Du lịch nông thôn (rural tourism) là loại hình du lịch ở khu vực nông thôn, quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên. Loại hình này gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống; thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn.
Theo đó, làng Stơr hội tụ nhiều lợi thế để trở thành một điểm du lịch nông thôn hấp dẫn từ cảnh quan thiên nhiên đến các giá trị văn hóa, lịch sử, ẩm thực đặc trưng.
Về làng Anh hùng Núp
Qua cánh đồng Đê Ba thơm hương lúa trổ đòng, từ xa đã thấy thấp thoáng những nóc nhà sàn dựa vào nền núi thẫm. Làng Stơr ẩn mình giữa màu xanh núi rừng, nương rẫy trù mật mang theo nhịp điệu quen thuộc của cuộc sống thường hằng. Đang vào mùa măng le, dọc con đường chính vào làng, tới đâu cũng thấy sản vật của rừng. Màu vàng như nắng của những búp măng tươi dần chuyển màu sậm dưới cái nắng, cái gió và khí trời Trường Sơn-Tây Nguyên. Đây là một trong những sản vật từ rừng khách có thể mua về làm quà trong hành trang du lịch.
Một trong những điểm tham quan hấp dẫn khi đến Stơr là khu làng kháng chiến phục dựng trên một quả đồi với những nếp nhà sàn, kho lúa. Trong ngôi nhà sàn, vợ chồng ông bà Đinh Nim-Đinh Thị Leng ngồi đan lát, dệt vải; bên cạnh những đứa cháu ngoại chơi đùa.
Ông Nim cho biết: Gia đình ông được vận động đến ở tại làng phục dựng từ năm 2017 đến nay để làm du lịch. Làng chỉ có 7 nóc nhà, hơi buồn so với làng dưới núi. Bù lại, ông bà có thêm khoản thu nhập, bên cạnh việc làm rẫy.
“Nhà không có người ở sẽ nhanh hư. Hàng ngày, vợ chồng mình nhóm lửa để khói bếp giữ cho cái nhà được chắc, ấm áp, khách đến tham quan thì có người tiếp đón. Mình thì đan lát, còn vợ dệt vải cho khách xem, thỉnh thoảng có người mua luôn sản phẩm nên cũng vui vì vừa giới thiệu được văn hóa truyền thống, vừa có thêm chút thu nhập”-ông Nim chia sẻ.
Làng kháng chiến phục dựng, Nhà lưu niệm Anh hùng Núp là 2 điểm tham quan chính khi đến với làng Stơr. Tuy nhiên, dạo quanh làng, khách có thể phát hiện và cảm nhận nhiều điều thú vị, được hòa mình vào không gian nông thôn rất đặc trưng. Từ cánh đồng Đê Ba rộng lớn đi qua dòng suối T’tung đã được chiêm ngưỡng cảnh quan tự nhiên trong lành, những phiến đá trắng khổng lồ. Ngược dòng chảy là đập nước, cách làng không xa.
Đầu năm nay, anh Đinh Mỡi (một hộ dân trong làng) đã hoàn thiện ngôi nhà gỗ theo kiến trúc nhà sàn truyền thống với nhiều phòng làm homestay phục vụ du khách có nhu cầu lưu trú. Vợ anh là đầu bếp tài hoa khi chế biến được nhiều món ăn truyền thống như: gà nướng, cơm lam, lá mì xào cà đắng, cá suối, ốc rừng, hoa nghệ xào…
Anh cho biết: Là một người con của quê hương Anh hùng Núp, anh rất tự hào với truyền thống văn hóa, lịch sử và mong muốn giới thiệu đến du khách. “Tôi hy vọng mô hình homestay và ẩm thực truyền thống của gia đình cũng được bà con học hỏi, làm theo. Bản thân tôi rất mong cùng dân làng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn”-anh Mỡi tâm sự.
Hướng đến sản phẩm du lịch nông nghiệp
Ngôi làng gắn với tên tuổi Anh hùng Núp đứng trước nhiều cơ hội để “chuyển mình” khi được chọn xây dựng mô hình điểm du lịch nông thôn theo Kế hoạch số 657/KH-UBND ngày 23-3-2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Về phía địa phương, UBND huyện Kbang cũng đã cụ thể hóa chủ trương của tỉnh với kế hoạch thực hiện mô hình du lịch nông thôn tại làng Stơr. Kế hoạch đề ra nhiệm vụ tổ chức khảo sát, lựa chọn và hỗ trợ làng để hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Trong đó, có hoạt động tham quan, trải nghiệm làm nương rẫy gắn với những loại cây trồng bản địa, thu hái, sơ chế măng le rừng, khai thác mật ong rừng… theo truyền thống của người Bahnar.
Ngoài ra, huyện còn đề ra nhiệm vụ hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm đặc trưng để tham gia chứng nhận sản phẩm OCOP, làm nơi tham quan, bán sản phẩm cho du khách làm quà tặng… Gắn xây dựng mô hình du lịch nông thôn với khai thác giá trị di tích Làng kháng chiến Stơr và Nhà lưu niệm Anh hùng Núp.
Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho hay: Kế hoạch được huyện phê duyệt với nguồn vốn đầu tư của địa phương là 635 triệu đồng, vốn trung ương là 489 triệu đồng. Mục tiêu là đầu tư cơ sở vật chất cho làng, giúp người dân nâng cao ý thức và tự chủ được tài nguyên sẵn có. Trong các hạng mục đầu tư, chú trọng bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa truyền thống và các loại hình dịch vụ. Khôi phục các ngành nghề, lễ hội truyền thống của đồng bào Bahnar, chỉnh trang, nâng cấp nhà rông văn hóa làng Stơr. Hỗ trợ xây dựng 5 homestay tại làng để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách…
Theo ông Chi, yếu tố quyết định là phát huy tính tiên phong của người Bahnar tại chỗ làm du lịch cộng đồng, giúp họ duy trì, phát huy bản sắc văn hóa, thấy được di sản văn hóa là tài sản và họ có khả năng làm du lịch khi dựa vào đó. Do đó, huyện định hướng, tạo điều kiện cho người dân tham quan học tập một số mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng thành công.
“Chúng tôi tổ chức họp dân và nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao. Trong làng cũng xuất hiện nhân tố là người trẻ tiên phong làm du lịch như vợ chồng anh Đinh Mỡi, một số hộ dân đăng ký làm mô hình homestay. Làng thành lập được đội cồng chiêng, xoang phục vụ khách du lịch, phục dựng được nhiều lễ hội truyền thống và lưu giữ giá trị ẩm thực phong phú. Đó là tiền đề để chúng tôi triển khai nhiệm vụ xây dựng mô hình du lịch nông thôn làng Stơr và tin tưởng sẽ thành công”-ông Chi kỳ vọng.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã triển khai một số hoạt động như: đào tạo, hướng dẫn người dân về kỹ năng tiếp đón khách, hướng dẫn du lịch, phục vụ lưu trú, ẩm thực; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng Stơr. Mới đây, Sở cũng đã mời các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch đến khảo sát đánh giá tiềm năng, góp ý hoàn thiện các dịch vụ, đồng thời làm cầu nối đưa du khách đến làng Stơr tham quan, trải nghiệm.