Bạn đọc

Lan man chuyện Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi có mặt ở Bến xe khách liên tỉnh khá sớm. Ngày đó, Bến xe đặt ở vị trí bây giờ là Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai. Cái Tết đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất nên người về quê khá đông.
Cũng như mọi hành khách, tôi xếp vào hàng có biển ghi “Bình Định” và chờ đợi. Mãi đến 13 giờ ngày 30 Tết, sau mấy lần phía trong ô cửa cái bảng “hết vé” hiện ra thì cuối cùng tên tôi cũng được chị nhân viên bán vé xướng lên. Qua 2 lần sang xe, cuối cùng trước Giao thừa năm ấy, tôi cũng đã về đến nhà chú em. Làng tôi vốn xưa kia chẳng đông đúc gì, giờ càng vắng vẻ, Giao thừa tới rồi mà chỉ lẹt đẹt vài ba tiếng pháo tép từ nhà ai vọng lại.
Cha mất vì giặc giết, mẹ theo chồng mới, đứa em con chú ruột của tôi dù nhỏ nhưng lại khai tăng mấy tuổi để được nhận vào làm giao liên huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định). Bị địch bắt, tra tấn tù đày, sau Hiệp định Paris thì được đối phương trao trả và chú em lại về đơn vị cũ. Giải phóng, nó trở về làng một thân một mình, hai đứa em của nó theo mẹ về quê cha dượng. Bà con trong xóm giúp em làm căn nhà nhỏ, mái lợp tranh và vách trét đất, trong nhà chỉ có chiếc giường tre.
Về khuya, gió thốc qua mang hơi lạnh vào theo, căn nhà như lạnh lẽo thêm, hai anh em tôi đón Giao thừa trong nước mắt. Ấy là Giao thừa Tết năm 1975 sang năm 1976. Dù sao, anh em tôi vẫn có nơi để về, còn hơn những bạn cùng Trường Cơ yếu Khu 5 với tôi không có chốn để về, quê không còn người thân thích, gia đình ly tán.
Minh họa: Thủy Ngọc
Trở lại chuyến xe đò cuối năm, giờ nhớ đến hôm ấy mà rợn cả người. Ngày đó, con đường 19 từ Pleiku xuôi về Quy Nhơn được coi là con đường đẹp nhất trong cả nước. Nhưng những chiếc xe khách thời hậu chiến thì xộc xệch hết chỗ nói, còn kém hơn cả những chuyến xe Trường Sơn mà đã mấy lần tôi được các chiến sĩ lái xe “ưu tiên cho thằng nhóc” đi ké vượt qua những chặng pháo bom trên các tuyến hành lang từ Gia Lai ra Khu 5 và ngược xuôi trong vùng hậu cứ của Khu ủy. Chiếc xe mà tôi đi hôm đó chừng vài chục ghế ngồi. Trên đường đi, cứ một đoạn, xe lại dừng đón khách nên chẳng mấy chốc, người đã chật như nêm.
Đèo Mang Yang quanh co uốn lượn theo sườn núi, dưới chân đèo vốn là hành lang Bắc-Nam của Quân giải phóng. Cận cái Tết đầu tiên sau Hiệp định Paris, từ K8, tôi về căn cứ K10 để chuẩn bị lên đường ra Khu 5 học đã vượt qua đoạn đường này. Trên lưng chừng một ngọn đồi, khi chờ trời tối vượt qua đường, chúng tôi nhìn xuống con đường 19 quanh co, chạy dài tít tắp qua một vùng đất mênh mông, không một ngôi nhà, trừ phía xa xa về hướng Đông, đồn Hà Tam của quân ngụy án ngữ, nhằm kiểm soát, khống chế thung lũng Hà Tam; chúng tôi thầm mơ ước có một ngày nào đó được tự do đi lại trên con đường này, dù là đi bộ. Dọc con đường 19, lướt qua ngoài ô cửa xe, dấu tích của chiến tranh còn hiện hữu, đồn Hà Tam hiện ra những ụ pháo, lô cốt, hầm hào, những hàng rào dây kẽm gai tầng tầng lớp lớp còn chằng chịt, phơi mình trong nắng chiều cuối năm.
Bây giờ, trên con đường 19, nhiều đoạn không còn tốt như xưa, nhưng xe rất tốt, hành khách tha hồ lựa chọn. Hà Tam bây giờ đã khác xưa, trung tâm huyện lỵ Đak Pơ đặt ở đó, xóm làng, phố xá mọc lên. Những ruộng lúa, bắp, mì, mía theo mùa vươn lên xanh ngắt. Được biết, huyện Đak Pơ đang phấn đấu trong tương lai gần sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Điều đó nói lên rằng đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất và xã hội ở nông thôn đã được đầu tư xây dựng.
Lại nhớ, nguyên Bí thư Huyện ủy Đak Pơ Trần Hữu Đức, một ngày cuối năm 2014, mời nhà thơ Văn Công Hùng và tôi về thăm huyện. Đak Pơ vốn là vùng đã từng xảy ra bao trận đánh ác liệt trong 2 cuộc kháng chiến, đặc biệt là trận Đak Pơ ngày 24-6-1954-trận đánh được coi là trận Điện Biên Phủ ở miền Nam; diệt và bắt sống, làm tan rã một binh đoàn Âu-Phi thiện chiến của quân đội Pháp, góp phần buộc nhà cầm quyền thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Nhưng trận đánh đó có 147 cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi này, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt của các anh.
Trong thời kỳ đánh Mỹ, nơi đây là vùng chiến sự ác liệt, bao đồng bào, đồng chí hy sinh. Anh Trần Hữu Đức mong muốn trên chính nơi này có một chỗ để thờ cúng các liệt sĩ. Sau chuyến thăm huyện của chúng tôi, báo chí đã góp phần làm cho mọi người thấu hiểu tâm nguyện của cán bộ và nhân dân Đak Pơ. Không lâu sau đó, đã có nhà tài trợ và nguồn ngân sách địa phương đóng góp, Nhà tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ được khánh thành trong niềm vui khôn tả của người dân Đak Pơ!
Và, quê tôi-xứ nẫu đã thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Phù Mỹ cách nay 5 năm. Năm ngoái, tôi về quê đón Tết. Tết ở quê, trong yên bình và hạnh phúc, đoàn tụ và sẻ chia. Đường làng, ngõ xóm, sân vườn, nhà cửa của mọi gia đình đều như mới ra, như tươm tất hơn, trẻ con vẫn là... trẻ con, chúng háo hức mong chờ đến Tết. Gia đình của chú em tôi, giờ đã thành... đại gia đình, ngôi nhà của chú ấy cũng đã “cứng hóa” từ lâu trên nền đất cũ. Chiến tranh đã lùi xa, mọi thứ thuộc về nó đã khép lại, tình làng nghĩa xóm lại vẫn như xưa.
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm