Lần đầu tiên số liệu về bệnh nhân mắc COVID-19 không thể qua được tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường tại TPHCM đã được công bố chi tiết. Các bác sĩ đã nỗ lực và ngăn chặn thành công thảm họa có thể xảy ra với nhiều người khác.
Ngày 21/4, tại Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2022, BS Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã lần đầu công bố về số liệu bệnh nhân tử vong trong thời gian hoạt động của bệnh viện Hồi sức COVID-19 lớn nhất Việt Nam.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong cuộc chiến chống đại dịch |
Cụ thể, từ ngày 14/7/2021 đến ngày 22/3/2022, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được chuyển đổi công năng từ Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 đóng trên địa bàn thành phố Thủ Đức đã tiếp nhận 5.040 bệnh nhân.
Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, điều trị thành công cho xuất viện 3.500 bệnh nhân (chiếm 69,4%). Tuy nhiên, trong số các ca bệnh nhập viện đã có 1.540 bệnh nhân không qua được (chiếm 30,6%).
Theo BS Thanh Linh, qua phân tích thông tin liên quan đến tất cả bệnh nhân nhập viện cho thấy, có tới 92% bệnh nhân nhập viện ở mức độ nặng và nguy kịch với 50% bệnh nhân thở oxy mask, 29% bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC) và 8% bệnh nhân phải thở máy ngay khi nhập viện.
BS Trần Thanh Linh chia sẻ thông tin tại Hội nghị khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy |
Độ tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân mắc COVID-19 được tiếp nhận tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là 58, trong đó có 63% bệnh nhân trên 50 tuổi, 34% bệnh nhân có các bệnh lý nền đi kèm. Số ca tử vong tập trung phần lớn ở nhóm từ 50 tuổi trở lên.
Nỗ lực của đội ngũ các y bác sĩ, tình nguyện viên đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước tập trung tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã từng bước đẩy lùi số ca tử vong, giữ lại sinh mạng cho rất nhiều bệnh nhân. Hiện Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã chính thức giải thể và trả lại công năng cho Bệnh viện Ung Bướu TPHCM.
BS Trần Thanh Linh chia sẻ: “Đó là thời điểm vô cùng khó khăn, chúng tôi gần như kiệt sức. Chính sự đồng lòng, chung sức của các y bác sĩ, tình nguyện viên vì một mục tiêu chung là sự sống của người bệnh đã giúp chúng ta vượt qua đại dịch”.
Theo Vân Sơn (TPO)