Bạn đọc

Diễn biến mới vụ giếng khoan tự phun ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 20/10, ông Đàm Xuân Hòa (trú xã Ia Kly, huyện Chư Prông, Gia Lai) cho biết, do quá nhiều người đến xin “nước thánh”, làm phiền lúc nửa đêm nên gia đình đã lấp kín giếng khoan có hiện tượng hỗn hợp nước, khí tự phun.

Ban đầu, ông Đàm Xuân Hòa lắp van để sử dụng nguồn khí nhưng bất thành
Ban đầu, ông Đàm Xuân Hòa lắp van để sử dụng nguồn khí nhưng bất thành

Ông Hòa đã dùng 10 trụ bê tông, dài khoảng 40 mét thả xuống để lấp giếng trong phần đất của gia đình ở xã Ia Kly. Ngoài ra, ông còn đóng thêm nhiều cọc tiêu xung quanh và xây bê tông cố định, ngăn hoàn toàn khí phun trào.

Lý do ông Hòa lấp giếng khoan vì bị nhiều người lạ đến làm phiền. Ông Hòa giải thích, nhiều người ở tỉnh xa đi ô tô con, xe khách đến đây xem hiện tượng lạ, có người còn xin “nước thánh” về dùng, có người còn tổ chức cầu nguyện mê tín.

“Người ta đến không có giờ giấc cố định, có khi đêm tối họ mới đi xe đến nơi, không mở cửa cho họ vào xem là không được. Không cho người ta nói qua lại đủ điều, bị ném cả đá vào nhà rồi. Đó là lý do chính gia đình quyết định lấp giếng, và tôi cũng muốn lấp để tạo sân phơi cà phê cho khô ráo. Ban đầu tôi có ý tưởng lắp van để sử dụng nguồn khí nhưng bất thành”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cho biết, về việc lấp giếng, ông đã báo cáo với chính quyền địa phương, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ TN&MT).

Trước đó, ngày 30/7, ông Hòa khoan giếng độ sâu 186m thì bộ dụng cụ khoan nặng khoảng 2,1 tấn (đang trong lỗ khoan) bị lực nâng lên. Ông Hòa dừng khoan, kéo bộ dụng cụ ra khỏi lỗ khoan. Lúc này, hỗn hợp khí - nước phun cao hơn mặt đất trên 10m. Khi mới phun, nước có mùi đất đèn.

Theo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, lượng nước và hỗn hợp khí phun cao khỏi miệng lỗ khoan có lưu lượng khoảng 0,2 - 0,3 lít/s; nước có chất lượng khá tốt, hầu hết các thông số phân tích nằm trong giá trị giới hạn theo tiêu chuẩn.

Liên đoàn nhận định, hiện tượng hỗn hợp nước - khí tự phun tại giếng khoan xảy ra khá lâu (2 ngày) sau thời điểm xảy ra các trận động đất có độ lớn 5.0 ở Kon Tum và rất ít có khả năng liên hệ với nhau; khí tự phun lên mặt đất có thể do quá trình khoan đã chạm đến chiều sâu phân bố của một túi khí.

Tuy nhiên, nguồn gốc, đặc điểm khí chưa xác định chính xác, cần được nghiên cứu chi tiết bằng các nghiên cứu chuyên sâu. Nước trong hỗn hợp khí và nước có thể là đồng hành trong mỏ hoặc nước trong lỗ khoan ở phần trên của mỏ khí. Theo Liên đoàn, để kết luận chính xác cần được dựa trên các thí nghiệm, khảo sát chuyên sâu khác.

Theo TIỀN LÊ (TPO)

Có thể bạn quan tâm