Kinh tế

Làng rau mùa hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng vẫn gay gắt dù đã có vài cơn mưa xuất hiện. Nhiều ruộng rau vốn xanh ngắt nay xám màu bởi không tìm ra nguồn nước tưới. Chưa bao giờ không khí sản xuất ở làng rau kém sôi động đến thế.

Hai bên quốc lộ 19 đoạn chạy dọc qua địa bàn 2 xã Tân An và Cư An (huyện Đak Pơ), gần một tháng nay, xế chiều đã bớt hẳn không khí nhộn nhịp của người và xe sắp xếp hàng cho chuyến đi đêm. Nhiều nhà vườn để trống đất hoặc giảm diện tích sản xuất, chỉ gieo trồng trong phạm vi có nguồn nước tưới. “Nghề làm la-ghim đã khổ cực đánh đu với thị trường, nay lại bấp bênh với cơn đại hạn. Làm cực quá mà nghề nó vận vào thân rồi, bây giờ tuổi cao, sức yếu, đâu khỏe mạnh trẻ trung mà tìm lối khác kiếm sống”-lão nông Đinh Viết An (thôn Tân Sơn, xã Tân An) lắc đầu ngán ngẩm.

 

Nông dân Đak Pơ thu hoạch rau ngò. Ảnh: L.H
Nông dân Đak Pơ thu hoạch rau ngò. Ảnh: L.H

45 năm gắn bó với nghề trồng rau tại vùng đất Tân An là hành trình quá đủ để ông thấm nỗi cực nhọc và vui buồn của nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. “Người làm rau không có thời gian nông nhàn, mệt quá mà tự cho mình nghỉ thôi. Mấy năm nay giá rau lúc được lúc mất, người làm rau cứ như đánh bạc. Riêng vụ này thì phải nghỉ bởi khô hạn, không có nước nên trồng cũng chẳng được thu”-ông An nói.

Vùng rau Tân An, Cư An hình thành từ năm 1954. Tân An, Cư An vốn được phù sa của dòng sông Ba bồi đắp nên đất đai màu mỡ, cây cối bốn mùa tốt tươi. Nguồn nước dồi dào và địa thế ven quốc lộ xương sống nối Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung đã giúp nơi này trở thành điểm lý tưởng hình thành vùng chuyên canh rau lớn của cả khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai. Thời hưng thịnh khi chưa có nhiều nơi cung cấp rau xanh như bây giờ, nhiều hộ ở Tân An, Cư An phất lên trông thấy nhờ làm rau. Chỉ vài ba năm cực khổ, họ đã có nhà xây, mua sắm được ti vi, xe máy… Đó là chuyện của những năm 90 của thế kỷ trước. “Thời này kéo dài đâu chừng hơn chục năm, rồi nơi nơi họ đều làm rau, thị trường bão hòa rồi tồn tại bình lặng như bao nghề kiếm cơm khác”-ông An trầm ngâm. Như chính bản thân ông đây, từng lăn lộn với nghề rau tới lúc già yếu, có chút vốn giắt lưng cũng quay ra chọn hướng đi khác chứ chẳng bám trụ nổi với nghề. “Mấy năm trước, tôi dồn vốn mua máy cày đất về để nhận cày thuê cho người ta. Mình không còn đủ sức dẻo dai  tay cuốc thì phải nghĩ đến cách kiếm cái gì đó thay sức mình. Cày thuê cũng cực nhưng lời lãi rõ ràng, không còn ở cái thế đánh đu được mất với trời, với giá nữa”-lão nông xác nhận.

Hay như lão nông Nguyễn Đình Cường cùng ở thôn Tân Sơn (xã Tân An), người cũng có thâm niên hơn 30 năm làm rau cũng không giấu nổi nỗi lo lắng và bất lực trước diễn biến ngày càng khắc nghiệt của thời tiết. “Nhà tôi có hơn 3,5 sào đất trồng rau xanh, hoa nhưng vụ này giếng cạn chỉ còn canh tác không đầy một sào. Nước thiếu, chi phí sản xuất tăng mà giá rau vẫn vậy nên không cố gắng thêm chi nữa”-ông Cường chia sẻ.

Theo thống kê, cả Tân An và Cư An có gần 2.200 ha rau xanh mỗi năm. Mỗi ngày, vùng rau này cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn rau. “Thời tiết khô hạn năm nay ảnh hưởng rất nhiều đến việc sản xuất rau của bà con. Ngoài rủi ro do thời tiết, sâu bệnh thì giá cả bấp bênh đang là trở lực lớn cho việc phát triển nghề trồng rau vùng này. Địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất rau theo hướng an toàn. Tuy nhiên, do đầu ra chưa có sự phân tách giữa rau sạch-rau bẩn, lợi nhuận chưa thực sự khác biệt dẫn đến nông dân không mặn mà. Làng rau bởi vậy vẫn duy trì phương thức sản xuất cũ, chưa tạo ra đột phá để nâng tầm vùng chuyên canh rau lên quy mô cao hơn”-ông Nguyễn Văn Huỳnh-Phó Chủ tịch UBND xã Cư An chia sẻ.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm