Vẫn biết sự đổi thay ở nhiều ngôi làng bây giờ chẳng là điều gì phải ngạc nhiên- vậy mà tôi vẫn phải ngạc nhiên. Có thể nào tin được đây đã từng là ngôi làng một thời chìm trong nghèo đói, quẫn bách đến xót xa?
Tôi biết đến làng Tung Chúc (xã Ia Khai- huyện Ia Grai- Gia Lai) cách đây hơn 2 năm từ một con số buồn: Chỉ trong hơn 3 tháng, làng đã có 4 người tự tử vì rượu. Chuyện lãng xếch nghe cứ như đùa nhưng nó là nỗi ám ảnh, cứ còn mãi trong tôi cho đến bây giờ…
Kpuih Nih mới hơn 25 tuổi mà đã qua hai đời vợ. Vợ trước đã cho Nih một đứa con trai. Hai vợ chồng đều làm công nhân cạo mủ. Cạo mủ 4 giờ sáng phải ra vườn nhưng Nih, có khi mặt trời lên cả con sào mới dậy. Ấy là vì con ma rượu nó hành. Mủ ít, lương ít vợ đập bếp mấy lần mà Nih vẫn coi như chuyện của ai.
Rơ Châm Dih- “nhân vật đang nổi” của làng Tung Chúc. Ảnh: Đăng Vương |
Vợ ra kêu về ăn cơm, Nih chửi, xô vợ ngã. Bực trong bụng quá, Byui bỏ về nhà. “Cứ để nó làm con người “mất thần kinh” như thế cũng chẳng chết”. Byui nghĩ vậy nào ngờ sáng ra đang sửa soạn đi làm thì thấy bà già xô cửa, miệng mở ra không nói được, tay chỉ ra vườn… Lập cập đi theo bà già. Byui chết đứng như cái cột bị đóng xuống đất: Nih đã tự treo cổ lên cây điều đâu từ hồi đêm. Con người đã cứng hết rồi…
Bà Ph’Yơng tự tử trước đó hơn chục ngày. Bây giờ Nih chết. Chưa hết ngơ ngác thì hơn 2 con trăng sau Rah Lan Vi rồi Rơ Châm Jeh cũng tự tử vì rượu. Buồn nỗi người xấu số lại phải làm “con ma xấu”, không được ông bà nhận về ở “làng ma”…
- Chuyện anh kể còn mới, những ngày cũ nhiều chuyện còn buồn hơn. Rah Lan Ging-người “ nổi tiếng” nhất làng Tung Chúc bởi chiếc ô tô du lịch mới mua trầm ngâm: Phải từ năm 2001 trở về trước, ai đến Tung Chúc thì mới thấm hết sự buồn…
Tung Chúc vốn là “Làng Cách mạng”. Hết chiến tranh trở về chốn cũ, cũng “đất ông bà” nhưng mọi điều đã khác. Nắng gió, đạn bom chiến tranh đã vắt kiệt đất rồi. Cây lúa rẫy mọc lên cứ khô nghẹn trong con mắt. Làng, nhìn đâu cũng những căn nhà dài lợp nứa xù lên như những con sâu róm chơ vơ trên trảng đất không một bóng cây nuôi sống được người.
Hơn một nửa làng mới buông cuốc đã hết ăn. Nguồn sống mùa đói là hái lượm quả rừng và làm thuê. Ai được gọi làm thuê (công mỗi ngày 3 lon gạo) thì xem đó là sự hãnh diện… Ma đói đứng cửa trước, ma rượu phục cửa sau. Làng như bất tận trong cơn say này qua cơn say khác. Việc vui, việc buồn bày rượu đã đành, việc không đâu cũng bày rượu. Những ghè rượu mì đắng ngắt pha thêm rượu nấu của người Kinh. Ngõ làng hầu như ngày nào cũng có người nằm vạ vật oằn oại bởi những cơn say. Buồn, uống cho quên sự đói, cho khỏi lo ngày mai chưa biết làm gì để có cái ăn…
Hồi đó, Rah Lan Ging cũng đã trải qua những ngày như thế, cũng chẳng biết cuộc sống sẽ trôi về đâu nếu không có Công ty 715 (Binh đoàn 15) mở đến vùng đất này. Bộ đội đến vận động đi làm công nhân, mình là một trong những người xung phong đi đầu. Đang đói-mà có gì để mất ngoài cái nhà lợp nứa sắp sập? Thế là đi coi thử.
