dụng cụ thể thao khác hoạt động trên mặt nước từ cầu treo trở vào và dù đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra do phương tiện không đảm bảo an toàn, song tại khu vực này hiện vẫn có 2 chiếc thuyền phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách bất cứ lúc nào.
Nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm
Lâu nay, để đảm bảo sự trong lành cho nguồn nước Biển Hồ- vốn là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai chủ trương không tổ chức kinh doanh các dịch vụ du lịch tại Lâm viên Biển Hồ. Tuy nhiên, chiều 24-5, theo ghi nhận của P.V, tại khu vực hồ A (đoạn từ cầu treo trở vào) đang neo đậu 2 chiếc thuyền du lịch, một chiếc nằm ở mép nước bờ bên này, một chiếc ở bờ bên kia. Chiếc thuyền ở bên này bờ dài khoảng 6 mét, ngang khoảng 2 mét, trong lòng thuyền có chừng chục chiếc áo phao, một chiếc dù lớn để che nắng cùng vài chiếc ghế nhựa, trong đó mấy chiếc đã gãy chân được lắp ghép tạm bợ.
Chiếc thuyền máy hoạt động trái phép của ông Đỗ Văn Thạch. Ảnh: Phương Duyên
Chiếc thuyền máy hoạt động trái phép của ông Đỗ Văn Thạch. Ảnh: Phương Duyên
Được biết, đây là chiếc thuyền thuộc sở hữu của ông Đỗ Văn Thạch, chiếc còn lại của ông Lê Văn Nghĩa, đều trú tại thôn 3, xã Biển Hồ và đều không có giấy phép kinh doanh hoạt động. Tuy vậy, cả hai chủ phương tiện nói trên vẫn sẵn sàng phục vụ những du khách thích thưởng ngoạn, “phiêu lưu mạo hiểm” trên mặt hồ với mức giá thỏa thuận từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/giờ. Ông Đỗ Văn Thạch phân trần: “Vì cuộc sống, vì mưu sinh mà, biết làm sao được?”.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Phan Văn Minh- Thanh tra viên Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: “Sở không cấp phép hoạt động cho những chiếc thuyền này. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản vi phạm hành chính đối với hai chủ phương tiện, đồng thời đã 2 lần làm việc với UBND xã Biển Hồ phối hợp kiểm tra. Lần nào xã cũng hứa sẽ làm quyết liệt nhưng cuối cùng đâu vẫn vào đấy”.
“Cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn”
Ông Lê Huy Quang- Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, nói về “nỗi khổ” của đơn vị quản lý danh thắng này: “Xã đương nhiên phải quản lý vì Lâm viên Biển Hồ nằm trên địa bàn, nhưng khu vực này còn chịu sự quản lý của 3 đơn vị khác là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Với thẩm quyền của xã, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, đã 3 lần gọi các hộ này lên cam kết, đồng thời đã có công văn yêu cầu chấm dứt hoạt động bơi thuyền, kinh doanh trong khu vực Lâm viên Biển Hồ”. Ông Quang cho biết, xã không hề từ chối, đùn đẩy trách nhiệm, nhưng đây cũng là trách nhiệm chung của các đơn vị quản lý khác.
Bên cạnh đó, theo ông Quang, nói đến cái lý trong việc xử lý dứt khoát đối với các chủ phương tiện vi phạm này cũng phải cân nhắc cái tình: “Trên địa bàn xã thường có người chết đuối, năm 2010 có đến 13 người, đầu năm 2011 đến nay cũng đã có 2 người; trong khi đó 2 chiếc thuyền này chính là phương tiện đắc lực trong việc phối hợp với thợ lặn để tìm kiếm, vớt các thi thể.  Không cho phép các thuyền này hoạt động đã đành nhưng tỉnh cũng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị quản lý, hoặc giao hẳn cho một đơn vị để tránh tình trạng cha chung không ai khóc”. Ngoài ra, theo ông Quang, các cơ quan chức năng cần bố trí một ca-nô cứu hộ và một tổ cứu hộ từ 2 đến 4 người để làm nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra. Việc có một ca-nô và tổ cứu hộ cũng là một giải pháp tốt và hết sức cần thiết.
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm