Tôi đã thấy thực sự làng chài Sê San, nơi có những ngư dân suốt đời đánh bắt thủy sản để kiếm kế sinh nhai, nay bừng lên một niềm tin mới. Niềm tin của người dân với Đảng vinh quang
Như lỗi hẹn, phải ra ngoài Tết nguyên đán Canh Tý năm 2020 chúng tôi mới có dịp đến với những "ngôi nhà trên nước" của bà con làng chài sống bình yên trên dòng sông Sê San, đoạn cuối của lòng hồ thủy điện Ia Ly mà người dân ở đây thường gọi là chiếc bè.
Tụ hội dân tứ chiếng
Chúng tôi lên huyện Ia H’Drai bằng xe máy, vất vả lắm mới tiếp cận được bờ phía Đông để gọi anh Nguyễn Văn Triều, trưởng làng chài, lấy thuyền máy đưa ra mấy chiếc bè của bà con ghép lại để ở chung. Lúc đó, ráng chiều phía Tây đỏ rực, chiếu từng sợi nắng yếu ớt, in bóng những núi đồi xa xa xuống dòng sông làm ánh lên một màu sáng bạc.
Ngồi trên chiếc bè khá rộng của anh Nguyễn Văn Triều, chúng tôi có cảm giác lành lạnh bởi hơi nước từ mặt hồ bốc lên và sương chiều buông xuống. Chiếc bè này cũng chính là ngôi nhà thứ hai, nơi cả gia đình anh Triều sinh sống mấy năm qua. Xa xa là những cánh rừng mênh mông thẩm màu. Những cánh chim chiều chưa về tổ ấm, vẫn lượn bay trên lòng hồ xào xạc hòa tiếng máy nổ của thuyền ghe lướt vội, nghe náo động cả một vùng trời sông nước bao la.
Làng chài Sê San mùa đánh bắt thủy sản |
"Cũng cảnh núi rừng, sông nước như vầy, nhưng gần 10 năm trước, bà con làng chài vô cùng gian khổ. Chúng tôi là dân tứ chiếng, kẻ ở tỉnh Hậu Giang, người ở tỉnh Bình Phước và có mấy hộ dân Thừa Thiên - Huế về đây chung sống cùng nghề đánh bắt thủy sản. Do chưa được chính quyền các cấp công nhận nên bà con làng chài nay ở đầu sông của tỉnh Kon Tum, mai ở cuối sông của tỉnh Gia Lai. Mỗi lần các ngành chức năng hai tỉnh đi kiểm tra, bà con phải kéo lưới giăng câu từ nơi này qua nơi khác. Vì thế, mỗi khi kéo vội vã như vậy, lưới hay bị rách. Dù chỉ rách bằng một lỗ nhỏ thôi thì tất cả số cá tôm đánh được trong một đêm đều trôi ra sông nước cả. Cá không còn một con, lưới thì rách không tiền mua sắm lại nên khó khăn chồng chất khó khăn" - anh Triều trầm ngâm.
Đến năm 2018, niềm vui của bà con đã được nhân lên gấp bội khi toàn bộ 29 hộ dân xóm chài này được chính quyền cấp đất, hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng/hộ, đồng thời tạo điều kiện vay vốn thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây cất nhà ở ổn định. Ngôi nhà "Đại đoàn kết" của 29 ngư dân làng chài ấy đã được dựng xây cách bờ sông Sê San khoảng chừng 1 km, rất khang trang, đã cùng với bà con đến nay là hai cái Tết. Tuy cuộc sống còn bộn bề khó khăn vất vả nhưng sự quan tâm kịp thời đó của Đảng và nhà nước phần nào đã động viên, khích lệ bà con làng chài yên tâm ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với vùng đất biên giới đầy khắc nghiệt này.
Cuộc sống bình dị của người dân làng chài Sê San |
Anh Nguyễn Văn Triều vui mừng chia sẻ: "Từ nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng của Ủy ban MTTQ tỉnh, các hộ dân cố gắng vay mượn thêm từ 50-100 triệu đồng nữa để xây cất nhà cửa khang trang trên bờ. Từ một xóm chài lênh đênh, bấp bênh theo con nước, đến nay bà con đã được lên bờ ăn Tết, an cư để lập nghiệp. Nhiều đêm nằm ngủ trong chính căn nhà của mình mà chúng tôi cứ ngỡ như mơ".
