TN - Đất & Người

Lãng phí công sản ở Tây Nguyên: Đầu tư hàng trăm tỷ để làm gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhà nước đã đầu tư cho các tỉnh Tây Nguyên tới hàng nghìn công trình nước sạch. Thế nhưng, ở nhiều nơi, người hưởng lợi vẫn... khát. tại sao lại có sự lãng phí công sản ghê gớm đến vậy?
 
Công trình nước sạch ở đồi Đắk Nút bị bỏ hoang
Những năm qua Nhà nước đã đầu tư cho các tỉnh Tây Nguyên tới hàng nghìn công trình nước sạch để phục vụ dân nghèo, địa bàn vùng sâu, vùng xa, bằng nguồn vốn từ các dự án Danida, chương trình 132, 134, 135, chương trình giảm nghèo bền vững… Thế nhưng, ở nhiều nơi, người hưởng lợi vẫn... khát.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, trong tổng số 245 công trình nước sạch tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn hiện chỉ có 72 công trình đang hoạt động (chiếm 29,39%); 173 công trình ngưng hoạt động (chiếm 70,61%).
Công trình nước sạch đặt trên đồi Đắk Nút, thuộc khu tái định cư B, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa có tổng mức đầu tư khoảng hơn 16 tỷ đồng. Nhưng hiện nay khu tái định cư này mới chỉ mới có 12 hộ dân sinh sống, đang sử dụng nguồn nước do Công ty cổ phần Cấp nước và phát triển đô thị Đắk Nông (Cty cấp thoát nước Đắk Nông) cung cấp. “Ở đây người dân đều dùng nước máy, chứ không xài nước công trình nước trên đồi Đắk Nút. Công trình sau lưng nhà tôi không hoạt động nhiều năm nay” - một người dân cho biết.
Khi được hỏi về chủ nhân công trình này, ông Dương Văn Khoái - cán bộ Giao thông Thủy lợi thuộc UBND phường Nghĩa Đức trả lời ông không biết, vì không ai bàn giao công trình cho địa phương. Phóng viên tìm hiểu mới rõ chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông. Công trình hoàn thành từ năm 2015, nhưng khi bàn giao phía Cty cấp thoát nước Đắk Nông không tiếp nhận (!?).
Cách đó không xa, công trình cấp thoát nước ở bon N’Jiêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa được đầu tư khoảng 700 triệu đồng từ năm 2005, ngưng hoạt động hơn 10 năm nay. Các thiết bị bị hỏng hóc gần hết. “Xây đài nước đặt sát nhà, nhưng gia đình tôi chưa dùng được giọt nào. Thời gian dài chúng tôi phải sử dụng nước sông suối”- bà H’Duyên trú tại bon N’Jiêng cho biết.
 
