Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Lan tỏa phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” và các phong trào thi đua yêu nước do Bộ Công an và tỉnh Gia Lai phát động đã được các cụm thi đua của Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ với nhiều sáng tạo, đổi mới. Qua đó, nhiều điển hình tiên tiến đã xuất hiện với những sáng kiến, mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn lực lượng.

Từ khẩu hiệu hành động của phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2023 là “Xây dựng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Công an các đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu thi đua sát với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ chính trị. Công an các đơn vị, địa phương đã tích cực hưởng ứng, đẩy mạnh các đợt thi đua cao điểm do Giám đốc Công an tỉnh phát động như: phong trào thi đua đặc biệt chào mừng 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh có 6 điều dạy Công an nhân dân (11/3/1948-11/3/2023) và 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023) theo phương châm “Đẩy mạnh làm theo lời Bác, tỏa sáng hình ảnh người Công an cách mạng trong lòng Nhân dân”; thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025”…

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an tỉnh đến tận nhà làm căn cước công dân cho người đi lại khó khăn, già yếu, ốm đau, neo đơn (ảnh đơn vị cung cấp).

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an tỉnh đến tận nhà làm căn cước công dân cho người đi lại khó khăn, già yếu, ốm đau, neo đơn (ảnh đơn vị cung cấp).

Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đội công tác, Công an cấp xã, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cụ thể hóa các phong trào thi đua hướng vào hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác; thường xuyên đổi mới phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, phổ biến pháp luật nhằm vun đắp, xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần nỗ lực, tận tụy vì công việc, “vì Nhân dân phục vụ” cho từng cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới và cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ, tại các làng, xã vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu, học tập, rèn luyện, những gương người tốt, việc tốt, những sáng kiến, mô hình hay để xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng, tạo sự lan tỏa tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn lực lượng.

Ngay từ đầu năm 2023, 83 tập thể, 120 cá nhân được Công an các đơn vị, địa phương đăng ký xây dựng điển hình tiên tiến. Đến nay, 12 tập thể, 14 cá nhân là điển hình tiên tiến cấp bộ, cấp tỉnh; 72 cá nhân điển hình tiên tiến cấp Công an tỉnh về thực hiện phong trào thi đua đặc biệt kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh có 6 điều dạy Công an nhân dân và 75 năm Ngày truyền thống xây dựng lực lượng Công an nhân dân (11/3/1948-11/3/2023); 7 tập thể, 12 cá nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của điển hình tiên tiến, có mô hình hiệu quả với cách làm hay, sáng tạo, được Giám đốc Công an tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2023. Tiêu biểu là Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP. Pleiku) với mô hình “Căn cước công dân 4 tại chỗ: thu nhận hồ sơ, chụp ảnh, lăn tay, trả kết quả”. Đơn vị đã thành lập 1 tổ công tác lưu động thực hiện 5 đợt phối hợp Công an các xã, phường sắp xếp thời gian, máy móc, phân công cán bộ đến nhà dân, bệnh viện… thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân và cấp được 335 căn cước công dân cho người già, bệnh tật, tàn tật, đi lại khó khăn; tổ chức lấy thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trả trực tiếp tại nhà cho công dân. Hay như Công an huyện Ia Pa với mô hình “Giữ vững bình yên-vì Nhân dân phục vụ” đã quyết liệt triển khai các biện pháp đảm bảo giữ vững ổn định an ninh trật tự tại địa phương trong mọi tình huống, không để tái phục hồi hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga”, địa bàn không có đối tượng trốn; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các đề án, cao điểm, chỉ tiêu được giao hoàn thành vượt tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, Công an huyện quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội, trong đó, mô hình “Con nuôi Công an” tại xã Kim Tân nhận giúp đỡ cháu Kpă Nguyên (lớp 5, Trường Tiểu học-THCS Nguyễn Khuyến) là thiếu niên dũng cảm quên mình cứu 2 anh chị lớn hơn khỏi đuối nước. Cùng với việc thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng sách vở, quần áo, đơn vị còn hỗ trợ cháu khoảng 6 triệu đồng/năm.

Thượng tá Trần Việt Dũng-Trưởng Công an huyện Ia Pa là 1 trong 12 cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2023. Thượng tá Dũng chia sẻ: “Công an huyện phát động phong trào thi đua gắn với tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái thi đua nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác được giao. Nhờ đó, 10 tháng năm 2023, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững, phạm pháp hình sự giảm rõ rệt. Công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật như: hoàn thành công tác làm sạch dữ liệu dân cư; cán bộ, chiến sĩ Công an các xã không quản ngại khó khăn, ngày đêm bám trụ địa bàn, chủ động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ” cấp căn cước công dân cho người dân đi lại khó khăn, già yếu, ốm đau, neo đơn; tham mưu giúp 9/9 UBND xã tổ chức ra mắt mô hình điểm “Dịch vụ công trực tuyến” tại bộ phận một cửa để phục vụ người dân. Đặc biệt, thực hiện mô hình “Con nuôi Công an”, lực lượng Công an huyện đã chung tay hướng về cộng đồng, kịp thời hỗ trợ các học sinh nghèo vượt khó để các em chăm lo học tập, cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.

Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh cũng luôn phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tích cực hành động hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, công tác dân vận, tinh thần chung sức vì cộng đồng, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa thiết thực, đạt kết quả tốt. Cụ thể, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh triển khai công trình thanh niên “Chúng em là lính cứu hỏa”, chương trình “Em nuôi Đoàn Thanh niên” hỗ trợ thường xuyên 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, qua mô hình “Toàn dân chung tay phòng cháy chữa cháy” và phong trào “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị và Đoàn Thanh niên cấp huyện tổ chức 12 buổi tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy, phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước… cho trên 4.500 lượt thanh thiếu nhi, phụ huynh học sinh và giáo viên. Còn Hội Phụ nữ Công an tỉnh và Hội Phụ nữ cơ sở thực hiện hiệu quả mô hình “Mẹ đỡ đầu” với những hoạt động nhân văn đã tô thắm, lan tỏa hình ảnh nữ chiến sĩ Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì dân phục vụ. Năm 2023, toàn tỉnh có 31 trẻ em được nhận nuôi, trong đó có 19 cháu người dân tộc thiểu số; có 6 trường hợp có bố/mẹ công tác trong lực lượng Công an. Mức hỗ trợ trung bình là 3,6 triệu đồng/cháu/năm, thời gian nhận chăm sóc và nuôi dưỡng thực hiện theo nhiệm kỳ hoặc đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Kinh phí hỗ trợ chủ yếu từ sự đóng góp của hội viên, cán bộ, chiến sĩ và vận động xã hội hóa.

Trao đổi về mô hình “Mẹ đỡ đầu”, Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Thúy-Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh-cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ đã tích cực triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu”. Cán bộ, hội viên làm tốt vai trò người mẹ đỡ đầu, đảm bảo công bằng trong tiếp cận và sử dụng nguồn lực. Mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đạt hiệu quả thiết thực. Năm 2023, Hội Phụ nữ Công an tỉnh được Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em Công an nhân dân biểu dương “Mẹ đỡ đầu” tiêu biểu.

Có thể bạn quan tâm