Quê hương thứ hai
Cha mẹ anh Triều năm nay đã tuổi thất tuần, cho biết trong những năm gần đây, do đời sống kinh tế của bà con làng chài tăng lên, đường sá và phương tiện đi lại cũng rất thuận lợi nên nhiều gia đình về quê thường xuyên. Hơn nữa, kể từ khi nhà nước cho làm hộ khẩu thường trú, Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ tiền làm nhà định cư lâu dài trên bờ, bà con rất yên tâm sinh sống, coi đây là quê hương thứ hai không những của cuộc đời của họ, mà còn là của các thế hệ con cháu mai sau.
Theo anh Triều, năm nay, làng chài chỉ có 3 hộ có người về quê ăn Tết, còn 26 hộ ở lại chung vui xuân mới cùng bà con trên lòng hồ Sê San. Bởi nơi đây giờ thực sự đã, đang và sẽ nuôi nấng gia đình họ suốt cả cuộc đời. "Người dân nơi đây rất biết ơn nhà nước, núi rừng, sông suối đã cho họ bình yên và mạnh khỏe để chống chọi với thác lũ, mưa nguồn" - anh Triều cho biết.
Bên ly nước trà xanh ấm áp, ngọt ngào giữa vùng biên giới nóng nực pha chút hơi nước của lòng hồ Sê San mát lạnh, ông Chế Hồng Quyền - Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai - chia sẻ: "Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã cố gắng rất nhiều trong việc chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho người dân làng chài Sê San. Địa phương cũng vận động các doanh nghiệp trên địa bàn giúp đỡ bà con làng chài ổn định nơi ở mới, nên ai nấy đều biết ơn và hứa sẽ gắn bó với lòng hồ Sê San, với huyện biên giới Ia H’Drai lâu dài. Đặc biệt, 100% hộ gia đình đã có nhà ở trên đất, làng chài trên sông chỉ là nơi đánh bắt cá tôm, nuôi một số cá nước ngọt và chế biến các loại thực phẩm từ cá, nên trẻ em trong độ tuổi đã có điều kiện đến trường học tập 100%. Đến nay, cả làng chài đã thoát khỏi hộ nghèo, trong đó 30% vươn lên thành hộ khá".
Hứa hẹn tương lai
Đêm dần trôi về phía mây ngàn, chúng tôi vẫn ngồi hóng mát. Hơi nước từ phía lòng hồ Sê San phảng phất bay lên xoa dịu những cơn nóng của buổi chiều gay gắt. Tôi đã thấy thực sự làng chài Sê San, nơi có những ngư dân suốt đời đánh bắt thủy sản để kiếm kế sinh nhai, nay bừng lên một niềm tin mới. Đó là niềm tin của người dân làng chài Sê San với Đảng vinh quang.
Anh Đặng Văn Thuộc, Giám đốc HTX Sê San, cho biết: "Hiện nay, người dân làng chài khai thác và nuôi cá lồng bè khá nhiều. Ngoài cung cấp cho các tiểu thương nguồn cá tươi sống hằng ngày, bà con còn chế biến các loại thực phẩm từ cá như: Cá rô đá khô, cá cơm khô, bánh tráng cá cơm, nước mắm cá cơm, cá lóc khô… và các sản phẩm này được tiêu thụ ở thị trường Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Đà Nẵng, có lúc đã vươn ra tận Huế".
Người dân làng chài làm bánh tráng cá cơm trên lòng hồ Sê San |
Anh Nguyễn Thành Nhân, một người dân làng chài Sê San, vui mừng nói: "Do cảnh đẹp của lòng hồ Sê San rất sơn thủy hữu tình nên tôi đã mạnh dạn sắm thuyền vận chuyển khách du lịch vòng quanh lòng hồ để thưởng ngoạn. Hiện nay, bình quân mỗi ngày có từ 2-3 đoàn khách từ các nơi đến tham quan du lịch làng chài. Tuy không nhiều nhưng cũng hứa hẹn trong tương lai, du lịch lòng hồ Sê San sẽ phát triển và đây cũng là thế mạnh du lịch của huyện Ia H’Drai".
2020 là năm thứ 5 người dân làng chài trên dòng sông Sê San (thuộc địa phận xã Ia Tơi) trở thành những công dân thực sự của huyện biên giới Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, sau gần 10 năm lênh đênh trên mặt nước dọc lòng hồ thủy điện Sê San 4, Sê San 3A. Đó là nhờ vào sự chung tay quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương.
Bài và ảnh: Trần Văn Phúc (NLĐO)