Công trình cấp nước ở bon N’jriêng bỏ hoang chục năm nay
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Công-Chủ tịch HĐQT Cty cấp thoát nước Đắk Nông khẳng định: UBND tỉnh Đắk Nông chưa hề bàn giao bất cứ công trình cấp thoát nước nào trên địa bàn thị xã cho công ty. Ông cho biết thêm: “Năm 2013, tôi đã ý kiến trong cuộc họp, can không nên xây dựng các công trình này, thế nào cũng lãng phí, nhưng không được lắng nghe”. 
Để… bán phế liệu
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, trong số 173 công trình ngưng hoạt động (chiếm 70,61%), có 66 công trình đề nghị thanh lý, 107 công trình đề nghị nâng cấp sửa chữa phải tốn thêm nhiều kinh phí. Vậy là, sau khoảng hơn 10 năm đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nay phải rót thêm tiền vào để các công trình nước sạch tái hoạt động. Tuy nhiên, việc tiếp tục ném tiền vào các công trình vốn dĩ không mang hiệu quả này, liệu có đảm bảo sẽ không còn bỏ hoang?
“Chúng tôi đã có báo cáo gửi các địa phương, rà soát và đánh giá lại hiện trạng các công trình cấp nước sạch trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với các công trình hỏng nhỏ, mà người dân có nhu cầu sử dụng mới thống kê để sửa chữa. Những nơi hỏng nặng, người dân cũng không có nhu cầu thì kiến nghị thanh lý bán phế liệu, tức bán sắt vụn, vừa đỡ gây lãng phí, vừa đảm bảo an toàn cho người dân” - Ông Hoàng Trung Thơ - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Nông cho biết.
Để... “đắp chiếu”
Trong số 168 công trình cấp nước sạch tập trung ở Đắk Lắk, hiện có tới 51 công trình ngừng hoạt động, trong đó 20 công trình hỏng nặng bị đưa vào diện xem xét để thanh lý bán phế liệu. 
Ông Nguyễn Đức Thuận - Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột cho biết: Xã hiện có 7 công trình cấp nước tập trung, thì có tới 5 công trình đắp chiếu cả chục năm nay, trong khi nhu cầu dùng nước của người dân là cấp thiết.
“Khi mới hoạt động, nước sạch cũng phục vụ được cho cộng đồng dân cư. Các thôn buôn đã cắt cử người đi học để vận hành, nhưng chỉ được 1 thời gian ngắn máy móc bắt đầu trục trặc. Rồi, do không có kinh phí bảo dưỡng, đường ống hư hỏng, không có tiền trả điện tiêu thụ... Nhiều nguyên nhân dẫn đến các công trình nước sạch lần lượt bị bỏ hoang” - ông Thuận nói.
Chúng tôi được cán bộ xã Hòa Xuân dẫn thăm đài nước ở thôn 2 và thôn 4. Đài tích trữ nước sạch tại thôn 2 đặt trong rẫy của 1 hộ dân, còn đài nước thôn 4 thì khá hoành tráng nhưng lại đặt sau vườn nhà ông Y Ly Niê. Muốn vào công trình phải đi đường vòng, hoặc phải leo qua hàng rào của nhà dân.
Ông Trần Công Sơn, một người dân thôn 4 kể: Nhà tôi xây xong hơn 10 năm nay, thì cũng gần chừng đó thời gian công trình cấp nước sạch này ngừng hoạt động. Dân trong thôn nhiều hộ đã phải bỏ tiền túi đầu tư hàng chục triệu đồng khoan giếng, hoặc đào giếng mới có nước dùng.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Thuận cho biết thêm, đã có đoàn trên tỉnh về khảo sát, đồng thời hứa sẽ xin kinh phí để sửa chữa các công trình chết lâm sàng này. Gần đây Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk cũng đã bắt hệ thống đường ống về đến tận từng thôn buôn. “Theo tôi, cứ để tình trạng “cha chung không ai khóc”, sớm muộn gì công trình cũng bị bỏ hoang như các công trình nước sạch trước đó” - Ông Thuận nói.
Ông Phạm Ngọc Bình - Phó giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 168 công trình cấp nước tập trung với tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau.
Trong đó, có 41 công trình hoạt động bền vững chiếm 24,4%; 56 công trình hoạt động trung bình chiếm 33,33%; 20 công trình hoạt động kém hiệu quả chiếm 11,9%; 51 công trình ngừng hoạt động chiếm 30,36% - trong đó có 20 công trình bị hư hỏng nặng không có khả năng phục hồi, tập trung ở các huyện: Buôn Đôn, Buôn Hồ, Ea H’leo, Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, M’Đrắk và TP Buôn Ma Thuột.
“Đối với 20 công trình ngừng hoạt động, chúng tôi kiến nghị cho thanh lý đài nước để bán sắt vụn. Những công trình này có quy mô nhỏ, nhưng kinh phí sửa chữa lớn, đầu tư thêm tiền mà không hiệu quả, rất lãng phí. Các công trình hoạt động trung bình, vẫn cấp nước bình thường, nhưng việc hoạt động khó khăn do thu không đủ chi” - Ông Bình cho biết.
Không chuyển hồ sơ cho công an
Như Tiền Phong đưa tin, Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa có kết luận, từ năm 2004 đến tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh có 258 công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng; trong đó, tổng mức đầu tư của 245 công trình gần 375 tỷ đồng; 13 công trình không xác định được mức đầu tư. Thanh tra đề nghị tỉnh xử lý kỷ luật các chủ đầu tư liên quan đến dự án. Do chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình đầu tư, xây dựng các công trình nước sạch bị bỏ hoang nên Thanh tra tỉnh không chuyển hồ sơ đến công an – ông Lê Sỹ Tuân, Chánh thanh tra tỉnh Đắk Nông cho biết.
Chiều ngày 16/4/2019, trước câu hỏi của báo Tiền Phong “Là lãnh đạo, ông nghĩ gì khi cả trăm công trình nước sạch do Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ cho Đắk Nông sắp bị tỉnh đem ra bán với giá sắt vụn?”, ông Nguyễn Bốn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trả lời: “Về vấn đề này, từ 3 năm trước khi mới lên làm Chủ tịch tỉnh tôi đã thấy rất nhức nhối, đau lòng. Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần tổ chức họp bàn với các sở ngành, tìm cách khắc phục, giảm thiểu hậu quả. Đây chắc chắn là bài học xương máu mà Đắk Nông sẽ không để lặp lại trong các nhiệm vụ đầu tư sắp tới.” H.T.N ghi

Vũ Long (Tiền Phong)

Có thể bạn quan tâm