Kinh tế

Tài chính

Làng Kret Krot dần thoát nghèo nhờ tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước đây, người dân làng Kret Krot (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, Gia Lai) vẫn còn tâm lý e ngại, không dám vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Nhưng hiện nay, bà con đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng cà phê để phát triển kinh tế gia đình. 

 Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mang Yang kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay làng Kret Krot (xã Hà Ra). Ảnh: S.C
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mang Yang kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay làng Kret Krot (xã Hà Ra). Ảnh: S.C


Ông Nguyễn Đặng Hoàng Quân-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mang Yang: “Xã Hà Ra là địa bàn có nhiều tổ vay vốn nhất, dư nợ cao nhất huyện với 25 tổ/1.094 hộ vay, tổng dư nợ hơn 31,2 tỷ đồng. Riêng làng Kret Krot có 1 tổ vay vốn với 51 hộ, tổng dư nợ hơn 1,1 tỷ đồng”.

Kret Krot là một trong 5 làng đặc biệt khó khăn của xã Hà Ra và cũng là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Làng có 150 hộ với 880 khẩu. Nguồn thu nhập chính của bà con là từ trồng lúa, mì, bời lời hoặc chăn nuôi với quy mô rất nhỏ. Trong vài năm trở lại đây, dưới sự quan tâm định hướng của chính quyền, sự chung tay hỗ trợ từ các ban, ngành, đoàn thể, xã Hà Ra đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp dân làng Kret Krot thay đổi nếp nghĩ, cách làm, triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Gia đình chị Đơr là một trong những hộ nghèo của làng Kret Krot. Mọi chi tiêu sinh hoạt của gia đình chỉ trông chờ vào 6 sào mì, vài con gà và tiền làm thuê. Năm 2017, được sự hướng dẫn của cán bộ xã, chị Đơr đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để trồng, chăm sóc 500 cây cà phê. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp, vườn cây gần nguồn nước tưới nên đến cuối năm 2019, cà phê đã cho thu bói. “Để nắm rõ kỹ thuật chăm sóc cà phê, tôi đã tham gia lớp khuyến nông và được cán bộ hướng dẫn rất tận tình. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất cà phê đạt khá, nguồn thu nhập của gia đình dần ổn định”-chị Đơr vui vẻ cho biết.

Cũng là hộ nghèo của làng, năm 2016, gia đình anh In đã vay 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để chuyển đổi một phần diện tích đất trồng mì sang trồng 550 cây cà phê. Anh cho hay: “Trồng 5-6 sào mì thì mỗi vụ chỉ thu được 5-6 triệu đồng. Còn trồng cà phê, năm rồi, tôi thu bói hơn 1 tấn tươi, bán được hơn 6 triệu đồng. Tuy có vất vả nhưng năm nay năng suất vườn cà phê chắc chắn sẽ đạt khá hơn nhiều”.

Tính đến đầu năm 2020, làng Kret Krot có khoảng 50 ha cà phê, tăng 30 ha so với năm 2017. Cùng với sự gia tăng diện tích cà phê, mức vay và quy mô tín dụng trên địa bàn cũng tăng nhanh. Ông Hưm-Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm làng Kret Krot-cho biết: “Hồi trước, bà con chủ yếu trồng mì, bời lời nên chỉ vay 10-15 triệu đồng/hộ. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, bà con biết so sánh thu nhập giữa các loại cây trồng đó với cà phê, lại chịu khó học hỏi cách làm ăn nên đã dần chuyển đổi sang trồng cà phê. Giờ đây, nhà trồng ít thì vài sào cà phê, nhà trồng nhiều lên tới 2 ha”. Bên cạnh đó, dân làng còn nuôi thêm bò để khai thác nguồn phân chuồng bón cho cây trồng; quan tâm hỗ trợ nhau về kỹ thuật, đổi công làm cỏ, phun thuốc, tưới nước. Nhờ đó, đời sống của người dân làng Kret Krot đang từng ngày thay đổi.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Thanh-Chủ tịch UBND xã Hà Ra-thông tin: “Thời gian qua, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã tập trung công tác đảm bảo an ninh chính trị, hỗ trợ người dân làng Kret Krot phát triển kinh tế để ổn định đời sống. Bà con chủ động từ bỏ tà đạo “Hà Mòn” để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi”. Ông Thanh cho biết thêm, trong năm 2019, nhờ làm tốt công tác phối hợp giữa UBND xã với các cơ quan, ban ngành chức năng, làng đã giảm được 13 hộ nghèo, hiện chỉ còn 26 hộ (chiếm 15%). Trong năm 2020, xã tiếp tục xây dựng kế hoạch, tạo mọi điều kiện cho 5 làng đặc biệt khó khăn, trong đó có làng Kret Krot chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất.

 SƠN CA

 

Có thể bạn quan tâm