Chỉ vài năm sau, cuộc sống thay đổi hẳn. Chỉ một suất lương cũng đủ nhu cầu ăn uống. Suất còn lại thì để dành. Con heo lớn thành con bò. Nhiều con bò thành thửa đất… Gần chục năm tích cóp nhọc nhằn, giờ thì mình đã có 1 ha điều, 700 cây cao su tiểu điền, 2,5 sào cà phê... Nhà cửa, vật dụng sắm đủ rồi, năm kia đi học lái rồi mua cái ô tô con này để đi rẫy cho khỏi mưa gió. Nhiều người thấy thế cứ tưởng mình giàu nhất làng. Không phải đâu. Bọn trẻ bây giờ nhiều đứa “kinh” lắm. Tiền có thừa nhưng chúng cứ âm thầm tích lũy đó thôi.
Cứ kể như Rơ Châm Dih: Năm nay nó mới 31 tuổi mà đã có trong tay 1,3 ha cao su tiểu điền, vừa mới trồng thêm 670 cây nữa; lại còn nửa ha cà phê, 6 con bò, 3 suất cạo công nhân, một chiếc công nông chở thuê… Tính sơ sơ, mỗi năm vợ chồng nó thu 300 triệu đồng… Cái ô tô của mình chỉ đóng vai trò “khiêu khích” để mọi người ganh đua nhau mà làm ăn thôi-Ging cười…
Câu chuyện với Rah Lan Ging đã cho tôi hiểu ra một điều: Để mỗi ngôi làng thoát đói nghèo lạc hậu, trước hết phải tạo nên một lớp người tiên phong. Rah Lan Ging chính là lớp người tiên phong đó. Họ đã đánh thức lòng tự trọng của đồng bào mình để từ đó xúc tác cho một phản ứng dây chuyền…
Đây chính là nguyên nhân đã khiến Tung Chúc- từ đói nghèo lạc hậu, đắm chìm trong hủ tục đã như có phép nhiệm màu. Chỉ con số này có lẽ đã khiến không ít làng phải ao ước: 100% hộ có nhà xây, trong đó 50% số hộ đã xây “nhà Thái” trị giá từ 200 triệu đồng trở lên. Cả làng hiện chỉ còn 7 hộ nghèo là vì hoàn cảnh neo đơn, không có sức lao động…
Đến Tung Chúc bây giờ có lẽ ai cũng phải cảm phục nhịp điệu công việc của làng: 0 giờ-đêm đang đặc sánh, từng lô cao su đã chấp chóa ánh đèn cạo mủ. Tảng sáng, sau bữa ăn còn vương vất bóng đêm, nhà nhà đã hối hả chuyển sang trút mủ. Chiều chưa buông đã lại quày quả ra ruộng lúa, ruộng mì… Họ làm việc như thể bù đắp cho quãng thời gian vô vị của mình đã mất…
Tình cờ tôi gặp lại Trưởng thôn Ksor Tùng. Chính anh là người đã đưa tôi đi “thị sát” chuyện rượu chè dạo nọ… Chưa kịp hỏi, Tùng đã phân bua thay cho lời chào “làng hết say rồi, bây giờ ai cũng lo làm ăn thôi!”.
Rồi anh ngượng nghịu cười, cúi mặt nhìn xuống đất như thể chính mình là người có lỗi…
Đăng Vương